Tiếp bài “giải cứu” ngập đường Kinh Dương Vương: TP. HCM: Cần làm rõ trách nhiệm PGĐ Sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Văn Tám

09:29 | 11/10/2018

Trong lúc Đảng và nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, nghiêm cấm các hành vi vi phạm làm thiệt hại ngân sách nhà nước thì tại dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”, những người có trách nhiệm đã tuỳ tiện sử dụng hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trái với Luật đầu tư công. Dư luận cho rằng, nếu cơ quan chức năng tại TP.HCM không khẩn trương thanh kiểm tra, có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các vi phạm tiếp theo của chủ đầu tư thì vụ việc này không chỉ thiệt hại đến ngân sách nhà nước mà còn làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan pháp luật của địa phương.

Vi phạm Luật đầu tư công như thế nào?

Như đã đưa tin, trong giai đoạn 2016- 2017, TP. HCM đã chi hơn 730 tỉ đồng để thực hiện dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”. Tuy nhiên, kết quả của dự án tiêu tốn hơn 730 tỷ đồng ngân sách nhà nước là “tiền mất tật mang”. Tất cả các hộ dân dọc tuyến đường đều chìm trong ngập lụt vì chủ đầu tư chống ngập bằng cách nâng cốt đường lên. Cách “chống ngập khó hiểu” của chủ đầu tư khiến hàng vạn người dân bức xúc đặt dấu hỏi về năng lực, cũng như trách nhiệm của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM (Trung tâm chống ngập).

Chưa dừng lại ở đó, trong lúc chưa biết xoay sở đối phó ra sao khi hàng vạn nhà dân bị ngập thì phương án “chữa cháy” được Trung tâm chống ngập và Sở Giao thông vận tải TP.HCM “phát kiến” ra là đầu tư thêm một trạm bơm công suất 42.000 m3 trị giá gần 180 tỷ đồng. Dự án này được đặt tên là dự án Trạm bơm Bà Tiếng do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò được Trung tâm chống ngập ủy quyền làm chủ đầu tư.

Tiếp đó, ngày 9/1/2018 ông Nguyễn Văn Tám- Phó GĐ Sở Giao thông vận tải TP.HCM ký quyết định số 175 chính thức bổ sung dự án Trạm bơm Bà Tiếng vào thành hạng mục của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”. Ngay sau đó, Trạm bơm Bà Tiếng được “xẻ” thành 02 gói thầu là xây lắp và cung cấp thiết bị.

Đến lúc này câu hỏi lớn được đặt ra chủ đầu tư lấy đâu ra 180 tỷ đồng để đầu tư Trạm bơm Bà Tiếng? Bởi khi phê duyệt tổng mức đầu tư, các hạng mục công trình, dự toán chi phí của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương” không có việc xây dựng Trạm bơm Bà Tiếng.

Đến lúc này, các vi phạm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Trung tâm chống ngập đã dần dần được hé lộ.

Theo các tài liệu mà phóng viên thu thập được thì nguồn kinh phí mà chủ đầu tư chi trả cho gói thầu bổ xung Trạm bơm Bà Tiếng là trích từ nguồn tiền “chi phí dự phòng” của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”?! Vậy, việc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho phép chủ đầu tư lấy nguồn “phí dự phòng” của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương” để chi trả gói thầu Trạm bơm Bà Tiếng vi phạm vào điều cấm nào?

Luật sư Trịnh Xuân Hải- Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình cho rằng: Theo quy định của Luật Đầu tư công thì việc xây dựng trạm bơm Bà Tiếng rõ ràng phải tuân thủ các bước, trình tự lập dự án, phê duyệt dự án… và phải được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, có kế hoạch bố trí vốn, nguồn vốn…

Như vậy, việc Trung tâm chống ngập sử dụng “dự phòng phí” công trình để bổ sung chi phí đầu tư cho hạng mục ngoài dự án và Quyết định 5306 ngày 09/01/2018 của Sở GTVT do ông Nguyễn Văn Tám phê duyệt điều chỉnh cơ cấu trong dự toán là trái với quy định và làm thay đổi kế hoạch sử dụng vốn của UBND TP. HCM

Từ việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật này, dẫn đến một loạt vấn đề thể hiện dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quá trình thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu các gói thầu liên quan đến Trạm bơm Bà Tiếng như chúng tôi đã phân tích trong các bài báo trước đó.

Đổ tội cho nhau?

Bằng động tác “lắp ghép” Trạm bơm Bà Tiếng thành một hạng mục bổ sung của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”, lấy phí dự phòng để thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Tám- Phó GĐ Sở Giao thông TP. HCM đã “né” Luật Đầu tư công, bỏ qua các bước lập dự án cho cho Trạm bơm Bà Tiếng, bỏ qua sự cho phép của HĐND thành phố khi mà sử dụng vốn ngân sách.

Ngày 8/10, làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM cho biết là đã nắm được nội dung báo chí phản ánh. Ông Tám cho rằng trách nhiệm giải trình về những nội dung báo nêu là của chủ đầu tư dự án là Trung tâm chống ngập.

tiep bai giai cuu ngap duong kinh duong vuong tp hcm can lam ro trach nhiem pgd so giao thong van tai tphcm nguyen van tam

Ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc sở làm việc với phóng viên

Khi phóng viên đặt vấn đề vì sao Trạm bơm Bà Tiếng không tuân thủ các bước lập dự án, không thông qua HĐND thành phố như quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công? Căn cứ vào đâu để lấy vốn dự phòng dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương” vào làm vốn đầu tư trạm bơm Bà Tiếng? Ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM biện minh rằng vì “tính cấp bách của việc xây dựng trạm bơm” nên mới chọn giải pháp lấy vốn dự phòng để đầu tư Trạm bơm Bà Tiếng. Ông Tám thừa nhận nếu lập dự án mới (đúng với Luật Đầu tư công- pv) thì phải báo cáo và được HĐND thành phố thông qua. “Qua nhiều bước thì rất lâu”- ông Tám lý giải.

Làm việc với phóng viên, ông Võ Thanh Huy- Giám đốc Ban QLDA kênh Ba Bò (đơn vị được Trung tâm chống ngập thành phố ủy quyền làm chủ đầu tư dự án) thừa nhận là ban đầu chủ đầu tư định lập dự án trạm bơm Bà Tiếng thành dự án mới. Nhưng như vậy, theo quy định phải thông qua HĐND thành phố. Ông Huy cũng đẩy trách nhiệm vụ việc này sang Sở Giao thông vận tải TP.HCM: “Sở Giao thông đề nghị đưa vào làm hạng mục phát sinh dự án đường Kinh Dương Vương. Trung tâm chống ngập phải tuân thủ sự chỉ đạo này”.

Ban QLDA kênh Ba Bò cung cấp cho phóng viên văn bản số 12415/SGTVT-CTN (ngày 13/9/2016) của Sở Giao thông TP. HCM thể hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo sở này.

Cụ thể, văn bản trên được ký bởi ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc sở chỉ đạo rõ: “Đối với việc bổ sung xây dựng trạm bơm, đề nghị Trung tâm… khẩn trương nghiên cứu, bổ sung hạng mục công trình trong dự án trong dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương”.

Ông Huy cho biết Trung tâm chống ngập trực thuộc UBND thành phố, nhưng về chuyên môn lại do sự chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải…

Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư thừa nhận về nguyên tắc vốn dự phòng tại dự án phải dùng để chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án, nếu không sử dụng, hoặc sử dụng không hết thì trả lại ngân sách.

Trao đổi với phóng viên, một số Luật sư cho rằng việc Sở Giao thông vận tải TP.HCM và chủ đầu tư dự án Trạm bơm Bà Tiếng lấy vốn dự phòng để đầu tư một dự án không nằm trong dự toán của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương” là thể hiện rất rõ dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 220- BLHS 2015. Tuy nhiên, các Luật sư cho rằng phải tới khi vụ việc được điều tra theo trình tự tố tụng thì mới biết rõ mức độ vi phạm để có cơ sở xử lý.

Dư luận tại TP. HCM thì cho rằng cơ quan Thanh tra của TP. HCM cần phải thanh tra làm rõ dự án này, xem xét rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tiep-bai-giai-cuu-ngap-duong-kinh-duong-vuong-tp-hcm-can-lam-ro-trach-nhiem-pgd-so-giao-thong-van-tai-tphcm-nguyen-van-tam-41639.html

In bài viết