Nam Định: 16 năm, 8 phiên tòa không xong 01 vụ kiện

20:22 | 13/06/2018

TĐO - Đằng đẵng qua 16 năm trời, ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Phúc Trọng, xã Mỹ Xá, TP Nam Định) phải chạy theo một vụ kiện với 08 phiên tòa nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc. Đáng lưu ý, dù rất nhiều bằng chứng, chứng minh ông Hạnh mua nhà của người khác là hợp pháp nhưng không hiểu sao 02 cấp Tòa án tại tỉnh Nam Định nhiều lần xét xử vẫn không công nhận các chứng cứ quan trọng nêu trên.

Ngày 15/10/1982, ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Phúc Trọng, xã Mỹ Xá, TP Nam Định) mua của cô mình là bà Nguyễn Thị Việt (cùng thôn), một thửa đất có diện tích 390 m2, trên đất có ngôi nhà gỗ xoan 4 gian và một số công trình phụ khác. Thửa đất đó có nguồn gốc là đất của cụ Nguyễn Xuân Lượng, thân sinh bà Việt (đã mất). Khi mua bán, hai bên đã ra UBND xã nộp thuế trước bạ, và được chủ tịch UBND xã ký tên, đóng dấu xác nhận. Số tiền mua đất được ông Hạnh trả làm nhiều lần,lần đầu trả một nửa. Đến năm 1984, hai bên làm lại giấy chuyển nhượng và có đủ chữ ký của bà Việt cùng những người con khác của cụ Lượng là các bà Hảo, Sơn (Tuyết), Phượng, thì ông Hạnh mới lần lượt trả nốt. Lần trả cuối cùng là 2 chỉ vàng, do bà Nguyễn Thị Sơn (Tuyết) nhận.

Kết luận giám định số của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự công an tỉnh Nam Định khẳng định: Chữ ký trong các giấy tờ chuyển nhượng đất đó là chữ ký của bà Nguyễn Thị Việt.Tại thời điểm đó, khi luật đất đai năm 1987 chưa ra đời, theo quan điểm của một số chuyên gia pháp việc mua bán nói trên là hoàn toàn hợp pháp và đầy đủ thủ tục.

Sau khi ông Hạnh mua thửa đất nói trên của bà Nguyễn Thị Việt, cụ Nguyễn Thị Xứng, mẹ ông Hạnh, đã khai hoang thửa đất giáp với thửa đất mà ông Hạnh đã mua thêm 591 m2 đất nữa. Năm 1993, UBND xã Mỹ Xá đã chấp nhận diện tích này cho cụ Xứng đóng thuế sử dụng đất.

Năm 2002, các bà Tuyết, Hà, Phượng đã đứng đơn xin UBND xã giao cho ông Nguyễn Văn Quân (con trai cụ Lượng) một thửa đất, với lý do đất của cụ Lượng đã bán hết, ông Quân sắp mãn hạn tù, khi về sẽ không có đất ở.Đơn của các bà được một hội đồng gồm 7 người có trách nhiệm ở thôn Phúc Trọng xem xét. Căn cứ vào đó, UBND xã đã cấp cho ông Quân 1 mảnh đất thổ cư. 7 người trong hội đồng đó đã có lời khai đầy đủ về nội dung đơn của bà Tuyết. Thế nhưng không hiểu sao, tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của ông Nguyễn Văn Quân lại được ghi năm cấp là năm...1980. Khi đó cụ Nguyễn Xuân Lượng chưa mất, đất chưa bán và ông Quân chưa bị đi tù ?

Tất cả những bằng chứng trên đã chứng minh một điều, là việc mua bán thửa đất trên của ông Nguyễn Văn Hạnh với bà Nguyễn Thị Việt là có thật, và hoàn toàn hợp pháp, tại thời điểm đó.

nam dinh 16 nam 8 phien toa khong xong 01 vu kien

Ngôi nhà và mảnh đất nơi xảy ra tranh chấp.


Năm 2002 (lúc này bà Việt đã mất) các con của cụ Nguyễn Xuân Lượng bỗng khởi kiện ông Nguyễn Văn Hạnh ra TAND thành phố Nam Định, đòi ông Hạnh phải trả lại ngôi nhà và thửa đất nói trên, với lý do là họ chỉ cho ông Hạnh...Ở nhờ. Điều kỳ lạ nữa là tuy diện tích đất mua bán giữa ông Hạnh và bà Việt chỉ có 390 m2, nhưng họ lại đòi cả...1.000 m2.

Tại tòa, các nguyên đơn đều không xuất trình được bất cứ chứng cứ gì như hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng miệng...về việc họ đã cho gia đình ông Hạnh ở nhờ.

Điều 4, nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10, ngày 20/8/1998 của Quốc hội khóa X, quy định “Việc cho mượn, cho ở nhờ nhà giữa cá nhân với cá nhân đều được xác lập bằng hợp đồng”. Và theo quy định tại thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT- TANDTC-VKSNDTC ngày 25/1/1999 của TAND tối cao và VKSND tối cao, thì “Khi xác định được quan hệ giữa các bên là quan hệ hợp đồng ở nhờ nhà , thì tòa án mới giải quyết theo quy định tại điều 4 nghị quyết 58/1998”.

Trong vụ kiện này, các nguyên đơn đã không xuất trình được bất cứ chứng cứ gì để chứng minh việc họ cho gia đình ông Hạnh ở nhờ, tức là Tòa không có căn cứ để xác định được quan hệ giữa hai bên là quan hệ hợp đồng ở nhờ theo các quy định trên.Ấy thế nhưng các cấp Tòa của tỉnh Nam Định vẫn cứ thụ lý, và vẫn đưa vụ kiện ra xét xử.

Cho đến nay, vụ kiện đã kéo dài được 16 năm, và đã có 8 phiên tòa được mở, trong đó có 4 phiên tòa cấp sơ thẩm, nhưng vẫn chưa kết thúc. Đọc kỹ các bản án dễ dàng nhận thấy có những điều rất lạ lùng. Thứ nhất, là vụ kiện đã được phân công cho thẩm phán giải quyết. Nhưng ông phó Chánh án TAND thành phố Nam Định (hiện nay là chánh án TAND tỉnh Nam Định) lại tự mình đến UBND xã Mỹ Xá để xác minh nguồn gốc đất của cụ Lượng. Và tuy chẳng có căn cứ gì, nhưng ông lại kết luận “diện tích đất 591 m2, hiện nay cụ Xứng sử dụng có nguồn gốc là đất của cụ Lượng”. Thứ hai, là mỗi bản án lại xác minh diện tích đất được các nguyên đơn cho là của cụ Lượng một khác. Có bản án thì cho là 700 m2; Bản án khác là 900 m2; Bản án khác nữa thì 1.000 m2 và có bản án lại cho là trên 1.100 m2. Vậy sự thực diện tích đất của cụ Lượng là bao nhiêu m2 ?Căn cứ nào để chứng minh diện tích đó, trong khi theo bản đồ địa chính xã Mỹ Xá năm 1977 thì cụ Lượng chỉ đứng tên thửa đất có diện tích 390 m2 đã bán cho ông Hạnh, ngoài ra cụ không đứng tên bất cứ thửa đất nào khác ? Thứ ba, là lời khai của các nguyên đơn về việc cho gia đình ông Hạnh “ở nhờ” tại mỗi bản án một khác. Bản án thì nói là năm 1984; Bản án khác lại nói là năm 1985. Thứ ba, 03 bà Tuyết, Hà, Phượng đã xác nhận tại tòa, là năm 2002, họ đã có đơn xin đất cho ông Quân, với nội dung đất của cụ Lượng đã bán hết, và kết quả là ông Quân đã được giao đất. Lời xác nhận đó cùng với lời khai của 7 người có trách nhiệm của thôn Phúc Trọng về lá đơn của các bà Tuyết, Hà, Phượng là một chứng cứ rất quan trọngđể chứng minh ông Hạnh đã mua thửa đất của cụ Lượng chứ hoàn toàn không phải ở nhưng lại không được xem xét ?

Bỏ qua tất cả những chứng cứ đó. Các bản án của 02 cấp Tòa án của tỉnh Nam Định đều tuyên một cách có lợi cho bên nguyên.

Phiên tòa thứ 9 sắp đượcTAND tỉnh Nam Định mở lại. Không biết lần này, sự thực khách quan có được làm sáng tỏ? Câu hỏi trên xin gửi tới TAND tỉnh Nam Định.

ThanhTường

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nam-dinh-16-nam-8-phien-toa-khong-xong-01-vu-kien-41561.html

In bài viết