Vĩnh Phúc: Công trình tiền tỷ bỏ hoang, người dân xã Bồ Lý “khát” nước sạch?

12:36 | 23/06/2018

TĐO-Lý giải dự án nước sạch tập trung với tổng kinh phí 12 tỷ đồng bị bỏ hoang sau gần một năm hoạt động. Đại diện UBND xã Bồ Lý cho rằng: do nguồn nước bị ô nhiễm, thiết bị vận hành bị mất cắp, người người dân chỉ lấy nước vào mùa khô, còn mùa mưa dư dả nguồn nước nên người dân không dùng đến khiến công trình tiền tỷ bị bỏ hoang?

Dự án tiền tỷ… “đắp chiếu” nhiều năm

Xã Bồ Lý được xếp vào diện nghèo còn nhiều khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề như tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản thương mại dịch vụ còn nhỏ lẻ không tập trung. Vì vậy, tình hình kinh tế xã hội ở địa bàn xã còn khó khăn. Một trong những vấn đề nan giải nhãn tiền là tình trạng khan hiếm nguồn nước.

Nắm được ý nguyện của dân, năm 2008, Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc triển khai dự án cấp nước sạch tập trung dựa trên nhu cầu cấp bách của bà con, đặc biệt là người dân tộc Sán Dìu trên hai xã Đạo Trù và Bồ Lý,huyện Tam Đảo theo diện 134 của Chính phủ với tổng kinh phí 12 tỷ đồng được trích từ tiền ngân sách nhà nước.

Hiện tại, xã Bồ Lý có 2 cụm công trình. Cụm công trình số 1 cấp nước cho các thôn Đồng Cà, Đồng Bụt và Tân Lập (lấy nước từ thượng nguồn đập Vực Chuông), xây dựng năm 2008, đưa vào sử dụng năm 2009, ngừng hoạt động tháng 11/2011.

Cụm công trình số 2 cấp nước cho thôn Chùa Bồi, Bồ Trong (lấy nước từ sông Phó Đáy), xây dựng từ năm 2013 được bàn giao đưa vào sử dụng năm 2015. Tuy nhiên, cụm công trình này đã phải ngừng hoạt động do hỏng máy bơm từ tháng 4/2017.

Khi cụm công trình hoàn thành và đưa vào vận hành thử, Ban Dân tộc tỉnh làm thủ tục bàn giao công trình cho UBND xã quản lý. Trong biên bản bàn giao xác nhận, các hạng mục đã thi công của hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo chất lượng, kỹ thuật theo tiêu chuẩn của ngành xây dựng, đã được các bên liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước khi bàn giao.

Sau khi nhận bàn giao công trình trên, UBND xã Bồ Lý đã lập các tổ vận hành, đội bảo vệ công trình và khắc phục khi xảy ra sự cố.

Trong 3 năm đầu, Ban Dân tộc tỉnh chi ngân sách để trả tiền công cho tổ vận hành máy bơm nước, người dân được sử dụng miễn phí.

Nhưng đáng nói, dù công trình cấp nước sạch tập trung đã đi vào hoạt động nhưng theo phản ánh của người dân xã Bồ Lý thì họ không được hưởng một giọt nước nào từ dự án mà phải tự đào giếng để có nước sinh hoạt.

“Khi biết tỉnh quan tâm cho xây dựng trạm nước sạch, người dân chúng tôi vui mừng lắm. Nhưng từ khi xây dựng trạm bơm, chúng tôi không được dùng nước sạch. Vì vậy, gia đình tôi phải vay mượn đào giếng để có nước sinh hoạt. Những gia đình ở trên cao, không đào được giếng họ phải đi mua từng bình nước lọc về dùng” một người dân địa phương cho biết.

vinh phuc cong trinh tien ty bo hoang nguoi dan xa bo ly khat nuoc sach

Người dân phải vay mượn đào giếng lấy nước sinh hoạt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dân- Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho rằng, nguyên nhân là do nguồn nước không đủ để bơm, năng lượng điện không đủ để vận hành, mất trộm các thiết bị vận hành. Còn việc người dân chưa được sử dụng nước là do dự án được hoàn thành vào mùa mưa, mưa nhiều nên người dân chủ động được nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước từ dự án giảm đi.

vinh phuc cong trinh tien ty bo hoang nguoi dan xa bo ly khat nuoc sach

Bể nước nhỏ cạn khô và hoang tàn nhiều năm.


Bên cạnh đó, hiện tại nguồn nước tại đập Vực Chuông đang bị ô nhiễm không đủ tiêu chuẩn làm nước cấp cho cụm công trình, do nước thải sinh hoạt của cụm người dân tái định cư từ hồ Đồng Mỏ về vùng thượng lưu đập Vực Chuông cộng thêm nguồn thải từ trạm y tế ngay cạnh đó.

Trước đó, ông Hoàng Minh Ái, Trưởng ban dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết khoảng 80% các cụm công trình trên địa bàn đang trong tình trạng “đắp chiếu”.

Xã phải chịu trách nhiệm?

vinh phuc cong trinh tien ty bo hoang nguoi dan xa bo ly khat nuoc sach

Công trình nước sinh hoạt tập trung bị "đắp chiếu" nhiều năm.


Trả lời báo chí, ông Hoàng Minh Ái, trưởng ban dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc nhận định rằng sau khi bàn giao cho xã quản lý, việc công trình có nước hay không là do xã phụ trách vận hành, Ban Dân tộc đã hết trách nhiệm.

"Xã buông lỏng quản lý để cho người dân tự ý đập bỏ các công trình thì phải tự bỏ tiền ra để tu sửa, chứ không thể trông chờ vào ngân sách của Ban Dân tộc tỉnh được" –ông Ái cho biết

Đề cập đến chủ trương trưng cầu ý kiến người dân về chủ trương thu phí nước sạch 5 nghìn/m3, lãnh đạo Ban dân tộc khẳng định: "Khi triển khai dự án nước sạch, người dân được sử dụng miễn phí, không phải bỏ khoản phí nào. Còn UBND xã trưng cầu ý kiến người dân về việc thu phí là không phù hợp".

Vậy, với hiện trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc Chương trình 134 trên địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo dù được xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “ đắp chiếu” nhiều năm khiến người dân sống trong tình trạng “khát” nước sạch. Khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm thuộc về cơ quan nào trước sự việc trên? Đến bao giờ người dân xã Bồ Lý mới được “hưởng” nước sạch theo chủ trương ban đầu của Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc?

N.Hương-N.Hoàn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/vinh-phuc-cong-trinh-tien-ty-bo-hoang-nguoi-dan-xa-bo-ly-khat-nuoc-sach-41559.html

In bài viết