10:46 | 18/11/2015
![]() |
Ông Nguyễn Hùng Linh - Ảnh: Internet
VOV đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa hoàn thành cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang (KTC).
Trong số này có ông Nguyễn Hùng Linh (sinh năm 1963), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty; ông Đỗ Hiếu Liêm (sinh năm 1953), nguyên Phó Tổng Giám đốc; Lê Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-kinh doanh; Phan Văn Trinh (SN 1956) và Âu Tấn Việt (sinh năm 1977), nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch-kinh doanh; Huỳnh Vũ Anh, nhân viên phòng Kế hoạch và Lê Thị Thanh Diễm, (sinh năm 1978), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Phong.
Hồi tháng 6/2015, VKSND tỉnh Kiên Giang cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố, cho tại ngoại, đối với ông Nguyễn Hùng Linh - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Thương mại Kiên Giang (KTC), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam -về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, năm 2014, Một Thế GIới đã đăng bài viết cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn chấp thuận đề nghị của Thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam về việc cử ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch khóa VII (2011-2015), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch – Thương mại Kiên Giang vào chức danh Chủ tịch Hiệp hội. Việc đề cử ông Nguyễn Hùng Linh đã gây ra không ít dư luận nơi địa phương ông Linh cư trú vì chỉ mới cách đây chưa đến 2 năm, vợ ông Linh đã lãnh án 18 tháng tù treo vì tội đánh ghen, rạch mặt “bồ nhí” của ông Linh.
Trong bài báo “Tổng giám đốc trăng hoa gây tù tội cho vợ” đã đăng trên báo Công an TP.HCM, số ra ngày 9/8/2012 phản ánh rất rõ về sự xuống cấp suy đồi đạo đức của ông Nguyễn Hùng Linh. Còn nhớ những người dự phiên tòa ngày hôm ấy luôn miệng thắc mắc tại sao ông Linh là Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước, bản thân lại là Đảng viên nhưng vi phạm Luật Hôn nhân gia đình vẫn không bị xem xét xử lý? Phải chăng Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có sự thiên vị hay cố tình bỏ sót “tội phạm” vì nhóm lợi ích nào đó?
Những câu hỏi lớn trong vụ án “Rạch mặt tình địch, phu nhân TGĐ lĩnh án 18 tháng tù treo" vẫn còn dư âm không tốt, thì nay dư luận một lần nữa dấy lên những bức xúc khi biết ông Nguyễn Hùng Linh ngồi vào ghế Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khi đó.
Báo bình luận: Hiệp hội là do Bộ Nội vụ cấp phép thành lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự lo kinh phí, trụ sở, phương tiện hoạt động và phải là tổ chức ngành nghề đúng nghĩa. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội sẽ do Hội viên tín nhiệm bầu, nghĩa là phải có đủ tâm - tài. Trong khi với lối sống dễ dãi và vi phạm đạo đức của người đảng viên gương mẫu, liệu ông Nguyễn Hùng Linh có đủ tư cách để trở thành “người cầm trịch” cho một tổ chức đang hoạt động vì người nông dân hay không?
Câu hỏi của Một Thế Giới xem ra đến nay đã có câu trả lời.
Ký hợp đồng gian dối, gây thiệt hại gần 250 tỷ đồng Theo cáo trạng, từ ngày 16/3/2010 đến 26/3/2010, Lê Thị Thanh Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Phong lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty hơn 50,58 tỷ đồng. Trong thời gian này Lê Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh đã đồng ý tiếp tục ký 4 hợp đồng cung ứng gạo để Diễm có vốn kinh doanh. Trong đó, Nam tham mưu cho ông Đỗ Hiếu Liêm ký hai hợp đồng với số lượng 4.000 tấn gạo; ông Nguyễn Hùng Linh ký hai hợp đồng với số lượng 7.000 tấn gạo. Sau đó, Diễm được Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang cho tạm ứng 90% tổng giá trị bốn hợp đồng hơn 65,3 tỷ đồng, tương ứng 9.900 tấn gạo. Nhận được tiền, Diễm không tiến hành thu mua lúa gạo giao cho Công ty mà sử dụng 29 tỷ đồng trả nợ, số tiền còn lại Diễm mua gạo bán lòng vòng. Đến khi vỡ nợ, Diễm chỉ cung ứng được 2.000 tấn gạo, tương đương 13,65 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Diễm đã lừa đảo chiếm đoạt của Công ty hơn 50,58 tỷ đồng. Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu rõ ông Nguyễn Hùng Linh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty và Lê Nguyễn Hoàng Nam còn lợi dụng chức vụ quyền hạn thành lập các công ty: TNHH thương mại Kiên An Phú, TNHH xuất nhập khẩu Khang Long, TNHH lương thực Thuận Phát để cho người thân trong gia đình đứng tên ký các hợp đồng với Công ty Việt Phong. Sau đó lấy gạo của Công ty ký gửi tại kho của Công ty Việt Phong để xuất khẩu, thu lợi cá nhân hơn 2,4 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Công ty gần 425 triệu đồng. Riêng Nguyễn Hoàng Nam còn nhận tiền chênh lệch trong hợp đồng mua bán gạo với Diễm 667 triệu đồng, theo VOV. |
AT tổng hợp