Dương Chí Dũng nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô, có thoát án tử?

10:20 | 28/11/2015

Tại câu trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết theo báo cáo thì hàng năm chỉ thu được 10 đến 30% và cao nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng....

duong chi dung neu nop lai 34 tai san tham o co thoat an tu

Dương Chí Dũng. Ảnh TL

Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, có thoát án tử? Đây là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, chiều 27/11.

Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với quy định mới.

Đó là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Vậy thì Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines - người đã bị kết án tử hình - nếu nộp lại 3/4 tài sản được xác định đã tham ô thì có thoát án tử hay không?

Tại câu trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết theo báo cáo thì hàng năm chỉ thu được 10 đến 30% và cao nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng. Và quy định nói trên nhằm tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra.

Nhưng, bộ luật không có hồi tố, tất cả đều tính từ ngày bộ luật có hiệu lực, còn vụ án đã xảy ra trước khi bộ luật có hiệu lực, thì không được áp dụng.

Liên quan đến đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp, đề cập đến việc Thủ tướng chỉ trả lời một trong nhiều vấn đề được đại biểu chất vấn trực tiếp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, trước khi trả lời chất vấn Thủ tướng có bài phát biểu đã bao hàm tất cả nội dung liên quan đến các câu hỏi. Và sau đó Thủ tướng đã nhấn mạnh câu trả lời về biển Đông rất rõ ràng.

Sau khi Thủ tướng đã ngừng lời, dù còn thời gian nhưng nếu quay lại tiếp tục chất vấn các vị bộ trưởng thì sẽ loãng, lần đầu tiên đổi mới chất vấn nên chắc chắn cần rút kinh nghiệm, ông Phúc nói.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc hoãn thông qua hai dự án luật liên quan đến luật thuế, trong đó có nội dung điều chỉnh thuế ôtô, ông Phúc cho biết luật thông qua thì phải bảo chất lượng. Qua thảo luận thì thấy cần có thời gian hoàn thiện thêm, nên Quốc hội quyết định lùi để cho ý kiến tiếp và thông qua vào kỳ họp sau.

Thông tin về kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, đây là một trong những kỳ họp dài nhất của nhiệm kỳ này với khối lượng công việc hết sức đồ sộ.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết. Việc thông qua các luật, bộ luật này đã cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án, trình xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Tại kỳ họp này, có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh

Với Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 27/11, Quốc hội đã đồng ý bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh.

Gồm các tội: cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy ; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.

Về việc một số vị đại biểu không tán thành hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở tội cướp tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, đối với tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về tội cướp tài sản và tội giết người (đã có hình phạt tử hình).

Còn với đối với tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu về tội khủng bố.

Các tội danh này thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, sẽ thoát án tử

Sau nhiều tranh luận trái chiều, đa số các vị đại biểu đã đồng ý với quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.

Quy định này thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo bộ luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” tại điều 40.

Kết quả phiếu thăm dò cho thấy số đại biểu tán thành với quy định này là 260/415 và 155 vị không tán thành.

Trước khi biểu quyết chung về toàn bộ bộ luật, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về điều 40. Đây là nội dung nhận được ít sự ủng hộ nhất. Có 342/429 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành với quy định này (tương đương 69,23% tổng số đại biểu Quốc hội) trong khi tất cả các nội dung khác đều nhận từ 80-86% phiếu thuận.

“Khai tử” tội cố ý làm trái

Cho đến tận phiên thảo luận cuối cùng, bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý thay thế bằng các tội danh cụ thể vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành).

Kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu cho thấy có 333/405 vị tán thành bỏ tội danh này.

Trước đó, qua lấy ý kiến nhân dân cũng cho thấy đa số ý kiến đồng ý bỏ tội danh cố ý làm trái.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thay thế điều 165 bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

Theo báo cáo giải trình, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong “Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” (gồm 45 điều), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực kinh tế để tránh bỏ lọt tội phạm.

Một điểm mới khác là dự thảo bộ luậtđã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, việc bổ sung quy định này là cấn thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.

Theo đó, dự thảo đã quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chương các tội phạm về môi trường.

Theo VnEconomy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/duong-chi-dung-neu-nop-lai-34-tai-san-tham-o-co-thoat-an-tu-40346.html

In bài viết