Tổ ấm thời nay

10:50 | 05/08/2015

Cuối cùng vợ chồng tôi cũng được chuyển về tổ ấm mới. Căn hộ chung cư trên tầng 15 ấy phải nói là niềm mơ ước của chúng tôi giữa chốn Hà thành đất chật người đông, mà mỗi tấc đất là một tấc vàng này.

Bố mẹ chồng tôi mừng lắm, niềm vui mừng hiện rõ trên nét mặt của ông bà, trong sự tất tả chung tay kê dọn tổ ấm mới cho con cháu. Nhưng tôi cũng thấy hiển hiện trên khuôn mặt của những người sống trước chúng tôi một thế hệ ấy nét suy tư thật khó diễn tả.

Từ phòng khách, phòng ngủ, cho đến bếp, khu vệ sinh… chỗ nào ông bà cũng ghé đến, tay kê chỉnh lại đồ đạc cho ngay ngắn, tay cầm khăn lau nhẹ nhàng xóa đi lớp bụi bẩn bám trên bề mặt cho mọi thứ sáng choang đúng với nghĩa “mới”… Ông tâm đắc: “Nhà mới là phải thế này chứ!”. Bà thì dặn dò: “Mẹ cu Bin cố gắng giữ cho mọi thứ mới mãi thế này con nhé!”. Nhất là với căn phòng nhỏ – không gian riêng mà vợ chồng tôi sắp đặt cho cậu con trai 10 tuổi, ông bà ngắm nghía, chỉnh trang từng vật dụng nhỏ, từ cái đèn trên bàn học đến cái ga trải giường, cái hình dán phát quang xinh xắn gắn trên tường… Phải nói rằng, niềm vui đã khấp khởi và ấp ủ trong ông bà từ bữa chúng tôi về “báo cáo các cụ” rằng: “Chúng con đã mua được nhà mới”, thay cho căn hộ chật chội trong khu tập thể được xây dựng từ thời bao cấp.

Mãi đến khi bữa cơm tối kết thúc, cả nhà quây quần trong phòng khách uống trà và trò chuyện, tôi mới “giải mã” được nét suy tư mà tôi nhìn thấy trên khuôn mặt đầy niềm vui của ông bà. Giọng ông vẫn hồ hởi, nhưng có chút gì đó hơi chùng xuống: “Cuộc sống Hà Nội bây giờ khác hẳn trước đây, nhưng xét cho cùng đó cũng là xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của xã hội”. Rồi ông bắt đầu những câu chuyện như hồi tưởng một thời chỉ cách đây chừng 30 năm - thời mà thế hệ ông bà đang nuôi những đứa trẻ là thế hệ chúng tôi, hay xa hơn chút là thời ông bà đang là những cô cậu học trò.

Ảnh minh họa.

Quả là chỉ những thế hệ ông bà mới thấu hiểu cái thời mà cả nhà có đến gần chục anh chị em, mỗi đứa cách nhau 2 – 3 tuổi. Khi bố mẹ đi làm thì đứa lớn trông đứa nhỏ, cứ thế bồng bế nhau chờ bố mẹ về. Đứa nào lớn lớn một tí thì được bố mẹ giao thêm trọng trách cơm nước, giặt giũ… Thời nay, mỗi cặp vợ chồng thường chỉ dừng lại ở 2 con. Trong gia đình thường chỉ có 4 thành viên, trừ nhà nào sống chung với ông bà. So với thời ấy, số lượng thành viên trong các gia đình ngày nay có lẽ chỉ bằng một nửa. Điều ấy thực sự thích hợp với những căn hộ chung cư cao tầng đang đua nhau mọc lên như nấm trong thành phố. Và trong tổ ấm nho nhỏ ấy, cha mẹ có điều kiện chăm lo kỹ càng hơn cho con cái. Không chỉ cái ăn, cái mặc, không gian sống của các con cũng được bố mẹ chú trọng; nhiều đứa bắt đầu đến tuổi đi học là được bố mẹ thu xếp cho phòng riêng, tha hồ bày biện không gian riêng của mình theo sở thích.

Tổ ấm của chúng tôi giờ đang là một “nhịp điệu” ấy, tiện nghi với những không gian riêng tư, trầm tĩnh. Sáng sáng, bố mẹ đến cơ quan, con đến trường, chiều muộn về nhà gặp nhau trong một bữa cơm chung, rồi ai nấy lại mỗi người một việc trong những không gian riêng của mình. Chỉ những ngày cuối tuần, hoặc lễ Tết, con cháu mới tụ hội về bên ông bà, tổ ấm khi ấy mới đầy đủ các thế hệ như một thuở “tam đại đồng đường” dạo nào. Thảo nào mà ông bà cứ tiếc khi nhớ lại một thời, nhà nào cũng được xây theo kiểu ba gian, riêng tư lắm cũng chỉ ngăn bằng một tấm rèm. Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười từ gian này vang sang gian bên cạnh, cha mẹ chỉ cần ngó đầu là biết các con đang làm gì, đang học hay đang chơi. Nhà có mấy anh chị em thì cứ 2, 3 đứa chung nhau một cái giường hay cái phản, chật thì có chật nhưng cũng thật vui…

Hóa ra nỗi buồn đan xen trong niềm vui của bố mẹ chồng tôi không phải là vô cớ. Sự thay đổi trong lối sống và nền nếp của các gia đình hiện nay là một xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của toàn xã hội. Bố mẹ tôi, vợ chồng tôi và các con tôi cũng không thể đi chệch khỏi guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại ấy. Nhưng bố tôi nói đúng: “Dù đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn”.

Theo Kinh tế đô thị

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/to-am-thoi-nay-39821.html

In bài viết