Tháp Bánh Ít – Kiệt tác nghệ thuật của người Chăm

14:30 | 04/03/2016

Được xây dựng từ thế kỷ XI – XII thuộc Vương triều Vijaya, tháp Bánh Ít (tháp Bạc), xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định là kiệt tác nghệ thuật còn sót lại của người Chăm.

Nhiều người nói rằng, tháp Bánh Ít vừa bí ẩn, vừa độc đáo. Sự bí ẩn thể hiện ở ngay vị trí của công trình này. Tháp nằm trên đỉnh quả đồi giữa hai nhánh sông Kôn là Tân An và cầu Gành bên cạnh quốc lộ 1A, cách Tp. Quy Nhơn khoảng 20km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp (tháp Chính, tháp Nhà Dài, tháp Cổng phía Đông và tháp Cổng phía Nam), đứng nhìn từ xa trong giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít, mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt, mỗi sắc thái khác nhau.

Quần thể tháp Bánh Ít nhìn từ xa

Vào khu tháp cổ Bánh Ít, quan sát kỹ một chút ở phía Đông, bạn sẽ thấy ẩn mình dưới tán bạch đàn, keo lá tràm là những bậc thang trầm mặc, tĩnh lặng, không còn âm thanh náo nhiệt, vội vàng. Tại góc phía Đông này còn có tháp Cổng, một trong 4 tháp của chùm tháp Bánh Ít. Các bậc thang sẽ dẫn bạn qua tháp Cổng, nơi mà ngày xưa chỉ dành cho các tu sĩ hành lễ.

Tháp Nhà Dài và tháp Chính trong quần thể di tích tháp Bánh Ít

Quần thể tháp Bánh Ít từng là trung tâm của 3 thành cổ: Thị Nại, thành Cha và thành Đồ Bàn (vương triều Vijaya, thuộc thế kỷ X – XV). Tháp Chính có kiến trúc đồ sộ nhất, cao khoảng 25m. Trong Tháp, tượng thần Shiva được đặt trang trọng. Theo các nghiên cứu khoa học, được biết người Chăm vừa dùng gạch đỏ, vừa dùng đá hoa cương, đá sa thạch để xây tháp này. Kiến trúc ở tháp Chính thể hiện sự chuyển tiếp từ phong cách kiến trúc Trà Kiệu sang phong cách Bình Định (nhẹ nhàng, thanh nhã và khỏe khoắn, hoành tráng) thể hiện ở những vòm cuốn hình mũi lao, mặt tường cao co lại thành các khối...

Cụm tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982. Đây là 1 trong số ít những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu còn tồn tại trên đất Bình Định.

Tháp Chính cao 25m, cao nhất trong 4 tháp

Năm 2015, công trình này còn được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giả người Anh. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách này.

Việc tháp Bánh Ít được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” là sự tôn vinh xác đáng và một lần nữa khẳng định giá trị độc đáo của tháp Bánh Ít. Về quy mô, đây là cụm tháp có quy mô lớn với nhiều công trình đền đài khác nhau hiện tồn. Về nghệ thuật, ở Bánh Ít, ta vừa gặp tấm áo choàng điêu khắc duyên dáng của phong cách trước, lại vừa xuất hiện các yếu tố đặc trưng của phong cách Bình Định trong nghệ thuật Chăm. Đặc biệt, kiến trúc nằm ở phía Nam tháp chính mái cong dài hình yên ngựa rất độc đáo, như sự mô phỏng ngôi nhà mái dài cổ truyền của cả khu vực Đông Nam Á thời xưa. Ngoài ra, tháp Tháp Bánh Ít còn có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu mối quan hệ nghệ thuật giữa Việt và Chàm, giữa Indnesia và Chàm.

Tượng thần Shiva được thờ trong tháp Chính

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng,“Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc quý, hiếm, có giá trị nghệ thuật lớn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy xứng tầm. Đồng thời, phải có kế hoạch quảng bá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nói riêng cũng như không gian văn hóa Chăm Bình Định nói chung một cách thật bài bản, hiệu quả”.

Nam Yên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thap-banh-it-kiet-tac-nghe-thuat-cua-nguoi-cham-39628.html

In bài viết