Nga cáo buộc: Mỹ dựng lên chiến dịch "hạ nhục" các hệ thống phòng không S-300 và S-400

07:32 | 19/03/2017

Phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây đã đưa ra các nhận định về sự yếu kém của các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400 một cách có chủ đích.

Chiến dịch cố tình gây mất uy tín

Đó chính là chiến dịch nhằm mục đích cố tình làm mất uy tín các doanh nghiệp sản xuất của Nga để giúp những đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ. Đó là quan điểm của Trung tâm phân tích kinh doanh vũ khí quốc tế (Nga) – gọi tắt là Trung tâm phân tích.

Trang Defense News và một số trang tin quốc phòng đã cho đăng tải một seri những tài liệu mà trong đó khẳng định rằng S-400 và S-300V4 không kiểm soát được tình hình trên không phận Syria khi chúng không có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu của Liên quân dưới sự đứng đầu của Mỹ cũng như các máy bay của Không quân Isarel.

Các phương tiện truyền thông này khẳng định rằng, những tổ hợp phòng không của Nga dường như "không nhìn thấy", và chính vì lẽ đó, không thể chặn đứng được những vi phạm không phận của Syria và các cuộc không kích nhằm vào những cứ điểm của quân đội chính phủ Assad.

Những tính năng kỹ-chiến thuật của S-400 và S-300V4 hứng chịu sự chỉ trích và người ta cho rằng chúng không những không thể chống lại những phiên bản mới nhất của các tiêm kích thế hệ thứ "4++" như F-15 và F-16 chứ chưa nói đến các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35.

nga cao buoc my dung len chien dich ha nhuc cac he thong phong khong s 300 va s 400

Ten lửa S-400 Nga triển khai tại Syria.

Ai là người hưởng lợi?

Trung tâm phân tích gọi những bài viết này là "chiến dịch thông tin được điều phối nhằm mục đích cố tình gây mất uy tín các hệ thống phòng không tầm xa của Nga để gây khó dễ cho việc quảng bá chúng trên thị trường vũ khí thế giới.

Qua đó, Mỹ muốn phá vỡ triển vọng ký kết những bản hợp đồng tương lai liên quan tới các tổ hợp phòng không S-400 và "Antey-2500" (phiên bản xuất khẩu của S-300V4) với hàng loạt khách hàng nước ngoài đang đàm phán với Nga ở giai đoạn cuối cùng".

Những kẻ có lợi chính là các tập đoàn công nghiệp - quân sự của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin, những nhà sản xuất các tổ hợp phòng không THAAD và Patriot PAC-3. Những hệ thống này là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Nga.

Trung tâm phân tích khẳng định rằng, các hệ thống của Nga kiểm soát tất cả không phận Syria. Nhưng việc phát hiện khác hẳn so với việc bắn hạ. Liên quan tới những cuộc không kích do lực lượng không quân của Liên quân triển khai nhằm vào Quân đội Syria thì việc tự vệ từ trên không do chính quân chính phủ tự triển khai.

"Việc bố trí các tổ hợp tên lửa phòng không tại Syria được thực hiện để chúng có thể kiểm soát toàn bộ không phận ở mọi độ cao – có nghĩa là tiêu diệt mọi mục tiêu từ thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình và các máy bay chiến đấu cho tới các tên lửa chiến thuật.

Lần đầu tiên Nga tiến hành tập hợp và gắn kết hoạt động chiến đấu của S-400 với S-300V4. Có nghĩa là S-400 chỉ định mục tiêu, còn S-300V4 có thể phóng các tên lửa tầm xa trong kho vũ khí của mình với khả năng tiêu diệt được những mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới tối đa 400km", Trung tâm phân tích chia sẻ.

Chuyên gia của Phòng phân tích chính trị - quân sự Nga, ông Alexandr Mikhailov cũng đồng quan điểm cho rằng đây là hành động "hạ nhục" vũ khí Nga và đưa ra lý giải tại sao điều này không đúng với thực tế tình hình.

Giữa Nga và Isarel, theo chuyên gia này cho biết, có hàng loạt những thỏa thuận mà theo đó Tel-Aviv sẽ thông báo cho Moscow về các chiến dịch trên không phận Syria, và vì thế các tổ hợp phòng không Nga "không đưa vào tầm ngắm" những máy bay của Isarel.

"Bởi vậy, về nguyên tắc, thật vô nghĩa khi nhận định S-400 có phát hiện được các máy bay tiêm kích của Isarel hay không. Tất cả những thứ còn lại đều là đầu cơ thông tin. Ngoài ra, "phát hiện" và "bắn hạ" – đó là hai vấn đề khác nhau.

Trước tiên, nhiệm vụ của các tổ hợp phòng không Nga đó là yểm hộ cho các máy bay của lực lượng Không quân Nga tại Syria và bảo vệ hạ tầng của căn cứ không quân Hmeimim. Các cuộc tấn công nhằm vào những máy bay Isarel rõ ràng không nằm trong danh sách các nhiệm vụ đó", ông Mikhailov bổ sung.

Theo ý kiến của chuyên gia này, vũ khí hiện đại đã trở thành đòn bẩy để tạo ảnh hưởng về chính trị - quân sự của Nga, và trong một vài lĩnh vực riêng lẻ, nó chiếm ưu thế toàn diện. "Điều này khiến ai đó phải hết sức lo lắng và tìm đến những phương thức thông tin không trong sạch", chuyên gia quân sự này cho biết.

Ông Mikhailov cho rằng thông tin giả mạo về những tính năng yếu kém của S-400 trước F-35 cũng liên quan tới cả S-300 bởi vì nó được phát tán gần như sau khi Iran tiếp nhận các tổ hợp này. Tuy nhiên, những tính năng của cả S-300 lẫn S-400, chuyên gia này nhấn mạnh, đã được chứng minh trên thao trường.

"Nhiều cuộc thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không Nga đã diễn ra tại thao trường Kapustin Yar (Nga) trong những năm gần đây.

Qua thử nghiệm cho thấy rằng, S-300V4 và S-400 có khả năng phản kháng trước các cuộc tấn công quy mô của tất cả những phương tiện tấn công từ trên không, và thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện bị gia tăng áp chế điện tử cũng như trong mọi điều kiện thời tiết.

Các hệ thống phòng không của Nga hoạt động trong mọi địa hình – từ trong rừng nhiệt đới và sa mạc cho tới Bắc Cực", ông Mikhailov nói.

Chuyên gia này cũng chia sẻ rằng mỗi quốc gia trang bị các hệ thống phòng không của Nga đều thử nghiệm chúng trên các thao trường của mình.

"Tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc, Algeria, Việt Nam, Ấn Độ, Venezuela, Iran và hàng loạt các quốc gia trên thế giới đang sở hữu các hệ thống của chúng ta. Và chưa bao giờ Nga nhận được bất cứ phàn nàn nào từ phía các khách hàng về hệ thống tên lửa phòng không của mình", ông Mikhailov cho biết.

Ông chia sẻ rằng hồi đầu tháng 3 này, giới quân sự Iran đã tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm S-300 trong khuôn khổ cuộc tập trận của lực lượng phòng không nước này.

"Thậm chí các bài tập đã được phức tạp hóa đáng kể - những cuộc thử nghiệm diễn ra trong chế độ nhiễu sóng phức tạp, với số lượng mục tiêu giả định hơn gấp nhiều lần và nhiều kịch bản phản kháng lại các mối đe dọa tiềm tàng khác nhau. Trong quá trình kiểm tra, tất cả các mục tiêu đã bị tiêu diệt", chuyên gia này cho biết.

Bảo Lam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nga-cao-buoc-my-dung-len-chien-dich-ha-nhuc-cac-he-thong-phong-khong-s-300-va-s-400-3703.html

In bài viết