Đại gia ngân hàng tăng phí dịch vụ gây phẫn nộ: Bị "tuýt còi" vẫn không bỏ cuộc?

06:07 | 12/07/2018

Cuối tuần qua, 4 “ông lớn” Ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã đồng loạt thông báo về việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ ngày 15/7. Tuy nhiên, thông tin này một lần nữa vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ khách hàng, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lập tức yêu cầu các ngân hàng này tạm dừng kế hoạch, nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng.

dai gia ngan hang tang phi dich vu gay phan no bi tuyt coi van khong bo cuoc


Ngân hàng ồ ạt tăng phí dịch vụ!

Trong vòng vài tháng qua, cùng với việc tăng nhiều loại phí dịch vụ Ngân hàng như phí chuyển khoản, phí SMS Banking, Mobile Banking, phí quản lý tài khoản... Việc các ngân hàng tăng phí dịch vụ ATM lại “nóng” hơn bao giờ hết khi mới đây, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ rút tiền nội mạng.

Còn nhớ, vào đầu tháng 3/2018, Vietcombank tuyên bố áp dụng biểu phí nhắm tới dịch vụ trên di động, với việc tăng phí duy trì từ 8.000 đồng/tháng tăng lên 10.000 đồng. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng lần đầu thu phí chuyển khoản nội mạng qua Mobile Banking và Mobile BankPlus với mức 2.000 đồng/lần giao dịch thay vì miễn phí như trước đây.

Còn đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng dưới 10 triệu của dịch vụ này sẽ được giảm từ 10.000 đồng/lần giao dịch trước đây xuống 7.000 đồng, giao dịch trên 10 triệu sẽ tính phí 0,02% số tiền chuyển.

Tiếp đến, Ngân hàng này cho biết sẽ tiến hành thu phí dịch vụ chuyển khoản đối với tài khoản trong hệ thống ngân hàng với mức phí 2.000 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng. Với giao dịch trên 50 triệu đồng, khách hàng sẽ phải chịu mức phí chuyển khoản là 5.000 đồng/giao dịch từ ngày 15/4/2018.

Không dừng lại ở đó, Vietcombank tiếp tục làm cho khách hàng “chóng mặt khi đưa ra thông tin nâng phí rút tiền nội mạng lên 1.650 đồng/lượt từ ngày 16/5.

Theo sau Vietcombank, 2 Ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã ra thông báo điều chỉnh tăng phí rút tiền mặt ATM đối với các thẻ ghi nợ nội địa.

Cụ thể, biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa mới áp dụng từ ngày 4/5 của BIDV, cho biết nhà băng này sẽ thu với mức phí 1.650 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt nội mạng tại ATM của ngân hàng (bao gồm VAT).

Trong khi đó, Vietinbank cho biết việc điều chỉnh mức phí rút tiền mặt tại ATM đối với các thẻ ghi nợ nội địa. Theo đó, Từ ngày 5/5, phí rút tiền của chủ thẻ VietinBank tại các ATM VietinBank đã được tăng thêm 550 đồng lên 1.650 đồng/lượt (đã gồm VAT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng (với thẻ Gold, Pink). Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng.

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng thông báo từ ngày 12/5, khách hàng rút tiền nội mạng sẽ phải trả phí là 1.650 đồng/lượt thay vì 1.100 đồng/lượt như trước đây. Bên cạnh đó, Agribank cũng sẽ tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại các ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.

Ngay sau khi thông tin tăng phí dịch vụ ATM của các Ngân hàng này được đưa ra đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ người dùng thẻ Ngân hàng tại Việt Nam. Do vậy, NHNN đã lập tức yêu cầu tạm dừng việc tăng phí để cân nhắc lại lợi ích các bên và có thời gian thông tin, giải thích cho khách hàng, không tăng phí ồ ạt khi chưa đạt sự đồng thuận.

Mặc dù vậy, mới đây, những ông lớn này tiếp tục làm khách hàng thêm “nóng mặt” khi thông báo áp dụng mức phí rút tiền nội mạng ATM mới.

Cụ thể, Vietcombank sẽ tăng mức phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.100 đồng/lượt lên 1.650 đồng/lượt từ ngày 15/7. Trước đó, hai ngân hàng BIDV và Vietinbank cũng thông báo thay đổi phí một số dịch vụ thẻ áp dụng từ ngày 12/5, riêng mức phí rút tiền nội mạng mới được lùi lại tới 15/7.

Còn Agribank, ngân hàng này đã “nhanh chân” hơn cả khi áp dụng mức phí rút tiền nội mạng mới từ ngày 12/5, từ 1.100 đồng/lượt lên 1.650 đồng/lượt.

Tuy nhiên, trước làn sóng phản ứng gay gắt từ dư luận, mới đây, NHNN lại một lần nữa vào cuộc chỉ đạo các Ngân hàng trên dừng việc tăng phí rút tiền nội mạng vào thời điểm này nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng.

Tận thu hay bù lỗ?

Vài năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu chủ trương nâng tỷ trọng lợi nhuận từ mảng phi tín dụng, trong đó chủ yếu là nguồn thu dịch vụ. Nhiều nhà băng thể hiện quyết tâm này khi nâng nhiều loại phí như phí dịch vụ Internetbanking, phí SMS banking và gần đây nhất là ý định tăng rút tiền tại ATM.

Theo thống kê, 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống, là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đang chiếm khoảng 63% thị phần thẻ ATM hoạt động trên thị trường. Do vậy, nếu kế hoạch tăng phí được áp dụng sẽ có khoảng 49 triệu thẻ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, như mọi lần, các nhà băng đưa ra lý do tăng phí dịch vụ rút tiền ATM là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Theo đó, chi phí cho một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả là từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng bao gồm chi phí thuê chỗ đặt máy, đường truyền, máy móc, điện, bảo trì, chi phí cho việc vận chuyển tiền mặt tới các máy ATM.

Bên cạnh đó, theo các ngân hàng, số tiền để tại các máy ATM gần như không sinh lãi và phải duy trì đều đặn để đảm bảo máy luôn hoạt động. Như vậy, dù tăng phí nhưng dường như ngân hàng vẫn đang phải chịu lỗ cho dịch vụ ATM.
Ngoài mục đích về kinh tế, bảo đảm lợi nhuận thì động thái tăng phí rút tiền của các ngân hàng có liên quan tới chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam, tuy số lượng giao dịch thanh toán đã tăng lên thời gian qua nhưng phần lớn, trên 90% vẫn là giao dịch rút tiền mặt.

"Trong tương lai, chỉ cần khoảng 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán và 80% là để rút tiền mặt thì phí dịch vụ ngân hàng chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm", ông Tuấn cho biết.

Những lý do trên được đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục người dùng khi trên thực tế, việc tăng phí không chỉ để bù đắp chi phí ATM mà nó còn đem lại nguồn thu tích cực cho các ngân hàng khi lãi lớn ở các sản phẩm, dịch vụ bán chéo khác.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng. Năm 2017, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán.

Tại Vietcombank, năm 2017, thu nhập ngoài tín dụng của ngân hàng chiếm 25,6% tổng thu nhập.

Trong năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục đặt mục tiêu tăng doanh thu từ dịch vụ, trong đó có các loại phí. Thậm chí nhiều ngân hàng còn đặt chỉ tiêu về doanh thu phí dịch vụ đến từng đơn vị kinh doanh, khi phân khúc này còn tiềm năng rất lớn.

Trước vấn đề này, nhiều người đặt câu hỏi, việc ngân hàng tăng phí dịch vụ có phải đang tận thu khách hàng, chạy theo mục tiêu doanh thu, lợi nhuận?

Giải đáp về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng: khi khách hàng gửi tiền, bản thân ngân hàng đã có thể sử dụng số tiền đấy để sinh lời, cho vay tạo lợi nhuận nên việc bắt khách hàng phải chịu các loại phí như rút tiền nội mạng, chuyển tiền cùng hệ thống là không hợp lý. Hơn nữa, một trong những vai trò của máy ATM là để giảm tải giao dịch trực tiếp tại phòng giao dịch, từ đó giảm các chi phí về nhân sự và nhiều chi phí khác về hạ tầng, không gian, giầy tờ … Không thể cứ chi phí cao thì đổ lên người tiêu dùng. Hoặc nếu có tăng phí thì cũng cần đi kèm với chất lượng dịch vụ được cải thiện.

Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng

Trong khi các ngân hàng giải thích rằng chính sách điều chỉnh phí dịch vụ được áp dụng cùng việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao và tiện ích hơn cho khách hàng, thì nhiều người dùng dịch vụ tỏ ra bức xúc khi chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo.

Theo đó, trên thực tế vẫn còn tình trạng ATM ngừng phục vụ, không hoạt động, nuốt thẻ, hết tiền thường xuyên,… Tăng thêm 500 đồng tiền phí cho mỗi giao dịch rút tiền có thể không đáng bao nhiêu nhưng cũng phải lưu ý rằng hạn mức rút tiền thấp sẽ buộc khách hàng phải rút tiền nhiều lần, theo đó tiền phí cứ thế đội lên không ít.

Các sự cố về bảo mật khiến tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân có thể do sự chủ quan trong giao dịch của khách hàng, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi thì không thể phủ nhận ở đó có trách nhiệm rất lớn của các nhà băng, nơi giữ tiền và cam kết an toàn cho các khách hàng.

Khách hàng và các nhà băng, mỗi bên đều có lý do riêng để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Tăng phí là quyền tự chủ của các nhà băng, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nếu chọn tăng phí bất chấp phản hồi tiêu cực, đồng thời không nâng cấp chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền mà khách hàng bỏ ra thì việc ngân hàng có thể phải đối mặt với khả năng mất đi khách hàng, đồng thời đẩy những "thượng đế" này đến với những nhà băng khác cũng là điều dễ hiểu.

Vẫn sẽ tăng phí trong tương lai?

Về “phong trào” tăng phí rút tiền của các ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam khẳng định việc này đã được tính toán trong lộ trình từ 5-6 năm trước.

Theo đó, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35 cho phép các Ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo.

Cụ thể, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Và thực tế, đến nay, mức thu phí nội mạng phổ biến là 1.100 đồng, chưa bằng ½ mức trần.

Chính vì vậy, mặc dù kế hoạch tăng phí của các “ông lớn” Ngân hàng đã được dừng lại theo yêu cầu của cơ quan quản lý, tuy nhiên xu hướng tăng phí dịch vụ có lẽ sẽ khó tránh khỏi trong tương lai.

Vấn đề là, lúc nào tăng phí là thích hợp, khi đó chất lượng dịch vụ đã tốt lên hay chưa, cách thông báo và giải thích của ngân hàng có khiến cho người dùng hài lòng, sẵn sàng bỏ tiền để đổi lấy dịch vụ?

Ánh Phượng

Theo Báo Thời Đại

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-gia-ngan-hang-tang-phi-dich-vu-gay-phan-no-bi-tuyt-coi-van-khong-bo-cuoc-36018.html

In bài viết