Những chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư có nguy cơ bị ra tòa

11:14 | 18/06/2018

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ công an và các ngành liên quan tiến hành khởi tố những chủ đầu tư có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra có hơn 215 dự án xảy ra khiếu nại, tranh chấp.

nhung chu dau tu chiem dung phi bao tri chung cu co nguy co bi ra toa

Rất nhiều Chủ đầu tư đang chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.



Trong số 215 dự án có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư. Nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao hoặc chậm bàn giao, hay chỉ bàn giao một phần phí bảo trì chung cư cho ban quản trị, vi phạm quy định hiện hành.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho Ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản.

Cách đây hơn 3 năm, cư dân tại tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam đã “lo sốt vó” vì sợ rằng hơn 160 tỉ đồng phí bảo trì chung cư sẽ bị chủ đầu tư “xù” sau khi bán lại tòa nhà. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều ban quản trị chung cư hiện nay: Sau khi ban quản trị được thành lập, nhưng chủ đầu tư vẫn cứ chây ì chuyển giao lại nguồn kinh phí này.

Mới đây nhất, cư dân tại dự án chung cư The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư vô cùng bức xúc và căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất cập, sai phạm. Trong đó phải kể đến là việc tiền phí bảo trì khoảng 60 - 70 tỷ đồng của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư Hải Phát "om" hơn 3 năm nay.

Theo đại diện cư dân The Pride, khi mua nhà, cư dân phải đóng tiền cho quỹ phí bảo trì. Vì vậy, nhiều cư dân muốn biết số tiền quỹ bảo trì hiện của dân hiện đang ở đâu và được sử dụng vào mục đích gì? Nếu giờ toà nhà gặp hư hại, hỏng hóc, cháy nổ thì… lấy tiền đâu sửa chữa, khắc phục. Chưa kể mấy năm nay chủ đầu tư đang chiếm dụng hàng tỷ đồng phí bảo trì của cư dân không được công khai rõ ràng?.

Điều đáng nói Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát không chỉ nợ quỹ bảo trì tại dự án The Pride, mà tại dự án chung cư HHB Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) nhiều cư dân ở đây cũng tỏ ra bức xúc vì chủ đầu tư không công khai minh bạch quỹ bảo trì, chủ đầu tư luôn trì hoãn bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.

Bình Lê (T/H)

Theo Báo Thời Đại

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-chu-dau-tu-chiem-dung-phi-bao-tri-chung-cu-co-nguy-co-bi-ra-toa-35928.html

In bài viết