Không còn là tin đồn, ngay trong quý II này Hải Phát Invest sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Mặc dù khá nổi tiếng lẫn cả tai tiếng tại thị trường phía Bắc, nhưng quỹ đất chưa triển khai doanh nghiệp này này sở hữu - yếu tố quan trọng với giá cổ phiếu, vẫn là điều khá bí ẩn.
Chuyên thâu tóm "con nợ" và dự án "xác chết" Thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, sau 15 năm hoạt động, Hải Phát Invest đã tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và đang ngày càng khẳng định tên tuổi trong ngành bất động sản với 30 dự án lớn nhỏ khác nhau, trải dài khắp khu vực Tây Nam Hà Nội, kéo dài vào cả miền Trung và vùng duyên hải Nam Trung Bộ...
Dàn lãnh đạo của Hải Phát Invest.
Chìa khóa trong việc nắm quyền phát triển hàng loạt dự án của Hải Phát là doanh nghiệp này áp dụng hình thức mua lại một phần dự án "chết lâm sàng" của các chủ đầu tư. Cách làm khôn ngoan của doanh nhân Đỗ Quý Hải, giúp doanh nghiệp này tránh được những rủi ro pháp lý về sau.
Một số thương vụ tiêu biểu của Hải Phát Invest có thể kể đến, như: chi khoảng 800 tỷ đồng thâu tóm gần 35% quỹ đất Dự án KĐT Phú Lương (quận Hà Đông) từ công ty Trung Việt khi DN này gặp khó về tài chính. Thương vụ chi khoảng 600 tỷ mua lại một lượng sản phẩm đáng kể tại tòa T2, dự án Thăng Long Victory (huyện Hoài Đức).
Mua trên 7.200m2 quỹ đất đấu giá thuộc phường Vạn Phúc; thâu tóm (dưới hình thức chuyển nhượng) tòa CT2-105 dự án Usilk City; thâu tóm quỹ đất triển khai dự án tổ hợp Hải Phát Plaza trên đường Tố Hữu, với vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng. Hay việc cùng An Quý Hưng “nhảy” vào dự án biệt thự sinh thái The Phoenix Garden (Đan Phượng).
Xâu chuỗi từ thương vụ CT2 – 105 Usilk City tới The Phoenix Garden Đan Phượng có thể thấy rằng, Hải Phát Invest thường đóng vai trò “người giải cứu”. Lần lượt những Trung Việt, Sông Đà Thăng Long hay DIA đều ở trạng thái “bết bát tài chính”, không còn khả năng hoàn thành dự án hoặc đang là “con nợ” bị nhà băng ráo riết thu hồi tài sản đảm bảo thì Hải Phát nhảy vào.
Nhờ hoạt động M&A tích cực, đến nay, Hải Phát Invest sở hữu quỹ đất lớn ở nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình…, với gần 200 ha đất sạch có thể triển khai thực hiện đầu tư. Quỹ đất Hải Phát sở hữu dự báo còn tặng mạnh sau này.
Nhiều bê bối trước ngày chào sàn
Trước ngày chào sàn vào cuối tháng 6 tới đây, tại nhiều dự nhiều dự án của Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát hiện đang xảy ra những lùm xùm, mâu thuẫn liên quan đến chất lượng công trình, quản lý hay việc đảm bảo PCCC.
Bê bối nổi bật nhất gần đây của Hải Phát có thể kể đến diễn ra tại dự án The Pride (Hà Đông).
Theo phản ánh của cư dân sinh sống tại chung cư The Pride (Hà Đông), từ khi về đây sinh sống, họ gặp rất nhiều bất cập, bức xúc như: Tình trạng thang máy rơi tự do và hỏng liên tục, bể phốt vỡ thường xuyên làm mùi hôi thối nồng nặc, tiền phí bảo trì của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư khất lần hơn 3 năm nay, tự ý cắt xén các hạng mục tiện ích của căn hộ dù đã ghi rõ trong hợp đồng…
Không những thế người dân cho rằng chủ đầu tư áp mức giá dịch vụ 7.000 đồng/m2 là quá cao so với mặt bằng nhưng mức dịch vụ lại không tương xứng.
Cư dân The Pride bức xúc tố chủ đầu tư Hải Phát.
Đỉnh điểm, tối 3/6 vừa qua, hàng loạt các cư dân chưa chịu nộp phí dịch vụ đã bị chặn cổng không cho gửi xe ô tô tại khu vực tầng hầm của tòa nhà khiến cho cả khu chung cư rơi vào tình trạng kẹt cứng và tắc nghẽn. Bức xúc của cư dân càng trở nên căng thằng, một số cư dân đã căng băng rôn, khẩu hiệu đấu tranh đòi đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà.
Không chỉ khu chung cư The Pride, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát cũng “dính” lùm xùm ở nhiều dự án khác.
Chẳng hạn tại dự án HHB Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư, người dân liên tục có đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền “tố” hàng loạt tồn tại, vi phạm của Hải Phát liên quan tới hoạt động xây dựng, quản lý vận hành.
Cư dân sinh sống tại dự án này cho biết, hiện nay đang phải ngày đêm thấp thỏm lo âu với hệ thống PCCC chưa hoàn thiện. Mặc dù các tầng căn hộ có người ở từ tầng 4 đến tầng 25 được nghiệm thu PCCC. Tuy nhiên, 3 tầng thương mại của tòa nhà hiện đang để không vẫn còn dở dang chưa được thi công hoàn thiện, hệ thống PCCC cũng chưa được lắp đặt.
Cư dân tòa nhà HHB Tân Tây Đô phải để xe bên ngoài vì hầm gửi xe không được đưa vào hoạt động.
Điều đáng nói hơn, trong danh sách 91 công trình vi phạm PCCC do Cảnh sát PCCC Hà Nội vừa công bố mới đây có sự góp mặt của khu chung cư HHB Tân Tây Đô của Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát.
Tại dự án Shophouse 24h (quận Hà Đông) mới đây được Hải Phát bán, những điều tiếng về pháp lý sử dụng đất, việc bán hàng với giá chênh. Trong khi tại dự án CT2-105 Hải Phát mua lại từ Sông Đà Thăng Long, những mâu thuẫn với khách hàng đã ký hợp đồng mua bán trước đó cũng chưa được giải quyết dứt điểm...
Bằng rất nhiều toan tính Hải Phát rất có duyên với những pha mua đi - bán lại, thâu tóm nhiều quỹ đất khủng từ các thương vụ M&A, làm sống lại những dự án đang "chết lâm sàng"... nhưng việc trở thành một nhà phát triển dự án uy tín, chất lượng thì doanh nghiệp này đang gặp nhiều thách thức.
Đặc biệt, việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán đúng thời điểm thị trường chứng khoán đang lao dốc, doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc "neo" giữ giá cổ phiếu không bị lao dốc. Còn việc "đẩy giá" cổ phiếu, thì còn khó khăn hơn gấp bội.
Bình Lê
Theo Báo Thời Đại