Ồn ã vũ khí mới của máy bay ném bom H-6K Trung Quốc: Nếu thật thì tàu chiến Mỹ nguy rồi!

07:26 | 08/08/2018

Nếu tin đồn Trung Quốc đã tạo ra được "phiên bản Kh-47M2 Kinzhal" để trang bị cho các máy bay ném bom H-6K là sự thật thì đó là tin không vui với hạm đội tàu sân bay Mỹ.

Theo National Interest, gần đây trên các trang mạng Trung Quốc lan truyền tin đồn cho rằng Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo không đối hạm hoặc có thể là một loại vũ khí siêu thanh – mang phóng trên máy bay ném bom H-6K.

"Có những tin đồn cho rằng Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo không đối hạm bắn từ máy bay ném bom H-6K đã qua cải tiến.

Phiên bản tên lửa này có lẽ mang đầu đạn thông thường, nhưng chắc hẳn tùy chọn trang bị đầu đạn hạt nhân", ông Hans Kristensen - Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết.

Lại học Nga?

Dĩ nhiên, những tin đồn như vậy hiếm khi được Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản hồi có hay không. Tuy vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các tin đồn này được chứng minh là đúng trong tương lai.

Bởi lẽ, trước đây, Trung Quốc từng biến tin đồn thành sự thật với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ đất liền DF-21D và DF-26.

Câu hỏi đặt ra là nếu tin đồn là thật thì đó là loại tên lửa nào, tính năng kỹ chiến thuật ra sao? Theo dự đoán của các chuyên gia được tờ National Interest đăng tải, không loại trừ khả năng Bắc Kinh có thể đã cải tạo tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn như DF-15 thành phiên bản phóng từ trên không.

Họ áp dụng theo cách mà người Nga tạo ra Kh-47M2 Kinzhal trên cơ sở cải tạo từ tên lửa đất đối đất chiến thuật 9K720 Iskander nổi tiếng.

on a vu khi moi cua may bay nem bom h 6k trung quoc neu that thi tau chien my nguy roi

Máy bay tiêm kích MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal

Trong lịch sử công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, rất nhiều loại vũ khí nước này học hỏi tham khảo thậm chí là sao chép nguyên bản từng chi tiết nhỏ nhất vũ khí Liên Xô/Nga. Vì vậy, nếu như Trung Quốc làm điều tương tự với DF-15 thì cũng không có gì quá lạ lùng.

  • Báo Trung Quốc: Nếu mua vũ khí này, Việt Nam có thể "xé tan" tàu sân bay tại Biển Đông

  • Chiếc xe lạ "rình" tóm xe tăng T-72B3 tại Tank Biathlon 2018

  • Đã rõ 12 đội lọt vào bán kết Tank Biathlon 2018: Việt Nam xếp ở đâu?

Về tầm bắn, trước hết nhìn từ Kh-47M2 Kinzhal được giới thiệu có tầm bắn khoảng 2.000km khi phóng từ máy bay tiêm kích MiG-31K bay ở trần bay lớn và tốc độ cao, trong khi nguyên bản Iskander đạt tầm phóng 500km dưới mặt đất. Có thể nói, việc bắn từ trên không tăng gấp 3 lần tầm bắn của các loại tên lửa.

Trong trường hợp Trung Quốc, giả định tên lửa đạn đạo DF-15 có tầm phóng 600km, như vậy nó có thể gấp đôi hoặc gấp 3 lần tầm phóng khi triển khai trên H-6K, dù cho loại máy bay này chỉ đạt tốc độ cận âm.

Dấu hỏi lớn nhất là việc liệu Trung Quốc có đủ khả năng "thu nhỏ" DF-15 thành tên lửa đạn đạo không đối hạm bởi kích thước khổng lồ của loại vũ khí này. Nó có trọng lượng lên tới 6,2 tấn, dài đến 9m, đường kính thân 1m. Việc thu gọn loại tên lửa này đưa lên máy bay mà vẫn giữ nguyên khả năng tác chiến không phải điều dễ dàng.

Ngoài ra, kích thước lớn của DF-15 cũng là vấn đề không hề nhỏ với nền tảng mang phóng H-6K. Dẫu cho đây là loại máy bay ném bom hạng trung có thể mang vũ khí kích thước lớn nhưng vẫn cần những sửa đổi cần thiết để cho phép triển khai các loại tên lửa ngoại cỡ.

H-6K liệu có "cõng" nổi DF-15?

Bên cạnh các sửa đổi nhỏ, giới chuyên gia cho rằng, những cải tiến lớn trên phiên bản máy bay ném bom H-6K sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho việc triển khai DF-15 nếu điều đó là sự thật.

Phiên bản H-6K cất cánh lần đầu ngày 1/5/2007 và chính thức phục vụ từ tháng 10/2009. So với các thế hệ trước và cả "cha đẻ" Tu-16 của Liên Xô, H-6K vượt trội về mọi mặt từ tầm bắn tới tải trọng và các tính năng khác nhờ những cải tiến quy mô.

Cụ thể, H-6K trang bị cặp động turbofan D-30KP2 thay thế cho loại WP-8. Đáng lưu ý, D-30KP2 là phiên bản của dòng turbofan D-30 vốn được sử dụng rộng rãi trên nhiều loại máy bay từ siêu tiêm kích MiG-31 tới các máy bay vận tải quân sự Il-76, máy bay chở khách tầm xa Il-62 và cả vận tải cơ hạng nặng Y-20 của Trung Quốc.

on a vu khi moi cua may bay nem bom h 6k trung quoc neu that thi tau chien my nguy roi

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc được các tiêm kích Su-35 hộ tống khi tuần tra trên biển.

Động cơ mới, kết hợp với việc sử dụng vật liệu composite trong chế tạo khung thân máy bay, tầm bay của H-6K đã tăng lên khoảng 30% so với các thế hệ trước. Bán kính chiến đấu của H-6K tăng lên khoảng 3.500km so với 1.800km khi chưa nâng cấp, tầm bắn cực đại đạt tới gần 8.000km.

Ngoài ra, H-6K thiết kế lại buồng lái với hệ thống điều khiển hiện đại, trực quan hơn, tái thiết kế lại mũi cho phép trang bị radar trinh sát bề mặt và tổ hợp trinh sát quang - điện tử.

Về tải trọng, H-6K ngay từ đầu được "tối ưu hóa" trang bị thật nhiều tên lửa hành trình. Theo các nguồn tin, H-6K có thể mang tới 6 tên lửa hành trình CJ-10K hoặc tên lửa chống tàu có cánh YJ-12. Trong đó, CJ-10K (*) cũng là loại tên lửa cỡ bự có trọng lượng ước tính 1-2 tấn, tầm phóng đến 1.500km.

  • Tank Biathlon 2018: Thành tích của Kíp xe tăng 3 thay đổi - Việt Nam xếp thứ bao nhiêu?

  • Tại sao trận Đồi Thịt Băm trong chiến tranh Việt Nam lại gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ?

  • Báo Trung Quốc: Nếu mua vũ khí này, Việt Nam có thể "xé tan" tàu sân bay tại Biển Đông

Như vậy, tải trọng của H-6K dù vẫn là tuyệt mật nhưng xem ra không hề nhỏ. Đó là những điều kiện cần thiết để có thể triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm DF-15 dù cho sẽ phải hi sinh về số lượng đạn, nhưng đổi lại sẽ có một loại vũ khí vô địch.

Điều đó khiến H-6K không chỉ trở thành mối đe dọa lớn với các tàu chiến của Mỹ và đồng minh trên biển mà còn các căn cứ trên đất liền.

Dẫu rằng, tới lúc này vẫn chưa có gì chắc chắn rằng thực sự có một cuộc bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ máy bay H-6K. Nhưng nếu là thật thì có lý do khiến cho Hải quân Mỹ "lạnh gáy".

Cặp "song sát" H-6K và DF-15 "tin đồn" sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh để duy trì chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Bắc Kinh, tạo thành mối đe dọa lớn với hạm đội tàu sân bay của Mỹ.

CJ-10K là phiên bản phóng từ trên không của dòng tên lửa hành trình CJ-10 do Tổng Công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) phát triển. Vũ khí này được cho là tham khảo rất nhiều thiết kế tên lửa hành trình Raduga Kh-55 của Liên Xô, mà Trung Quốc đã có được một vài mẫu từ Ukraine.

Nó sở hữu nhiều tính năng tiên tiến được tìm thấy trên Tomahawk hay Kalibr. Thật vậy, hệ thống dẫn đường của CJ-10K là sự kết hợp giữa hệ thống định vị quán tính, điều hướng vệ tinh, so sánh biên dạng địa hình…

Tầm bắn của CJ-10K ước đạt 1.500km với việc mang được đầu đạn thuốc nổ thường nửa tấn, nhưng vẫn có thể trang bị đầu đạn hạt nhân khi cần.

5 vũ khí "hàng nhái" tạo nên sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Nam Hoàng Minh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/on-a-vu-khi-moi-cua-may-bay-nem-bom-h-6k-trung-quoc-neu-that-thi-tau-chien-my-nguy-roi-30559.html

In bài viết