"Ngoáo ộp" B-52 khiến cả TG khiếp sợ vẫn bị tên lửa VN phủ đầu choáng váng và tử thương

19:12 | 14/12/2017

Chỉ huy Mỹ trấn an phi công B-52: "Yên trí. Các sân bay của Bắc Việt sẽ bị tê liệt trước khi các anh vào, còn tên lửa SAM thì sẽ bị hoàn toàn vô hiệu do các máy gây nhiễu của ta".

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

-----

"NGOÁO ỘP" B-52 KHIẾN CẢ THẾ GIỚI KHIẾP SƠN VẪN BỊ TÊN LỬA VIỆT NAM PHỦ ĐẦU CHOÁNG VÁNG VÀ TỬ THƯƠNG

Vũ khí chiến lược răn đe nhân dân thế giới

Ngày 18 tháng 4 năm 1952, chiếc máy bay khổng lồ mang tên B-52 lần đầu tiên bay thử thành công. Bọn trùm hiếu chiến Mỹ vỗ tay reo mừng. Từ nay Không quân Mỹ có trong tay một thứ vũ khí chiến lược mang bom hạt nhân làm "bảo bối" để răn đe nhân dân thế giới.

Có sự trùng hợp thật ngẫu nhiên. Đúng 20 năm sau, ngày 16 tháng 4 năm 1972, thành phố Hải Phòng của nước Việt Nam trở thành thành phố đông dân đầu tiên trên thế giới bị máy bay B-52 ném bom rải thảm.

Tất nhiên, chiếc B-52 lần này không hoàn toàn giống như chiếc B-52 lúc mới ra đời. Sau 20 năm, đặc biệt từ khi Mỹ tham gia ồ ạt vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã ra công cải tiến, lần lượt cho ra đời tám kiểu B-52 đánh số từ B-52A đến B-52H.

Mỗi chiếc có thể mang trên dưới 100 quả bom thông thường với trọng lượng từ 18 đến 28 tấn. Vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi, Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ được giao nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng B-52 vào một cuộc chiến tranh hạn chế.

Đầu năm 1965, có ý kiến đề nghị dùng B-52 ném bom Bắc Việt Nam. Nhưng nhà cầm quyền nước Mỹ lúc bấy giờ chưa dám làm việc đó. Vả lại học cũng còn đủ khôn ngoan để tính toán rằng đã là con "chủ bài" thì phải đưa ra đúng lúc.

Tháng 4 năm 1965, Mỹ quyết định dùng sư đoàn không quân chiến lược số 3 đóng ở đảo Guam tiến hành chiến dịch ném bom mang tên "Cung sáng" ở miền Nam Việt Nam.

ngoao op b 52 khien ca tg khiep so van bi ten lua vn phu dau choang vang va tu thuong

B-52 chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Andersen ở đảo Guam trong chiến dịch Liner Backer 2 tháng 12/1972.

Ngày 18 tháng 6 năm 1965, ba mươi máy bay B-52 cất cánh từ đảo Guam ở trung tâm Thái Bình Dương, vượt gần 9.000km, với 16 giờ bay liên tục đã thực hiện cuộc ném bom rải thảm lần đầu tiên trên thế giới vào khu vực Trảng Lớn, Bờ Cảng thuộc xã Long Nguyên huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương phía tây bắc Sài Gòn.

Trong lần ra quân đầu tiên này, B-52 đã không gặp may. Hai chiếc bị tai nạn trong khi tiếp dầu trên không và rơi xuống biển. Tám trong số 12 nhân viên trên máy bay thiệt mạng. Hai chiếc khác bị trục trặc ở dọc đường. Cuối cùng chỉ có 26 chiếc tới được khu vực mục tiêu nhưng lại ném bom chệch ra ngoài căn cứ nên không gây thiệt hại gì cho lực lượng kháng chiến.

Từ đó, các máy bay chiến lược B-52 được dùng thường xuyên làm nhiệm vụ chiến thuật, yểm trợ cho các cuộc hành quân trên bộ của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn. Đến cuối năm 1965, các đội hình lớn từ 18 đến 30 chiếc B-52 đã được sử dụng phổ biến trên chiến trường miên Nam và cường độ xuất kích đã lên tới 300 lần chiếc tháng.

Sang đầu năm 1966, theo yêu cầu phát triển của chiến trường, tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam đề nghị lần lượt tăng lên 600, rồi đến 800 lần chiếc tháng. Mặc dầu vậy, quan và dân miền Nam vẫn tiếp tục nắm quyền chủ động trên chiến trường.

ngoao op b 52 khien ca tg khiep so van bi ten lua vn phu dau choang vang va tu thuong

Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ cất cánh từ căn cứ Andersen, Guam trong chiến dịch Liner Backer 2 tháng 12/1972.

Leo thang dùng B-52 đánh phá miền Bắc Việt Nam

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, máy bay B-52 lần đầu tiên ném bom đèo Mụ Giạ ở Bắc Việt Nam, mở đầu việc đánh phá của B-52 trên miền Bắc nước ta. Đầu năm 1967, sân bay U-ta-pao trên đất Thái Lan được khẩn trương xây dựng.

Từ căn cứ này, B-52 đi ném bom ở Việt Nam không cần phải tiếp dầu. Do đó, cường độ xuất kích của B-52 ngày càng tăng, đến tháng 1 năm 1968 đã lên tới 1.200 lần chiếc tháng. Khi chiến dịch Khe Sanh bước vào giai đoạn quyết liệt thì cường độ xuất kích của B-52 đã lên tới 1.800 lần chiếc tháng.

Với tất cả những cố gắng đó, B-52 vẫn không giúp cho kẻ địch làm thay đổi được cục diện trên chiến trường. Tuy nhiên, việc dùng B-52 ném bom trên chiến trường miền Nam Việt Nam gần tám năm trời là một quá trình tập dượt quan trọng đối với không quân chiến lược Mỹ. Hệ thống chỉ huy dẫn đường ngày càng được hoàn thiện, các máy gây nhiễu được cải tiến và nâng cao.

Cho đến những ngày cuối tháng 12 năm 1972, khi quyết định tung hàng trăm lần chiếc B-52 vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng thì các nhà chiến lược của Nhà trắng và Lầu năm góc tin rằng những "siêu pháo đài bay" của chúng đã trở thành bất khả xâm phạm và đòn tập kích chiến lược này sẽ là đòn quyết định buộc chúng ta phải quỳ gối đầu hàng.

Thực ra, tham vọng của bè lũ Ních-xơn không phải không có căn cứ.

B-52 có gì mà khiến cả thế giới khiếp sợ?

B-52 đúng là một biểu tượng về sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ. Chỉ riêng việc làm cho thân hình máy bay có trọng lượng hơn 221 tấn cất cánh khỏi đường băng đã làm cho thế giới lúc bấy giờ phải kinh ngạc.

Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Mỹ đã hợm hĩnh đặt cho nó cái tên "pháo đài bay khổng lồ", "siêu pháo đài bay"... Với chiều dài 48,07m, chiều cao 12,39m, sải cánh 56,42m, B-52 đúng là một loại "pháo đài bay khổng lồ". Cho đến nay chưa có loại máy bay quân sự nào có kích thước và sức chở nặng lớn đến như thế.

Thời gian làm công tác chuẩn bị cho một phi đội B-52 từ 10 đến 12 chiếc cất cánh phải mất 24 giờ. Riêng phát động máy trước khi bay mỗi chiếc B-52 phải mất hai giờ. Thời gian tập hợp đội hình lên độ cao tám đến mười km phải mất 35 phút.

Việc chi phí cho những chuyến bay B-52 cũng đạt đến mức "khổng lồ".

Theo "Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương" của nhóm nghiên cứu trường đại học Coóc-nen, xuất bản ở Mỹ đầu năm 1972, một lần xuất kích của một B-52 tốn hết 41.121 đô la, gồm chi phí xăng, dầu, mỡ, bảo quản, sửa chữa... và nhiều nhất là bom đạn (xăng, dầu, mỡ 3.397 đô-la, bảo dưỡng 4.424 đô-la, bom đạn 22.500 đô-la...).

ngoao op b 52 khien ca tg khiep so van bi ten lua vn phu dau choang vang va tu thuong

Các loại vũ khí được trang bị cho B-52 phiên bản đã cải tiến sâu.

Cũng theo tài liệu trên, từ năm 1965 đến năm 1971, máy bay B-52 Mỹ đã xuất kích hơn 79 nghìn lần chiếc và tốn hết 3 tỷ 210 triệu đô-la. Cũng vẫn tài liệu đó viết:

"Trên một nửa tổng khối lượng bom đạn ném từ trên không xuống Nam Việt Nam là của B-52... Tính đến cuối năm 1971, chỉ riêng ở Việt Nam đã có hơn mười triệu hố bom, phần lớn là do những quả bom nặng 500 cân Anh và 750 cân Anh từ máy bay B-52 ném xuống gây ra.

Con số này bằng một khu vực rộng 650 km2 và bằng việc đào lên khoảng hai tỷ rưỡi mét khối (Anh) đất. Nhiều vùng khá rộng ở Đông Dương có nhiều hố bom đến nỗi các vùng này giống như bề mặt của mặt trăng".

Trong bài "Chống nổi loạn từ trên 30.000 feet: B-52 ở Việt Nam", K. Kipp viết: "Nhiệm vụ của B-52 là quấy rối địch, làm gián đoạn mọi hoạt động bình thường của địch, không cho địch được nghỉ ngơi ngay cả ở các sào huyệt của họ trong rừng và làm tiêu hao địch về mặt tâm lý".

Còn James A. Donvan trong cuốn "Chủ nghĩa quân phiệt Mỹ" thì viết: "Trong khi vùng nông thôn tan biến dưới cơn lốc của chất nổ mạnh do B-52 ném xuống, người ta giải thích một cách sinh động rằng đó là con bài thanh toán "bọn xâm lược công sản và quân du kích".

Vào những năm 1965, 1966, những tờ truyền đơn thả xuống các vùng giải phóng ở miền Nam, in hình chiếc B-52 với đầy đủ kích thước, tính năng của nó, quả đã có tác dụng tâm lý nhất định. Một số cán bộ ở miền Nam ra công tác ở miền Bắc khi kể cho chúng tôi nghe về những đợt rải thảm B-52, đã tỏ ra phân vân, lo lắng.

Ở miền Bắc, trong những ngày đầu chống lại cuộc chiến trnah phá hoại của kẻ thù, chúng tôi cũng đã bắt đầu suy nghĩ đến B-52.

Qua nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật quân sự VN và chuyên gia Liên Xô đã tìm ra hướng giải quyết cơ bản vấn đề này và tiến hành cải tiến khí tài chống được nhiễu rãnh đạn, bảo đảm cho bộ đội tên lửa sau này chiến đấu đạt hiệu quả rất cao: bắn rơi tất cả 40 kiểu loại máy bay chiến đấu mà Không quân Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam (trừ 1 loại máy bay trinh sát SR-71).

Ta cũng đã kết hợp linh hoạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật để bảo đảm phát hiện và đánh trúng B-52 như bố trí đội hình dãn sang 2 bên, tránh nhiễu chính diện, phát sóng đúng thời cơ, đánh nhanh có chuẩn bị với 1 lần phát sóng…

Với tất cả sức mạnh của bộ máy quân sự hiện đại bậc nhất thế giới, Lầu Năm Góc tin rằng hệ thống tên lửa, radar VN sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa và B-52 sẽ tiến hành chiến dịch này như "đi dạo", Hà Nội rồi sẽ phải khuất phục…


-PV-

Tuy chưa đưa ra được một cách đánh cụ thể, nhưng câu nói của Bác Hồ: "Dù đế quốc lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa chúng ta cũng đánh và đã đánh là nhất định thắng" đã động viên và củng cố niềm tin cho chúng tôi.

Ngay từ những ngày đầu, theo chỉ thị của cấp trên, chúng tôi đã có kế hoạch theo dõi con "ngoáo ộp" này một cách chặt chẽ, đặc biệt là cái vỏ điện tử tinh vi bảo vệ nó. Để bạn đọc dễ hình dung, tôi xin nêu một so sánh. Trước đó, chúng tôi gọi mỗi chiếc EB-66 là một "nhà máy điện tử di động" trên không.

Đây là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại của không quân Mỹ với năm nhân viên điện tử ngồi trên máy bay. Vào những năm 1966, 1967, mỗi đợt đánh lớn vào Hà Nội, chúng chỉ dùng từ ba đến năm chiếc EB-66 là có thể nhiễu trắng hầu hết các màn ra-đa của ta, làm bức màn cho bọn cường kích đi bắn phá.

Có thể nói trong lòng mỗi chiếc B-52 chứa gọn một chiếc EB-66. Điều này không những đúng cả về kích thước, vì mỗi chiếc B-52 to gấp bốn lần chiếc EB-66, mà đúng cả về tính chất của nó. Nếu mỗi chiếc EB-66 chỉ có 16 loại máy điện tử thì mỗi chiếc B-52 có đến 17 loại và tất nhiên là tinh vi hơn, hiện đại hơn nhiều.

Như vậy vẫn chưa thật yên tâm. "Những bộ óc thông minh nhất nước Mỹ" còn trang bị thêm cho mỗi chiếc B-52 hai máy gây nhiễu tiêu cực, mỗi máy đựng 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại, khi được tung ra nó sẽ biến thành một khu vực nhiễu có thể che kín cả đội hình B-52 trong một thời gian nhất định.

Tin tưởng vào những máy móc mà cả nền công nghiệp điện tử của Mỹ đã dốc hết sức mới có được, bọn chỉ huy Mỹ đã trấn an bọn phi công B-52: "Các anh yên trí. Các sân bay của Bắc Việt sẽ bị tê liệt trước khi các anh vào, còn các trạm tên lửa SAM thì sẽ bị hoàn toàn vô hiệu do các máy gây nhiễu của ta".

(Trích Hồi ký Đánh thắng B-52 của Trung tướng Hoàng Văn Khánh, NXB QĐND 1993)

Hoàng Văn Khánh (1923-2002), tên thật Hoàng Văn Thiệu, bí danh Trần Giới, là tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Phái viên Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không.

Việt Nam có thể xuất khẩu vũ khí nào ra thế giới?

PV - Tổng hợp từ hồi ký của Trung tướng Hoàng Văn Khánh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngoao-op-b-52-khien-ca-tg-khiep-so-van-bi-ten-lua-vn-phu-dau-choang-vang-va-tu-thuong-25441.html

In bài viết