08:38 | 09/07/2025
Diễn đàn do Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, tập trung tìm giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và trên 10% giai đoạn 2026-2030.
![]() |
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025. (Ảnh: vneconomy.vn) |
Phát biểu khai mạc, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ thực tiễn. "Chúng tôi chọn phương pháp tiếp cận ngược: lắng nghe để thể chế hóa ý tưởng từ thực tiễn, chắt lọc sáng kiến thành chính sách cụ thể", ông nói.
Đáp lại lời kêu gọi đó, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra các rào cản đang tồn tại. Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng doanh nghiệp rất khó mở rộng đầu tư do thủ tục hành chính rườm rà, quy định chồng chéo.
Tương tự, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý. Theo bà, việc nuôi dưỡng niềm tin của doanh nghiệp sẽ tạo động lực để họ mạnh dạn đầu tư, đổi mới.
Bên cạnh việc tháo gỡ rào cản, các chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từ góc độ ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cảnh báo mục tiêu xuất khẩu 80 tỷ USD vào năm 2030 là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng. Ông đề xuất chuyển hướng sang chiều sâu, tăng năng suất thông qua công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Ở tầm vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất mô hình tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất thay vì lao động giá rẻ và tài nguyên. Cùng với đó, ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện VinaCapital tại Hà Nội, đề nghị thành lập một hệ thống quốc gia về thông tin tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ dễ dàng tiếp cận vốn.
Tổng hợp các ý kiến, ông Trần Lưu Quang khẳng định mục tiêu tăng trưởng hai con số là khả thi. Ông nhấn mạnh: "Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm". Theo ông, có bốn điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu này, bao gồm:
Thứ nhất, cần có sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế.
Thứ ba, cần có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi.
Thứ tư, sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.
"Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá", ông Trần Lưu Quang khẳng định.
![]() Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong gần 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu "3 tăng tốc" để huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024, giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội. |
![]() Nửa đầu năm 2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với Việt Nam. |
Quảng An (Tổng hợp)