Thúc đẩy quyền trẻ em và thanh thiếu niên yếu thế tại Việt Nam

17:11 | 05/07/2025

Từ diễn đàn trẻ em đến các sáng kiến hỗ trợ trẻ khuyết tật, trẻ em vùng khó khăn hay nhóm thanh thiếu niên đa dạng giới, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đang góp phần tạo ra những thay đổi tích cực, từng bước mở rộng không gian an toàn, thân thiện cho hàng nghìn trẻ em và thanh thiếu niên yếu thế tại Việt Nam.
Trung tâm Giáo dục biến đổi khí hậu: Gieo mầm ý thức, khơi nguồn hành động
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em chung tay tái thiết cộng đồng sau bão lũ

Từ tự ti đến tự tin

Tháng 8/2023, Như Phương (15 tuổi), một học sinh khiếm thị ở Đà Nẵng, vinh dự là một trong số 188 trẻ em trên cả nước được tham gia Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ VII tại Hà Nội với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em".

Đây là lần đầu tiên Phương được tham gia một sự kiện lớn với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo, đại diện các tổ chức xã hội và những bạn đồng trang lứa đến từ khắp mọi miền đất nước.

“Em rất xúc động và tự hào khi được nói lên ý kiến của mình trong Diễn đàn. Chúng em đã đặt câu hỏi trực tiếp với các cô chú lãnh đạo về sách chữ nổi và chương trình sách đọc dành cho trẻ khiếm thị. Em vui vì ý kiến của mình được ghi nhận”, Phương kể.

lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Tiếng nói của chúng em” tại Đà Nẵng, tháng 9/2023
Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Tiếng nói của chúng em” tại Đà Nẵng, tháng 9/2023. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Phương còn cùng bạn bè thành lập một câu lạc bộ nhỏ, nơi các bạn khuyết tật có thể gặp gỡ, trao đổi và tổ chức các hoạt động truyền thông về quyền trẻ em. “Em muốn các bạn giống như em hiểu rằng mình có quyền được nói lên tiếng nói của mình, được tôn trọng, và có thể làm được những điều mình muốn”, Phương khẳng định.

Nhìn sự tự tin của Phương lúc này, ít ai biết em từng là một cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp. "Thầy cô giảng bài trên bảng, các bạn đọc sách nhưng em không thể theo kịp vì không nhìn thấy. Em phải học viết chữ nổi, ghi nhớ bài giảng qua lời nói. Những gì em hòa nhập được với các bạn chỉ là những thứ rất đơn giản", Phương kể.

Sự thay đổi mạnh mẽ đến với Phương khi em tham gia Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật” (AVAC) do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và các đối tác địa phương triển khai. Ban đầu chỉ là sự tò mò với những buổi tập huấn, Phương dần bị cuốn hút bởi các hoạt động sáng tạo như hội trại "Tiếng nói của chúng em", thể thao, văn nghệ...

Phương chia sẻ: "Trước đó, em chỉ hiểu mơ hồ về quyền trẻ em, nhưng các cô chú đã giải thích cụ thể, khuyến khích em chia sẻ suy nghĩ". Không chỉ thay đổi bản thân, Phương còn truyền cảm hứng cho các bạn khuyết tật khác, giúp họ tìm thấy tiếng nói và niềm tin vào chính mình.

Những mô hình sáng tạo vì quyền trẻ em tại Việt Nam

Như Phương không phải trường hợp duy nhất được hưởng lợi từ các sáng kiến của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Trong hai năm 2022-2023, hơn 400 trẻ và 500 phụ huynh tại Hà Nội và Đà Nẵng đã tham gia các buổi tập huấn và hội thảo về quyền trẻ em. Qua đó, các sáng kiến về quyền trẻ em ngày càng lan tỏa.

Tổ chức cũng đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hỗ trợ tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp và các mô hình đối thoại hiệu quả trong trường học. Trong đó, Hội đồng Trẻ em cấp quận tại TP.HCM đã trở thành mô hình đầu tiên tại Việt Nam tạo cơ hội để trẻ em trực tiếp tham gia đối thoại về các vấn đề liên quan đến mình.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng mở rộng hỗ trợ tới nhóm thanh niên đa dạng về giới tại Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, với sự tài trợ của tổ chức Vì sự đa dạng giới Na-uy (FRI), Tổ chức Cứu Trợ trẻ em đã thực hiện dự án “Thanh thiếu niên đa dạng giới tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội” tại TP.HCM, Cần Thơ và An Giang. Sau hơn 4 năm thực hiện, dự án đã mang đến nhiều tác động tích cực cho cộng đồng với hơn 1.112 thanh thiếu niên đa dạng giới, 1.523 nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, cán bộ y tế, cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, cán bộ nhà nước được nâng cao năng lực, thay đổi quan niệm về giới, mở rộng mạng lưới và triển khai nhiều hoạt động phối hợp, hợp tác hiệu quả, hướng đến sự thay đổi tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Lễ ra mắt ứng dụng Generation Hope, tháng 12/2024. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)
Lễ ra mắt ứng dụng Generation Hope, tháng 12/2024. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Trong khi đó, mô hình SHIFT do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em triển khai đang khuyến khích các bạn trẻ từ 15-25 tuổi tự khởi xướng và thực hiện các chiến dịch tạo thay đổi tích cực. Dựa trên mô hình này, tháng 12/2024, ứng dụng Generation Hope - nền tảng giáo dục và sáng tạo dành cho thanh thiếu niên - được ra mắt. Theo ông Lê Duy Hưng Thịnh, Quyền Giám đốc Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) “Generation Hope là nơi các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng và dự án của mình, tạo ra sự kết nối với các tổ chức sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực. Đây không chỉ là nền tảng học tập, mà còn là sàn giao dịch sáng tạo, giúp các bạn trẻ phát huy tiềm năng và đóng góp cho xã hội”. Trong giai đoạn xây dựng và thử nghiệm ứng dụng, Ban Tổ chức đã triển khai gần 50 buổi tọa đàm, tiếp thu hơn 1.000 ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên và học sinh; ứng dụng đạt gần 102.000 lượt truy cập và tiếp nhận 32 dự án tiềm năng.

Đồng hành cùng trẻ kiến tạo tương lai

“Quyền tham gia của trẻ em luôn là nền tảng trong mọi hoạt động của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Chúng tôi cam kết đồng hành để giúp trẻ tự tin hơn, cất lên tiếng nói của mình và kiến tạo một môi trường an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em,” bà Lê Thị Thanh Hương – Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam khẳng định.

Từ những thay đổi cá nhân đến các sáng kiến cấp cộng đồng, hành trình thúc đẩy quyền trẻ em và thanh thiếu niên yếu thế tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Và chính các em đã và đang trở thành chủ thể kiến tạo của những thay đổi tích cực vì mọi trẻ em.

Thúc đẩy quyền trẻ em và thanh thiếu niên yếu thế tại Việt Nam
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ giáo dục cho hơn 27.000 trẻ em tại Hải Phòng và Đồng Tháp Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ giáo dục cho hơn 27.000 trẻ em tại Hải Phòng và Đồng Tháp
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em - 35 năm chung tay “ươm mầm” vì tương lai trẻ em Việt Nam Tổ chức Cứu trợ Trẻ em - 35 năm chung tay “ươm mầm” vì tương lai trẻ em Việt Nam

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thuc-day-quyen-tre-em-va-thanh-thieu-nien-yeu-the-tai-viet-nam-214646.html

In bài viết