13:52 | 03/07/2025
Nói về trà, Trà thánh Lục Vũ so sánh với nước cam lộ, đề hồ, còn Dương Văn An, vị quan dưới triều nhà Mạc ca ngợi là bách thảo chi khôi, tức đứng đầu trăm loại thảo mộc. Tuy nhiên để phát huy hết những tinh túy của trà, một cực phẩm trời ban, lại không dễ. Từ trồng hái, chế tác đến pha hãm, tất cả đòi hỏi một quá trình công phu, sau đó khiến trà không chỉ là thức uống, mà còn bao hàm cả tâm hồn, văn hóa và nghệ thuật.
![]() |
Lịch sử trà Việt nói chung và vùng chè Thái Nguyên cũng rất thú vị. Chúng ta biết rằng cây chè đã hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu, đủ để khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của chè. Tuy nhiên phải đến những năm đầu thế kỷ trước, khi cụ Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân đưa cây chè từ Phú Thọ về Thái Nguyên mới tạo nên Đệ nhất danh trà với “nước trong xanh sánh, hương chè thơm tựa cốm non, tiền vị chát dịu, hậu vị ngọt bùi”.
Một ngày đến với Thái Nguyên, ghé vào Hợp tác xã La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ cũ) và đứng trước những đồi chè bát ngát dưới tầng mây phủ, tôi đã tìm được câu trả lời cho việc tại sao chè trở thành thượng phẩm khi sinh trưởng nơi đây. Là vùng trung du với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh khô, nhưng không quá khắc nghiệt, cây chè được vươn mình ở nơi mà nó thuộc về, sau đó tạo nên những búp chè hảo hạng, hấp thụ tinh hoa trời đất.
![]() |
Ngồi tại xưởng sản xuất chè La Bằng, bên cạnh hệ thống máy móc hiện đại, tôi được nghe bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng kể về hành trình nhiều thăng trầm của thương hiệu chè La Bằng. Từ ngày đầu chỉ với 13 xã viên, vốn điều lệ 60 triệu đồng và 1ha chè, sau gần 20 năm với những thời điểm tưởng chừng phá sản, Hợp tác xã chè La Bằng đã phát triển thành 15 xã viên, hơn 200 hộ liên kết và 37ha chè, trong đó 17ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 20 chuẩn VietGAP, đồng thời doanh thu dự kiến trong năm nay đạt 06 tỷ đồng.
Nhấp chén trà móc câu, ngắm nhìn làn khói mảnh như lụa bốc lên từ làn nước sánh vàng, tôi biết nó chứa đựng cả quyết tâm và khát vọng vươn mình của người La Bằng. Tuy nhiên, như chị Hải nói, trong thời đại hội nhập và bước vào sân chơi quốc tế, quyết tâm thôi chưa đủ. Để sản xuất những phẩm trà chất lượng cao buộc phải nắm bắt tốt công nghệ, kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường xuất khẩu.
Xét trên khía cạnh này, Trung Quốc với lịch sử hàng ngàn năm phát triển trà, đặc biệt có kinh nghiệm trong việc trồng hái, chế tác, để không chỉ lưu giữ nguyên bản mà còn phát huy tốt nhất hương vị chè.
“Rất may mắn cho chúng tôi khi nhận được sự đồng hành của chuỗi trà sữa nổi tiếng Trung Quốc CHAGEE, thương hiệu đã mang đến thứ chúng tôi rất cần: sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Đây là đích đến mà chúng tôi nhắm tới trong quá trình đưa chè La Bằng vươn ra thế giới. Tôi thực sự cảm kích trước những gì Trà sữa Chagee đã làm, qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và phổ biến quy trình trồng hái, sản xuất chế biến theo tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế đòi hỏi”, bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ đầy xúc động.
![]() |
Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng cũng nói thêm, CHAGEE đến bằng sự chân thành và tận tâm, thấu hiểu người nông dân đang thiếu gì, thực sự cần gì. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ phát triển tương lai, chuỗi trà sữa nổi tiếng Trung Quốc còn tạo dựng cuộc sống hiện tại thông qua các chương trình an sinh xã hội, như trao tặng nhà tình nghĩa cho xã viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là sự đồng hành vô cùng giá trị, vừa thúc đẩy sự phát triển vùng nguyên liệu vừa góp phần nâng tầm trà Việt.
![]() |
Trà là sợi dây kết nối giữa người với người, giữa các nền văn hóa, giữa hiện đại và truyền thống. Từ đó, theo dòng chảy thời gian, trà mãi phát triển và tỏa hương, như búp trà La Bằng tinh khiết giữa những tầng mây.
Hà Anh