09:07 | 02/07/2025
Gia nhập Công ước ICCPR từ năm 1982. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên tại khu vực châu Á thể hiện rõ quan điểm chủ động hội nhập và cam kết tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Công ước ICCPR là một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, quy định cụ thể 22 quyền dân sự và chính trị cơ bản, từ quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tôn giáo đến quyền tham gia đời sống chính trị xã hội.
![]() |
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). (Ảnh minh họa: moj.gov.vn) |
Theo báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp), trong suốt 43 năm qua, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ báo cáo định kỳ với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng và nộp 4 Báo cáo quốc gia (vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023), cùng các báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề và báo cáo giữa kỳ nhằm cập nhật thông tin thực thi Công ước.
Báo cáo quốc gia ICCPR không chỉ đơn thuần là báo cáo kỹ thuật, mà còn là quá trình đánh giá toàn diện việc thể chế hóa các quyền con người vào pháp luật và chính sách quốc gia. Trong báo cáo lần thứ tư (giai đoạn 2019-2022), Việt Nam đã trình bày nhiều nội dung cải cách quan trọng như: ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó bỏ án tử hình với 8 tội danh; ban hành Luật Tư pháp cho người chưa thành niên; sửa đổi, hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người...
Cùng với cải cách pháp luật, Việt Nam đẩy mạnh thực thi chính sách bảo đảm quyền dân sự, chính trị bằng những chương trình cụ thể như: hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, phòng chống lao động cưỡng bức, thúc đẩy tiếp cận công lý, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế; thúc đẩy công lý thân thiện cho trẻ em; bảo đảm quyền bình đẳng của người dân tộc thiểu số.
Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới… cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận, thực thi các quyền dân sự, chính trị trong thực tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nghiêm túc tiếp thu và triển khai nhiều khuyến nghị mà Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đưa ra sau các kỳ báo cáo trước. Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ tư đã tích hợp việc trả lời các khuyến nghị của kỳ báo cáo lần thứ ba (2019), thể hiện tinh thần cầu thị, không né tránh và không ngừng hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền con người phù hợp với điều kiện phát triển đất nước.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp), phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về Báo cáo ICCPR lần thứ tư của Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 07-08/7/2025 tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là cơ chế quan trọng để Việt Nam thể hiện rõ ràng hơn cam kết quốc tế, đối thoại chính sách và khẳng định thành quả thực chất trong thực thi các quyền dân sự, chính trị.
Phiên đối thoại không chỉ là cơ hội để Việt Nam trình bày về quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế, mà còn là dịp để khẳng định lập trường nguyên tắc: đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và điều kiện phát triển thực tế. Việt Nam chủ động ghi nhận những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng kiên quyết phản bác các thông tin phiến diện, suy diễn hoặc mang động cơ chính trị.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (giữa), Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam phát biểu tại phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, ngày 11/3/2018 tại Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: TTXVN) |
Ngay từ đầu năm 2023, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Báo cáo quốc gia được gửi vào ngày 22/3/2023; Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề (gồm 106 đoạn nội dung, trả lời 26 vấn đề trọng tâm) được gửi vào ngày 19/12/2024. Các nội dung trong báo cáo trả lời không chỉ cung cấp số liệu cụ thể về việc thực thi quyền con người, mà còn phản bác một cách lập luận các thông tin sai lệch được đưa ra trong một số báo cáo độc lập từ các tổ chức không chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp - cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện ICCPR đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ tư, đồng thời chủ trì thành lập Đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện 9 bộ, ngành trọng yếu, bao gồm cả các đơn vị có nhiều nội dung nhạy cảm và phức tạp liên quan đến Công ước.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát hơn 50 báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc để xây dựng Bộ câu hỏi dự kiến (gồm 187 câu hỏi), phục vụ công tác chuẩn bị nội dung trình bày và phản hồi tại Phiên đối thoại. Việc chuẩn bị này được triển khai nghiêm túc, bài bản, thể hiện trách nhiệm cao và sự thống nhất hành động của các cơ quan chức năng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời sẵn sàng minh bạch, đối thoại.
Quá trình xây dựng báo cáo và chuẩn bị đối thoại được thực hiện với tinh thần cởi mở, dân chủ. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tham vấn, phối hợp tuyên truyền với báo chí, các cổng thông tin chính thống, đồng thời lan tỏa nội dung qua các kênh thông tin đối ngoại. Các hoạt động này không chỉ nhằm cung cấp thông tin chính xác tới người dân, mà còn góp phần mở rộng sự tham gia của xã hội vào tiến trình thực thi Công ước.
![]() Ngày 22/5 tại Hà Nội, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo phát động Giải thưởng thường niên truyền thông về quyền con người mang tên: "Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2025". |
![]() Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, sáng 25/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự với 429/439 đại biểu có mặt tán thành. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là việc bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản và nhận hối lộ - hai tội từng được áp dụng mức án cao nhất. |
Nguyệt Anh