Chính sách thị thực - động lực thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam

14:46 | 01/07/2025

Chính sách thị thực đang ngày càng trở thành công cụ cạnh tranh điểm đến quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh thu hút khách quốc tế sau đại dịch. Việt Nam đã có những điều chỉnh tích cực, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch và nâng cao trải nghiệm nhập cảnh cho du khách.
[Infographic] Kỹ năng tránh bẫy lừa đảo du lịch mùa cao điểm
NSS Hoa Kỳ hỗ trợ Lạng Sơn phát triển du lịch hang động

Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chính sách thị thực của Việt Nam thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Hiện Việt Nam áp dụng thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Đây được xem là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại trải nghiệm thuận tiện và hiện đại hơn cho du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang áp dụng chính sách miễn thị thực song phương với 15 quốc gia, đơn phương với 12 quốc gia châu Âu và châu Á, triển khai chương trình miễn thị thực ngắn hạn có điều kiện cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ trong năm 2025. Đặc biệt, du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc cũng được miễn thị thực trong thời gian lưu trú không quá 30 ngày, kể cả khi quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế khác trong lãnh thổ Việt Nam.

Chính sách thị thực - động lực thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam
Du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa: vietnam.vn)

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: "Việc nới lỏng và đa dạng hóa chính sách thị thực là bước đi cần thiết để gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, nếu so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia, chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để cải cách mạnh mẽ hơn nữa".

Thực tế, hiện Malaysia miễn thị thực cho công dân 166 nước, Indonesia là 169, Singapore là 158, trong khi Việt Nam mới ở mức 27 quốc gia. Một số nước còn áp dụng các chính sách visa linh hoạt như miễn thị thực vĩnh viễn, cấp visa đoàn tại cửa khẩu, miễn visa quá cảnh lên tới 240 giờ… Đây là những kinh nghiệm tham khảo hữu ích trong lộ trình cải cách của Việt Nam.

Theo ông Phạm Văn Thủy, được sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Công điện 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, các cơ quan chức năng đang phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực và đề xuất chính sách visa ưu đãi phù hợp với xu thế quốc tế, trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế.

Song song với cải cách thị thực, Việt Nam đang triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 là một trong những giải pháp trọng tâm để tăng trưởng thị trường, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế và nội địa. Thông điệp “Việt Nam - Đi để yêu” được lựa chọn làm nền tảng truyền thông, nhằm lan tỏa hình ảnh điểm đến “an toàn, thân thiện, hấp dẫn, chất lượng”.

Hoạt động xúc tiến sẽ tập trung vào các thị trường có chính sách visa thuận lợi như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Úc, Mỹ và Ấn Độ, đồng thời mở rộng phân khúc khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như khách MICE, du lịch golf, chăm sóc sức khỏe. Việc tham gia các hội chợ quốc tế lớn như ITB Berlin, WTM London và tổ chức chuỗi roadshow tại các quốc gia trọng điểm cũng được đẩy mạnh.

Một trong những hướng đi tiềm năng là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến du lịch: từ sử dụng nền tảng số toàn cầu như Google, Facebook, TikTok, đến hợp tác với các KOLs quốc tế, đại lý du lịch trực tuyến như Booking, Agoda, Expedia… nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường quan trọng; đồng thời tái định vị thương hiệu quốc gia theo tinh thần: “Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi” như chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển du lịch tháng 11/2023.

"Chúng tôi kỳ vọng, với sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách thị thực thông thoáng và chiến lược xúc tiến bài bản, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn du khách quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Kỳ vọng tín dụng phục hồi từ những động lực tăng trưởng kinh tế mới Kỳ vọng tín dụng phục hồi từ những động lực tăng trưởng kinh tế mới
Nhờ mặt bằng lãi suất thấp và các ngân hàng thương mại tung ra nhiều gói chính sách tín dụng ưu đãi, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm nay ghi nhận đạt mức cao trong vài năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi tích cực trong nửa cuối năm, khi kinh tế TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn phát triển mới với không gian rộng mở hơn.
Hà Nội tung loạt sản phẩm du lịch mới, quyết tâm bứt phá dịp cuối năm Hà Nội tung loạt sản phẩm du lịch mới, quyết tâm bứt phá dịp cuối năm
Tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch năm 2025 diễn ra sáng 26/6, Sở Du lịch Hà Nội đã công bố nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra một diện mạo mới, hấp dẫn hơn cho ngành du lịch Thủ đô.

Tú Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chinh-sach-thi-thuc-dong-luc-thuc-day-phat-trien-du-lich-viet-nam-214556.html

In bài viết