Từ ngày 01/7/2025: Chính thức bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, thay mã số thuế bằng số định danh

09:43 | 01/07/2025

Từ ngày 01/7/2025, một số chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực như: bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh; thay mã số thuế bằng số định danh; mở rộng đối tượng được tham gia Bảo hiểm Xã hội (BHXH) bắt buộc; 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền có hiệu lực...
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Đột phá thể chế cho giấc mơ an cư
Từ ngày 01/7/2025: Chính thức bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, thay mã số thuế bằng số định danh
Một số chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. (Ảnh minh họa: KT)

Chính thức bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Những người bị kết án tử hình về 8 tội này trước ngày 01/7 sẽ không phải thi hành mà được chuyển xuống tù chung thân.

Đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Thay mã số thuế bằng số định danh

Từ ngày 01/7, người dân sẽ chính thức sử dụng số định danh cá nhân (gồm 12 số in trên căn cước công dân gắn chip) thay cho mã số thuế trong toàn bộ hoạt động liên quan đến thuế của cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh. Quy định mới này có tại Luật Quản lý thuế và Thông tư 86 nhằm đồng bộ dữ liệu giữa hệ thống thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp mã số thuế trước ngày 01/7 và thông tin đã khớp đúng với thông tin của cá nhân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì được sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế bắt đầu từ ngày 01/7, bao gồm cả việc điều chỉnh, bổ sung nghĩa vụ thuế phát sinh theo mã số thuế đã cấp trước đó.

Trường hợp hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp mã số thuế trước ngày 1/7 nhưng thông tin đăng ký thuế không khớp đúng với thông tin của cá nhân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc không đầy đủ thì cơ quan thuế cập nhật trạng thái mã số thuế của hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân sang trạng thái 10 “Mã số thuế chờ cập nhật thông tin số định danh cá nhân”. Người nộp thuế phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế theo quy định để đảm bảo thông tin khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Trường hợp cá nhân được cấp nhiều hơn một mã số thuế, người nộp thuế phải cập nhật thông tin số định danh cá nhân cho các mã số thuế đã được cấp để cơ quan thuế tích hợp các mã số thuế vào số định danh cá nhân, hợp nhất dữ liệu thuế của người nộp thuế theo số định danh cá nhân.

Trường hợp thông tin có sai sót, người nộp thuế liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc chi cục thuế khu vực nơi cá nhân cư trú để cập nhật thông tin chính xác vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Mở rộng đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc

Luật BHXH năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên... cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (quy định cũ là hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên).

Khi đóng bảo hiểm xã hội từ 01/7/2025 trở đi thì không được rút BHXH 1 lần nếu không thuộc trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS...

Luật mới đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75 tuổi, với người nghèo được hưởng từ 70 tuổi, nhằm hình thành hệ thống BHXH đa tầng gồm trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Luật mới cũng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, mở rộng cơ hội hưởng lương hưu; bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng cho người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tăng liên kết giữa các tầng trợ cấp.

28 Nghị định về phân cấp, phân quyền có hiệu lực

Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp, có hiệu lực thi hành ngày 01/7. Trong đó, 11 nghị định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; 14 nghị định về phân cấp, phân quyền; 3 nghị định quy định các nội dung gồm phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền và 4 nghị định khác được xây dựng để đồng bộ hệ thống pháp luật.

Theo đó, hàng loạt thủ tục mới sẽ thay đổi cơ quan có thẩm quyền giải quyết như: UBND cấp xã chính thức có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP; UBND cấp xã là cơ quan thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng, chấp thuận về địa điểm xây dựng theo Nghị định 140/2025/NĐ-CP; UBND cấp xã được chuyển giao nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi theo Nghị định 120/2025/NĐ-CP; tiền lương tối thiểu vùng được xác định theo đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị định 128/2025/NĐ-CP...

Về giáo dục, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được giao nhiều thẩm quyền mới trong quản lý giáo dục theo Nghị định 143/2025/NĐ-CP như: công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1 và mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 1; đánh giá việc bảo đảm các điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số…

Kinh tế tư nhân được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt Kinh tế tư nhân được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt
Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội ban hành, kinh tế tư nhân được hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực...
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Ngày 29/5, tại kỳ họp thứ 9, với 96,44% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết mở đường cho hàng loạt đổi mới quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong 5 năm tới, trong đó có việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia và rút gọn thủ tục đầu tư.

Tú Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tu-ngay-0172025-chinh-thuc-bo-hinh-phat-tu-hinh-o-8-toi-danh-thay-ma-so-thue-bang-so-dinh-danh-214552.html

In bài viết