09:45 | 01/07/2025
Nền kinh tế Việt Nam đã khởi đầu năm 2025 với những tín hiệu tích cực. Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,93% trong quý 1, nối tiếp đà phục hồi 7,09% của năm 2024.
Những con số này củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Thiên Tân 2025, Chủ tịch lâm thời WEF Peter Brabeck-Letmathe khẳng định vai trò của Việt Nam trong mạng lưới kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại chính sách với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende. (Ảnh: TTXVN) |
Đồng quan điểm, Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende đánh giá cao mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Việt Nam hướng đến. Ông coi đây là chiến lược khả thi nếu Việt Nam duy trì động lực hiện tại.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 công bố giữa tháng 6/2025, nhận định Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài hạn quan trọng. Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD, Alvaro Pereira, bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 - thậm chí có thể đạt được sớm hơn nếu tiếp tục duy trì các nỗ lực cải cách và hội nhập.
Dưới góc nhìn khu vực tư nhân, Ngân hàng UOB cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2025. Theo dự báo mới nhất, GDP quý II/2025 ước đạt 6,1%, nhờ vào chính sách hoãn thuế của Mỹ và sự chủ động từ phía chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, khảo sát của UOB cho thấy 60% doanh nghiệp Việt vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm tới và gần một nửa có kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế.
Dù vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt từ môi trường bên ngoài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào kết quả các cuộc đàm phán thương mại. Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn IMF tại Việt Nam, lưu ý rằng căng thẳng thương mại leo thang sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
![]() |
Ảnh minh hoạ: Dây chuyền sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu. (Nguồn: Internet) |
Đáng chú ý, UOB và IMF đều đề cập đến tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Việc Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% lên một số mặt hàng Việt Nam vào đầu tháng 4/2025, dù đã được hoãn thực thi 90 ngày, vẫn tạo ra sự lo ngại. Theo UOB, các ngành chủ lực như điện tử, nội thất, dệt may và giày dép chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, do đó rất dễ bị ảnh hưởng.
Trước bối cảnh nhiều rủi ro, các tổ chức quốc tế ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy cải cách.
IMF cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh đầu tư công và hiện đại hóa khuôn khổ điều hành tiền tệ. Trong khi đó, OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế, thu hút FDI chất lượng cao và phát triển nguồn nhân lực.
Về phía doanh nghiệp, khảo sát của UOB cho thấy khoảng 80% doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động ứng phó rủi ro. Các giải pháp bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào số hóa và phát triển bền vững.
Bất chấp khó khăn ngắn hạn, IMF và OECD đều chung nhận định, với nền tảng vĩ mô vững chắc và định hướng cải cách rõ ràng, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm 2025 và tăng lên 6,3% vào năm 2026.
Hà Nội tái cơ cấu ngân sách, phân định lại thẩm quyền cho mô hình chính quyền hai cấp Ngày 27/6, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua các nghị quyết quan trọng, tái cơ cấu việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân định lại thẩm quyền quản lý. Những điều chỉnh này nhằm chuẩn bị cho mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7/2025. |
ESG và Đổi mới sáng tạo: Trụ cột kép cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng xanh và ESG đã trở thành yếu tố bắt buộc, không còn là lựa chọn. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, xem đây là khoản đầu tư chiến lược tạo động lực tăng trưởng, thay vì là gánh nặng chi phí. |
Quảng An (Tổng hợp)