Năng lực sản xuất là thế mạnh của Việt Nam trong đàm phán thuế đối ứng với Hoa Kỳ

16:30 | 25/05/2025

Tại hội thảo “Ứng phó của doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ” do Sở Tài chính thành phố Huế tổ chức ngày 24/5, các chuyên gia nhận định năng lực sản xuất là thế mạnh giúp Việt Nam tạo vị thế trong đàm phán với Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp được khuyến nghị cần linh hoạt điều chỉnh mô hình sản xuất và cơ cấu thị trường xuất khẩu nhằm thích ứng hiệu quả với biến động chính sách thương mại quốc tế.
Đàm phán thuế đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ ghi nhận kết quả tích cực
Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới tiến triển thực chất trong đàm phán thương mại

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Huế, phát biểu tại hội thảo, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế cho biết, các chính sách điều chỉnh thương mại, đặc biệt là các chính sách thuế đối ứng giữa các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… đang tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Huế.

Trên địa bàn thành phố Huế, hiện có hơn 200 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, chủ yếu liên quan đến các mặt hàng như nguyên phụ liệu, sợi, dệt may, máy móc phụ tùng, linh kiện phụ tùng ô tô, thủy sản...

Ông Phương bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin, tăng cường liên kết và trang bị thêm kỹ năng, giải pháp để điều chỉnh chiến lược sản xuất - kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong môi trường thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: hue.gov.vn)
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: hue.gov.vn)

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích sâu về bối cảnh kinh tế quốc tế, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và tác động đối với doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh năng lực sản xuất là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam trong quá trình đàm phán với phía Hoa Kỳ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ chủ yếu nhằm tạo sức ép trong đàm phán. Ông đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thích ứng rất nhanh với chính sách này.

Ông dẫn chứng, Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp, trao đổi, làm việc với các tổ chức, đại diện từ phía Hoa Kỳ.

Theo ông Tuấn, Việt Nam là quốc gia có năng lực sản xuất tương đối lớn và đây là thế mạnh của chúng ta trên bàn đàm phán. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có những chính sách quan trọng trong việc kiểm soát, sàng lọc, ưu đãi cho các dự án nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Trong thời gian diễn ra đàm phán, ông Tuấn khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cải cách, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh. Với các đơn hàng hiện có, doanh nghiệp cần theo dõi sát động thái, phối hợp đàm phán với nhà nhập khẩu và tranh thủ xuất hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế.

Việt Nam nỗ lực sớm đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ

Cùng ngày 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo kết quả vòng đàm phán lần thứ hai Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (diễn ra từ ngày 19-22/5 tại Washington D.C, Hoa Kỳ).

Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo Báo điện tử Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong công tác chuẩn bị và tiến hành đàm phán. Đoàn đàm phán đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả các vòng đàm phán vừa qua có tiến bộ tích cực, hai bên có cơ hội trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin, hoàn cảnh của nhau, trên cơ sở đó để hiểu nhau hơn, thông cảm cho nhau hơn trong bối cảnh hiện nay, đưa ra những định hướng tích cực cho những vòng đàm phán tiếp theo, hướng tới kết quả phù hợp, cân bằng cho cả hai bên.

Bên cạnh đó, các cấp, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tiếp tục tiếp xúc, làm việc với phía Hoa Kỳ bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng để góp phần thúc đẩy Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và thúc đẩy việc đàm phán nói riêng. Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã kịp thời cung cấp thông tin cho đoàn đàm phán và báo cáo Thường trực Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, thúc đẩy mua bán các hàng hóa mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu để góp phần hướng đến cân bằng thương mại hai nước sớm nhất có thể, như máy bay Boeing, khí LNG, một số mặt hàng nông sản…

Về công việc tiếp theo, Thủ tướng nêu rõ: Căn cứ kết quả đã đạt được, diễn biến tình hình thực tế, khả năng đáp ứng của chúng ta; trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa hai bên, bảo đảm lợi ích cốt lõi của Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường, đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, mang lại lợi ích cho hai nước, người tiêu dùng hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; đoàn đàm phán tiếp tục nỗ lực, cố gắng để sớm đạt thỏa thuận với phía Hoa Kỳ.

Đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi cởi mở, thẳng thắn về thương mại đối ứng Đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi cởi mở, thẳng thắn về thương mại đối ứng
Việt Nam thúc đẩy hợp tác chiến lược với các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ Việt Nam thúc đẩy hợp tác chiến lược với các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nang-luc-san-xuat-la-the-manh-cua-viet-nam-trong-dam-phan-thue-doi-ung-voi-hoa-ky-213782.html

In bài viết