PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Cần sớm tập hợp mạng lưới các trường đào tạo giáo viên

15:55 | 23/05/2025

Thiếu giáo viên và chất lượng giáo viên chưa đồng đều vẫn luôn là thách thức lớn với ngành giáo dục hiện nay. Vậy cần phải làm gì để từng bước xử lý thực trạng này, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, người vừa tròn 1 năm đảm nhiệm trọng trách trên.
Hà Nội: bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên nước bạn Lào
Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn.

- Thưa ông, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Trên cương vị là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN), một nơi đào tạo giáo viên hàng đầu của Việt Nam hiện nay, ông đánh giá về thực trạng này thế nào?

- Điều đó cho thấy Chính phủ quan tâm, sát sao với lĩnh vực giáo dục. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những báo cáo kịp thời với Chính phủ về các tồn tại để có sự điều hành phù hợp từ cấp cao. Về phía chúng tôi thì nhà trường luôn theo sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều chỉnh trong phạm vi của mình về chỉ tiêu đào tạo, về xây dựng các chương trình bồi dưỡng, liên thông…Nhà trường cũng sẵn sàng cung cấp các chương trình, khóa học giúp việc chuyển đổi chuyên môn cho giáo viên các địa phương. Thực tế, một số địa phương đã chủ động đặt hàng với Nhà trường để tổ chức các khóa học chuyển đổi chuyên môn cho giáo viên từ những môn học thừa sang môn học thiếu nếu gần lĩnh vực chuyên môn.

- Một trong những nguyên nhân được nhiều người nhắc đến là chúng ta thiếu một dự báo dài hạn về nhu cầu giáo viên các cấp nói chung, để từ đó xây dựng chỉ tiêu và kế hoạch đào tạo. Nếu coi đây là lý do chính sách chính yếu, thưa ông, có chính xác không?

- Theo tôi đó không phải là lý do chính. Trong các năm gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các nghiên cứu, cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về đội ngũ giáo viên, việc thực hiện chương trình năm 2018 đã tương đối ổn định do vậy, Bộ đã có các thống kê, dự báo, thông báo hàng năm về số lượng giáo viên còn thiếu, với các cấp học, môn học. Đồng thời Bộ cũng đã có đề nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu biên chế cũng như khuyến cáo các địa phương về việc rà soát và tìm các giải pháp khắc phục.

Vì thế, theo tôi nguyên nhân chính có lẽ là do vướng mắc về cơ chế tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên hiện nay ở địa phương. Hiện tại việc tuyển dụng không do ngành giáo dục thực hiện nên chưa sát với nhu cầu, khả năng điều chỉnh chưa linh hoạt. Đây cũng là điểm nghẽn đang được đề xuất thay đổi trong Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội với mục tiêu là trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục.

- Trở lại với công việc của ông, thưa ông, sức hút của ngành sư phạm hiện nay so với các ngành khác thế nào?

- Những năm gần đây, số lượng học sinh phổ thông đăng ký vào ngành sư phạm luôn ở mức cao, có ngành tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Đây là cơ hội tốt cho các trường sư phạm nói chung có thể lựa chọn được được đầu vào tốt, từ đó đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

- Để ngành sư phạm trở nên hấp dẫn hơn, có tính cạnh tranh hơn, theo ông, đâu là những thứ tự ưu tiên cần làm ngay?

- Tôi thấy những vấn đề đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong hàng loạt những dự án sửa và điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục đại học…và những nội dung đang được đề xuất trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về giáo dục đào tạo đã thể hiện rất rõ quyết tâm và trách nhiệm đối với ngành, vì vậy tôi cũng không có đề xuất gì hơn.

- Đâu là những điều khiến ông thấy băn khoăn và lo âu nhất khi nhìn vào công tác đào tạo giáo viên hiện nay?

Tôi thấy có 2 điều chính, đầu tiên là trong lộ trình sắp tới các trường sư phạm (cũng giống các trường đại học khác) phải tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên. Do chỉ tiêu sư phạm được phân bổ theo nhu cầu của địa phương nên số lượng sinh viên sư phạm tương đối ổn định, khó có khả năng tang trong khi các ngành ngoài sư phạm thì mức độ cạnh tranh thu hút sinh viên khá cao. Vì thế, vấn đề này tạo ra khó khăn rất lớn cho các trường sư phạm.

Do vậy, để đào tạo giáo viên có chất lượng và tương đối tương đồng về chất lượng, có lẽ cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn của mạng lưới các trường đại học có đào tạo giáo viên. Hiện nay số trường có đào tạo giáo viên còn rất nhiều và phân tán (theo số liệu thống kê làm căn cứ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sư phạm thì có hơn 100 trường). Theo quy hoạch của Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ Tướng về Phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì còn 50 trường. Nếu không tập hợp được mạng lưới này thì việc đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên trên diện rộng vẫn là một thách thức lớn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nội: bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên nước bạn Lào Hà Nội: bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên nước bạn Lào
Ngày 17/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề của Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025 Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025
Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025 theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 22/04/2025).

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/pgsts-nguyen-duc-son-can-som-tap-hop-mang-luoi-cac-truong-dao-tao-giao-vien-213750.html

In bài viết