14:52 | 12/05/2025
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Paetongtan kể từ khi nhậm chức tháng 8/2024 và là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau hơn một thập kỷ. Đây cũng là Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước trong vòng 9 năm qua.
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Tháng 11/2022, hai bên thống nhất Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027, đặc biệt là sáng kiến “Ba kết nối” (kết nối chuỗi cung ứng; kết nối kinh tế, doanh nghiệp và địa phương; kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững giữa hai nước); thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng...
Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026 - một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, ngày 9/10/2024. (Ảnh: TTXVN) |
Theo số liệu từ Cục Hải quan, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam. Trong quý 1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,16 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 2,06 tỷ USD, giảm 3%, trong khi nhập khẩu từ Thái Lan đạt 3,1 tỷ USD, tăng 19,7%. Việt Nam ghi nhận mức nhập siêu 1,03 tỷ USD từ Thái Lan trong ba tháng đầu năm 2025, tăng 123% so với mức nhập siêu 464 triệu USD của cùng kỳ năm 2024.
Theo TTXVN, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 diễn ra ngày 9/10/2024 tại Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng, thông qua hạn chế các rào cản thương mại, tạo thuận lợi mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa, tháo gỡ vướng mắc và tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của việc triển khai Chiến lược “Ba kết nối”, đặc biệt là kết nối chuỗi cung ứng và các lĩnh vực chiến lược như giao thông vận tải, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng…; nhất trí sớm lập Nhóm công tác chung để xây dựng nội hàm và kế hoạch cụ thể triển khai chiến lược này.
Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như kinh tế, du lịch, giao thông, kết nối đa phương tiện, hợp tác địa phương; phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch “Sáu quốc gia, một điểm đến”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tái khẳng định tầm quan trọng trong việc tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động; bảo đảm không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hợp tác, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong ASEAN; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
![]() |
Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tổ chức cuộc họp chung lần thứ XIII tại tỉnh Chonburi (Thái Lan), ngày 13/9/2024. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Đối ngoại nhân dân là một trong những trụ cột của quan hệ giữa hai nước, đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thời gian qua. Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan đã đóng vai trò quan trọng trong giao lưu nhân dân kể từ khi thành lập, cùng với Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam trở thành cầu nối hữu hiệu, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan với Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả. Hai Hội cũng phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối cho hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục Thái Lan - Việt Nam với việc tích cực và chủ động hơn trong việc tăng cường gắn kết để thực sự trở thành cầu nối quan trọng trong ngoại giao nhân dân giữa hai nước. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam đã đứng ra tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác hiệu quả.
Phan Anh (tổng hợp)