10:51 | 12/05/2025
Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đa dạng trải dài từ Bắc chí Nam, Việt Nam sở hữu thủ phủ rau với hơn 120 chủng loại, từ đặc trưng của vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới đến ôn đới. Sự phong phú này là bệ phóng vững chắc cho ngành rau quả Việt Nam tự tin đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích trồng rau của cả nước đã vượt mốc 1 triệu ha, với sản lượng trên 19 triệu tấn/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các vùng trồng rau gia tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đà Lạt với khí hậu mát mẻ quanh năm đã trở thành những trung tâm sản xuất rau ôn đới lớn nhất cả nước.
Hiện rau Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là những thị trường chính, sau đó là Trung Đông, Australia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành rau quả Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường từ các thị trường nhập khẩu đang trở thành những rào cản lớn.
![]() |
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Đầu Tư) |
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: “Nhiều thị trường, đặc biệt là EU và Mỹ, yêu cầu rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kiểm dịch. Chỉ một lô hàng bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép có thể dẫn đến cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu.”
Đơn cử, tại thị trường EU, rau quả Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), trong khi Mỹ và Nhật Bản yêu cầu chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn).
Không chỉ vậy, các quy định về bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn lao động cũng đang được các thị trường quan tâm, đòi hỏi sản phẩm không chỉ an toàn mà còn phải thân thiện với môi trường và đảm bảo quyền lợi người lao động.
Để vượt qua các rào cản kỹ thuật và phát triển bền vững, ngành rau quả Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ từ phương thức canh tác đến chuỗi giá trị sản xuất.
Trước hết, cần thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị bền vững. Các địa phương trọng điểm như Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Lâm Đồng cần triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp, đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào chế biến sâu cũng là hướng đi quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ bảo quản lạnh, đông lạnh nhanh, sấy khô, chế biến nước ép để kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Mặc dù Trung Quốc đang là "đầu tàu", chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu rau quả, nhưng Việt Nam cũng không nên "bỏ trứng vào một giỏ", ngành hàng cần chủ động mở rộng sang các thị trường đầy hứa hẹn như Trung Đông, Australia, Canada và Nam Mỹ. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP đang mở ra những cơ hội mới để Việt Nam đa dạng hóa thị trường và giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một đối tác duy nhất.
Trong thời gian tới, để tối ưu hóa sản xuất và kiểm soát chất lượng rau quả, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, từ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain đến giám sát thông minh bằng IoT trong quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần có những đòn bẩy chính sách để nâng cao nhận thức và khuyến khích nông dân chuyển đổi sang các phương thức canh tác bền vững, giảm phụ thuộc vào hóa chất và hướng tới sản xuất xanh, sạch.
Nhìn chung, với nền tảng sản xuất đa dạng, tiềm năng xuất khẩu lớn và sự chuyển đổi theo hướng bền vững, ngành rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin mở rộng thị trường và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Theo Báo Đầu Tư
https://baodautu.vn/chuan-hoa-chat-luong-de-giu-da-tang-truong-nganh-san-xuat-rau-xanh-d282244.html
![]() Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm nay đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất siêu đạt trên 5 tỷ USD. Đáng chú ý, cà phê đang trở thành hiện tượng nổi bật nhất với giá trị xuất khẩu lên tới 3,8 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. |
![]() Thủ tướng Chính phủ nhận định tình hình thương mại toàn cầu biến động là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. |
Theo Báo Đầu Tư