17:12 | 08/05/2025
![]() |
Các hồng y tham dự ngày đầu tiên của mật nghị tại Nhà nguyện Sistine. (Ảnh: Truyền thông Vatican) |
Mật nghị Hồng y - cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới
Trước đó, vào ngày 7/5, một đoàn rước long trọng gồm 133 hồng y cử tri từ khắp nơi trên thế giới đã từ từ tiến vào Nhà nguyện Sistine. Mỗi hồng y đọc một lời tuyên thệ cam kết tuân theo các quy tắc của mật nghị. Đây là các hồng y dưới 80 tuổi đến từ 70 quốc gia khác nhau, là những người được giao nhiệm vụ bầu chọn giáo hoàng tiếp theo. Một trong số họ sẽ trở thành giáo hoàng mới, thay thế cố Giáo hoàng Francis lãnh đạo 1,4 tỷ người Công giáo La Mã trên thế giới.
Nhà nguyện Sistine được đặt theo tên của Giáo hoàng Sixtus IV, người đã cho xây dựng nhà nguyện từ năm 1473-1481. Công trình này nổi tiếng với những bức bích họa bao phủ tường và trần nhà do các nghệ sỹ thời Phục Hưng thực hiện. Nhà nguyện là địa điểm thường trực tổ chức các cuộc mật nghị kể từ năm 1878. |
Khi cánh cửa nhà nguyện đóng lại, các hồng y đã ở trong một không gian tách biệt với thế giới bên ngoài để tiến hành vòng bỏ phiếu đầu tiên. Quá trình bí mật này dự kiến sẽ mất nhiều ngày. Các cuộc bỏ phiếu sẽ liên tục diễn ra cho đến khi có một hồng y giành được tối thiểu 2/3 số phiếu, tương ứng với sự ủng hộ của 89 hồng y.
Trong những ngày bỏ phiếu, các hồng y được yêu cầu không nói chuyện với người ngoài, không đọc tin tức, không nhận tin nhắn hay thảo luận về cuộc bầu cử. Nếu vi phạm, họ có thể bị khai trừ khỏi mật nghị. Phía Vatican cho biết họ đã thực hiện các biện pháp công nghệ cao để đảm bảo tính bảo mật cho sự kiện này.
![]() |
Tổng giám mục Diego Giovanni Ravelli đóng cửa Nhà nguyện Sistine để chính thức bắt đầu mật nghị. (Ảnh: Bernat Armangue/ ABC News) |
Vòng bỏ phiếu đầu tiên lúc 16h30 ngày 7/5 (tức 21h30 ngày 7/5 giờ Việt Nam). Mỗi ngày, các hồng y sẽ thực hiện 4 lượt bỏ phiếu - hai lần vào buổi sáng (10h30 và 12h theo giờ Rome, tức 15h30 và 17h giờ Việt Nam) và hai lần vào buổi chiều (17h30 và 19h theo giờ Rome, tức 22h30 và 24h Việt Nam).
Khi kết thúc các cuộc bỏ phiếu sẽ có giờ Kinh Chiều tại nhà nguyện Sistine, và lúc 7h30 tối, các hồng y cử tri sẽ trở về Nhà thánh Marta tòa nhà nằm trong nội thành Vatican để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày bỏ phiếu tiếp theo.
Khói trắng, khói đen và kỳ vọng của giáo dân thế giới
Hàng ngàn tín đồ trung thành của nhà thờ đã tụ tập tại quảng trường bên ngoài nhà nguyện Sistine, háo hức theo dõi một ống khói lớn - "kênh thông tin" duy nhất giữa cuộc bầu chọn mật trong nhà nguyện với công chúng bên ngoài.
Sau mỗi lần bỏ phiếu, lá phiếu của các hồng y sẽ được thu gom và kiểm đếm cẩn thận, trộn cùng hóa chất và đốt. Khói từ việc đốt lá phiếu sẽ bốc lên từ ống khói của nhà nguyện. Khói đen hàm ý chưa có hồng y nào được bầu chọn là giáo hoàng. Khói trắng thông báo đã có một giáo hoàng mới. Theo The New York Times, đây là một truyền thống từ thế kỷ 19, khi các mật nghị được tổ chức tại Cung điện Quirinale, hiện là nơi ở của Tổng thống Italia.
![]() |
Khói đen từ Nhà nguyện Sistine. (Ảnh: Politico) |
The New York Times cho biết thêm, do việc đốt lá phiếu cùng các hóa chất có thể dẫn đến sai sót về màu sắc, kể từ năm 2005, khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, một bộ phận điều khiển điện tử để đốt các hộp mực tạo màu khói đã được lắp đặt.
Chuyên gia pháo hoa Massimiliano De Sanctis, người đã thiết kế hệ thống này cho biết: Hệ thống được thiết kế dựa trên một máy bắn pháo hoa. Khi các lá phiếu được đốt trong lò gang, một hồng y sẽ nhắn nút kích hoạt hộp mực trong thiết bị này. Cần sử dụng 6 hộp mực cho mỗi lần đốt phiếu, khói sẽ kéo dài trong khoảng 7 phút.
Năm nay, các tín đồ đã chờ khoảng 4 tiếng (kể từ khi bắt đầu mật nghị) để được thấy làn khói đen đầu tiên xuất hiện từ nhà nguyện - chậm hơn khoảng 1 tiếng so với mật nghị trước đó (năm 2013). Một số hồng y cho rằng có thể sẽ mất 2 đến 3 ngày để bầu giáo hoàng mới. Theo ABC News, kể từ năm 1831 đến nay, không có mật nghị nào kéo dài hơn 4 ngày.
![]() |
Các tín đồ Giáo hội Công giáo tụ tập trong nhiều giờ trong ngày đầu tiên của thánh lễ. (Ảnh: Markus Schreiber/ ABC News) |
Với các tín đồ, việc chờ đợi không phải là một thử thách lớn. Mục sư Mac Bean, 27 tuổi, đến từ Zimbabwe nói: “Tôi tự hỏi tâm hồn mình, ‘Sao phải chờ đợi lâu thế? Nhưng việc không có quyết định ngay lần bỏ phiếu đầu tiên là chuyện bình thường.”
Meryl Adriano, 41 tuổi, một giáo viên đến từ Melbourne, Úc, cho biết: “Tôi không ngại chờ đợi, vì chúng tôi sẽ nghỉ phép hai tuần. Vài giờ đồng hồ có là gì khi chúng tôi đã chờ đợi 12 năm để được chứng kiến điều này? Có rất nhiều người khác cũng đang chờ đợi, họ đang tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi.”
Valentina Kamenova là một nữ diễn viên 25 tuổi đến từ Los Angeles (Mỹ), đã sống ở Rome trong ba năm. Cô đã ở quảng trường trong nhiều giờ, nhưng không thể hiện bất kỳ nét thất vọng nào trên khuôn mặt. “Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Khi cánh cửa Nhà nguyện Sistine đóng lại, tôi cảm thấy sức mạnh của khoảnh khắc đó. Cảm giác gần giống như một bộ phim vậy", cô nói.
Trong những ngày gần đây, các Hồng y đã đưa ra những đánh giá khác nhau về những gì họ đang tìm kiếm ở vị giáo hoàng tiếp theo.
Trong khi một số người kêu gọi tiếp tục tầm nhìn của cố Giáo hoàng Francis về cởi mở và cải cách, những người khác lại cho biết họ muốn quay về các truyền thống cũ.
Trong một bài diễn thuyết trước Mật nghị Hồng y, Đức Hồng y người Italia Giovanni Battista Re (91 tuổi), đã nói với các giám mục đồng nghiệp rằng họ phải gạt sang một bên "mọi cân nhắc cá nhân" khi lựa chọn giáo hoàng mới và ghi nhớ "chỉ lợi ích của Giáo hội và nhân loại". Ông cho rằng rằng giáo hoàng tiếp theo phải tôn trọng sự đa dạng trong Giáo hội: "Sự thống nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là sự hiệp thông vững chắc và sâu sắc trong sự đa dạng", ông nói.
Lãnh đạo Việt Nam chia buồn về việc Giáo hoàng Benedict XVI qua đời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn khi được tin Giáo hoàng danh dự Benedict XVI qua đời, thọ 95 tuổi. |
Ngày 21/4, Tòa thánh Vatican tuyên bố: Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên của Giáo hội Công giáo La Mã đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi |
Minh Anh (Tổng hợp)