17:19 | 03/05/2025
Ông hãy chia sẻ về ý nghĩa Chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”?
Tôi cho rằng sự kiện này vô cùng đặc biệt bởi nó được diễn ra đúng ngày kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Sự kết thúc này mang đến cho chúng ta niềm tin rằng, nếu chúng ta thực sự đoàn kết và tin vào lẽ phải thì cuối cùng sẽ giành chiến thắng.
![]() |
Ông Yoshioka Tatsuya, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Tổ chức Tàu Hòa bình. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chính vì vậy, sự kiện này mang thông điệp rất mạnh mẽ. Đây là dịp người dân Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau nhìn lại 50 năm sau khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc.
Trong bối cảnh thế giới hiện còn nhiều xung đột, người dân Việt Nam đã gửi đến thông điệp: hòa bình là điều quan trọng hơn tất cả. Tôi tin rằng chính vì lẽ đó, buổi giao lưu "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" mang lại ý nghĩa cho tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Vì sao Việt Nam là điểm đến thường xuyên của Tổ chức Tàu Hòa bình, thưa ông?
Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Việt Nam bằng Tàu Hòa bình là năm 1985. Khi đó, Việt Nam vẫn còn mang những vết thương do chiến tranh để lại. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những nỗi đau ấy. Chúng tôi cũng học được rất nhiều điều về những nỗ lực to lớn của người dân Việt Nam trong cuộc chiến giành lại độc lập. Cùng với đó là những đau khổ mà người dân phải gánh chịu suốt một thời gian dài vì chiến tranh.
Lịch sử Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn chiến tranh có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong lịch sử nhân loại, chiến tranh tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất. Chính vì thế, chúng ta cần truyền đi thông điệp: không bao giờ nên lặp lại những điều khủng khiếp như vậy. Tôi cho rằng trải nghiệm của người dân Việt Nam trong chiến tranh đã truyền đi bài học về tầm quan trọng của hòa bình, về tư tưởng hòa bình, giáo dục hòa bình và những hoạt động vì hòa bình.
Nhật Bản cũng là đất nước trải qua nhiều mất mát, trong đó có thảm họa tại Hiroshima và Nagasaki. Vì thế, chúng tôi đồng cảm sâu sắc với người dân Việt Nam. Kể từ đó, chúng tôi bắt đầu đến thăm Việt Nam gần như hằng năm. Riêng tôi đã đến Việt Nam hơn 50 lần, còn tổ chức Tàu Hòa bình đã đến khoảng 39 lần.
Ông hãy chia sẻ về kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Việt Nam?
Tôi có hai kỷ niệm đáng nhớ trong những lần đến Việt Nam.
Kỷ niệm đầu tiên là một trải nghiệm đầy đau xót. Khi có dịp đến thăm Bệnh viện Từ Dũ tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trẻ em mắc dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Thậm chí, có những trẻ sơ sinh đã không qua khỏi. Cảnh tượng ấy để lại trong tôi nỗi xót xa trước những mất mát mà chiến tranh để lại. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, hiểu rõ hơn về những hậu quả chúng để lại.
Kỷ niệm thứ hai lại là một trải nghiệm ấm áp và đầy niềm vui. Đó là chương trình giao lưu với Đoàn Thanh niên tại Đà Nẵng. Các bạn thanh niên Việt Nam rất thân thiện và hiếu khách. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thanh niên Việt Nam và Nhật Bản: cùng tham quan thành phố, ăn uống, trò chuyện. Mỗi lần tàu rời bến, cả thanh niên Nhật Bản và Việt Nam đều bật khóc. Dù chỉ có vài ngày ngắn ngủi bên nhau, nhưng tôi hiểu được rằng: sự đoàn kết có sức mạnh kỳ diệu, đủ để mang đến hạnh phúc cho con người.
Ông có thể chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa Tổ chức Tàu Hòa bình và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO)?
Tôi nhận thấy có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Tổ chức Tàu Hòa bình và VUFO, đặc biệt trong các lĩnh vực như: nghiên cứu hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó với khủng hoảng khí hậu và các vấn đề liên quan đến đại dương.
![]() |
Hợp tác giữa Tổ chức Tàu Hòa bình và VUFO còn có thể mở rộng sang các chương trình dành cho thanh niên và học tập suốt đời. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tôi cho rằng sự hợp tác giữa hai bên không nên chỉ giới hạn ở lĩnh vực hòa bình, mà còn có thể mở rộng sang các chương trình dành cho thanh niên và học tập suốt đời. Có rất nhiều hình thức để hiện thực hóa điều này.
Chẳng hạn, thanh niên luôn là những người tràn đầy sự tò mò và khát khao khám phá. Những chương trình mang tính trải nghiệm như Tàu Hòa bình, kết hợp giữa du lịch, giao lưu đa văn hóa, thảo luận xuyên biên giới sẽ là cơ hội để thanh niên từ các quốc gia gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ cùng nhau. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những hoạt động hấp dẫn, khơi gợi sự quan tâm và hứng thú từ giới trẻ. Để từ đó, họ chủ động tìm hiểu và đóng góp vào hành trình xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.
Thông điệp về hoà bình mà ông và Tổ chức Tàu Hòa bình muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ Việt Nam là gì?
Tôi chắc chắn rằng lịch sử Việt Nam là một lịch sử vĩ đại. Các bạn có một di sản quý báu. Đất nước các bạn đã đạt được những bước phát triển vượt bậc sau một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Các bạn xứng đáng có được sự tự tin và nguồn động lực mạnh mẽ để tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình hơn. Trải nghiệm của các bạn không chỉ dành riêng cho Việt Nam, đó là kinh nghiệm mang tính phổ quát. Trải nghiệm ấy có thể hỗ trợ nhiều quốc gia khác và góp phần kiến tạo một thế giới thật sự hòa bình.
Hãy cùng nhau học hỏi về hòa bình và cách xây dựng hòa bình. Chúng ta luôn đồng hành bên nhau. Hãy cùng chung tay vì hòa bình của thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
![]() Đó là thông điệp của chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) phối hợp cùng Tổ chức Tàu Hòa bình và hai tổ chức từng được trao giải Nobel Hòa bình - Liên đoàn Nihon Hidankyo và Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tổ chức, ngày 30/4 tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). |
![]() Ngày 30/4, chương trình giao lưu “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” đã diễn ra trên Tàu Hòa bình tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), quy tụ những trái tim yêu chuộng hòa bình từ nhiều quốc gia. Tại sự kiện, các diễn giả cùng nhìn lại bài học từ quá khứ, đồng thời lan tỏa thông điệp về hòa bình, đoàn kết và hướng tới một tương lai không còn vũ khí hạt nhân. |
Thu Phượng