Chuyên gia quốc tế đề xuất 4 giải pháp giúp Việt Nam giải quyết khan hiếm nước

15:27 | 26/04/2025

Ngày 25/4 tại Hà Nội, trong tọa đàm “Sự cạn kiệt của nguồn nước” do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phối hợp với Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, GS. Simon Porcher, ngành Khoa học quản lý, Đại học Paris Dauphine (PSL) đã đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm góp phần giúp Việt Nam giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào
Cụm thi đua số 1: chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ĐNND
Cảnh báo khủng hoảng nguồn nước: Cần cơ chế quản trị hiệu quả trước khi quá muộn
Tọa đàm “Sự cạn kiệt của nguồn nước”. (Ảnh: Đinh Hòa)

4 nhóm giải pháp của GS. Simon Porcher gồm:

Một là, cần thay đổi mô hình kinh tế nước uống bằng cách áp dụng chính sách giá linh hoạt, khuyến khích tiết kiệm và chuyển từ hình thức trả phí theo lượng tiêu thụ sang dựa trên hiệu quả hạn chế thất thoát nước. Thực tế ở Pháp hiện nay, lượng nước sạch sau xử lý bị thất thoát là 20%, trong khi nhiều quốc gia khác lên tới 50-60%.

Hai là, cần thúc đẩy đổi mới công nghệ và tái sử dụng nước, bao gồm thu gom nước mưa, xử lý và tái sử dụng nước xám, nước thải. Đồng thời nghiên cứu giải pháp khử mặn với sự kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh phát sinh ô nhiễm thứ cấp.

Ba là, cần xây dựng một cơ chế quản trị toàn cầu. Ông đề xuất tổ chức một Hội nghị các bên (COP) về nước dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, tương tự như với biến đổi khí hậu hay đa dạng sinh học. Qua đó điều phối hiệu quả nguồn tài nguyên nước vượt qua biên giới hành chính.

Bốn là, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi tiêu dùng cần được chú trọng. Mỗi sản phẩm từ cà phê đến thực phẩm, quần áo… đều ẩn chứa một lượng “nước ảo” khổng lồ. Do đó, cần có hệ thống nhãn mác rõ ràng về mức độ tiêu thụ nước để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn có trách nhiệm hơn với môi trường.

Chuyên gia quốc tế đề xuất 4 giải pháp giúp Việt Nam giải quyết khan hiếm nước
GS. Simon Porcher, ngành Khoa học quản lý, Đại học Paris Dauphine (PSL). (Ảnh: Đinh Hòa)

GS. Simon Porcher cho biết: Trên thế giới hiện có khoảng 2,2 tỷ người chưa được tiếp cận với nước sạch, hơn 4,6 tỷ người thiếu công trình vệ sinh đạt chuẩn. Những con số này phản ánh thực trạng đáng báo động, không chỉ ở các nước nghèo mà cả tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ... Ông cũng chỉ ra những điểm nóng tranh chấp tài nguyên nước như giữa Ấn Độ - Pakistan, Trung Quốc - Ấn Độ, hay tại Bolivia, Pháp... cho thấy nước có thể trở thành trung tâm của các vấn đề bất bình đẳng, xung đột và khủng hoảng toàn cầu.

Thảo luận tại tọa đàm về chủ đề “nước ảo”, TS. Nguyễn Thanh Hiền, giảng viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Nước ảo” là lượng nước không hiện diện trực tiếp trong sản phẩm nhưng đã được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển sản phẩm đó. Ví dụ, việc sản xuất một chiếc quần jeans tiêu tốn tới 11.000 lít nước, trong khi sản xuất một chiếc ô tô cần khoảng 30.000 lít nước.

TS. Nguyễn Thanh Hiền cảnh báo, Việt Nam hiện là điểm đến phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dệt may, đặc biệt là sản xuất quần jeans. Theo bà, đây có thể là một hình thức “chuyển dịch tiêu hao tài nguyên”, trong đó các quốc gia phát triển tìm cách chuyển phần gánh nặng về nước sang các quốc gia đang phát triển có chi phí thấp và khung pháp lý môi trường còn lỏng lẻo.

Chuyên gia quốc tế đề xuất 4 giải pháp giúp Việt Nam giải quyết khan hiếm nước
TS. Nguyễn Thanh Hiền, giảng viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thảo luận tại tọa đàm. (Ảnh: Đinh Hòa)

Bà cho rằng, điều này tạo ra một nghịch lý trong chính sách thu hút đầu tư: Việt Nam đón nhận dòng vốn, tạo việc làm, nhưng lại phải trả giá bằng tài nguyên nước, trong khi hệ thống xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước ngầm còn chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần lồng ghép các tiêu chí môi trường, đặc biệt là “dấu chân nước” (water footprint) nhằm hiển thị mức độ sử dụng nước vào quá trình xét duyệt và quy hoạch các dự án đầu tư.

“Không thể chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế ngắn hạn mà bỏ qua cái giá dài hạn cho phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Thanh Hiền nói.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nicolas Mainetti, Giám đốc AUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động khoa học thường kỳ do AUF tổ chức, nhằm làm nổi bật các chủ đề thời sự toàn cầu qua lăng kính của cộng đồng Pháp ngữ. Tọa đàm lần này tập trung vào “nước” - tài nguyên tưởng chừng vô tận nhưng đang dần cạn kiệt nhanh chóng. Ông khẳng định việc được trực tiếp nghe các chuyên gia đầu ngành phân tích các vấn đề thời sự là điều đặc biệt ý nghĩa, nhất là đối với các bạn sinh viên đang học tiếng Pháp tại Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh 50 người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh 50 người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu
Ngày 25/4, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM tổ chức chương trình họp mặt và biểu dương đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển TP. HCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cụm thi đua số 1: chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ĐNND Cụm thi đua số 1: chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ĐNND
Ngày 25/4, tại thành phố Hải Dương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hải Dương, Cụm phó Cụm thi đua số 1 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động Cụm số 1 năm 2025 và Hội thảo nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-gia-quoc-te-de-xuat-4-giai-phap-giup-viet-nam-giai-quyet-khan-hiem-nuoc-213010.html

In bài viết