Nhân chứng quốc tế nhận định: Chiến thắng 30/4 là thành quả của sự hội tụ toàn diện

10:50 | 24/04/2025

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ vì độc lập dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1945. Nhiều nhân chứng quốc tế nhận định, đây là thành quả của sự hội tụ toàn diện: sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, thiên tài của lãnh tụ, chiến lược ngoại giao linh hoạt, tinh thần đoàn kết toàn dân, bản lĩnh của quân đội và sự ủng hộ mạnh mẽ từ bạn bè khắp năm châu.
30/4 trong ký ức bạn bè quốc tế
Ngoại giao Việt Nam đóng góp vào giải phóng miền nam, thống nhất đất nước - Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Hélène Luc, Thượng nghị sỹ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt khẳng định: chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ, là chiến thắng của Quân đội nhân dân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhận được sự hưởng ứng của toàn thể người dân. Đây là thành quả của một cuộc đấu tranh kéo dài suốt ba thập kỷ, bắt đầu từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực tìm giải pháp hòa bình tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946.

Theo bà Hélène Luc, Việt Nam đã có thể tránh khỏi cuộc chiến vào năm 1946 trong Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Phó Thủ tướng Pháp Maurice Thorez tại nhà riêng ở Choisy-le-Roi, với sự tham gia của nhiều nhân vật tên tuổi khác. Họ đã cùng nhau kêu gọi tìm giải pháp để xây dựng quan hệ mới với nước Pháp và tránh một cuộc chiến tranh. Tiếc thay, tiếng nói ấy đã không được lắng nghe. Thay vào đó, đã xảy ra vụ ném bom Hải Phòng và mọi người đều biết điều gì đã xảy ra sau đó. Cuộc chiến mang tính lịch sử cũng bởi vì đội quân hùng mạnh và hiện đại nhất thế giới đã buộc phải từ bỏ ý định chiến thắng dân tộc Việt Nam.

Nhân chứng quốc tế nhận định: Chiến thắng 30/4 là thành quả của sự hội tụ toàn diện
Bà Hélène Luc tại chương trình Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức ngày 13/1/2023. (Ảnh: Thu Hà)

Bà Hélène Luc kể đã tham gia lễ kỷ niệm 3 năm thống nhất đất nước vào ngày 2/9/1978 tại Hà Nội, cùng phái đoàn từ Choisy-le-Roi, nơi từng đón tiếp phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris từ năm 1968-1973. Phái đoàn Choisy-le-Roi đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị Đại tướng ôm hôn một số thành viên trong đoàn và nói rằng: “Chúng tôi giành chiến thắng vì quân đội Mỹ không có được những người đàn ông và phụ nữ đầy nhiệt huyết như chúng tôi!”.

Ông Viktor Petrov, thành viên Quỹ Hòa bình Soviet và Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, kể lại những ngày tháng sát cánh cùng phái đoàn Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris. Vốn có chuyên môn về quan hệ quốc tế và trình độ tiếng Pháp tốt, ông được giao phụ trách vấn đề liên quan đến Việt Nam tại Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam vào những năm 1972-1973 khi cuộc đàm phán hòa bình bước vào giai đoạn nước rút đầy cam go. Ủy ban chuyên chịu trách nhiệm giúp đỡ các đoàn đại biểu từ miền Nam Việt Nam, còn các đoàn miền Bắc do Hội hữu nghị Xô-Việt khi đó do phi công vũ trụ Gherman Titov làm Chủ tịch, chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2/3/1973. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát)
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2/3/1973. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)

Qua công việc trực tiếp với các đoàn đại biểu Việt Nam, ông Petrov chứng kiến giai đoạn cuối của đàm phán, khi hai bên đấu trí từng giây phút để bảo vệ quan điểm của mình và thúc đẩy quan điểm đó đến đích. Mỹ và phương Tây không muốn thất bại ở miền Nam, không muốn hai miền Việt Nam thống nhất sau Hiệp định Paris. Ông Petrov cho rằng đàm phán khi đối phương vô cùng lo sợ và ý thức được thất bại là bối cảnh vô cùng khó khăn đối với Việt Nam.

Ông Petrov đặc biệt ấn tượng với bà Nguyễn Thị Bình, nữ trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ngay trong thời gian quá cảnh tại Moscow để bay tới địa điểm diễn ra các cuộc họp ở nước khác, bà Nguyễn Thị Bình cũng luôn có những cuộc gặp gỡ, vận động với các lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo chính quyền, các chính khách, các đoàn đại biểu nước ngoài để tranh thủ mọi sự ủng hộ cho Việt Nam, mở rộng sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam.

Ông Viktor Petrov trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân
Ông Viktor Petrov trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Ông kể với phóng viên báo Nhân Dân: "Tinh thần ủng hộ Việt Nam biến thành tình đoàn kết lan rộng trong khắp đất nước chúng tôi". Trong suốt những năm diễn ra Chiến tranh Việt Nam, Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam và Quỹ Hòa bình Liên Xô thường xuyên nhận được nhiều khoản đóng góp từ những người về hưu cho đến các em học sinh, cũng như từ các nhà máy đến các xí nghiệp lớn, đặc biệt là nhà máy mang tên Likhacheva. Công nhân của hầu hết tất cả các xí nghiệp và nhà máy lớn của Liên Xô với lượng công nhân lên tới hàng trăm nghìn người, đều đã dành một ngày lương để đóng góp vào Quỹ Ủng hộ Việt Nam. Khẩu hiệu “Chúng tôi bên cạnh các bạn, nước Việt Nam anh em” đã trở thành động lực trong tinh thần toàn thể nhân dân Liên Xô vào thời điểm đó.

Theo ông Petrov, nhân dân Liên Xô - những người chịu nhiều tổn thất và mất mát trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - hiểu rõ những khó khăn và hy sinh khi cuộc chiến diễn ra ở Việt Nam. Họ cảm nhận bằng cả trái tim mình mục tiêu đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ. “Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, đạo đức và chính trị to lớn của nhân dân Liên Xô liên quan đến các sự kiện ở Việt Nam”, ông nói.

Điều thấm thía nhất đối với ông là sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến, là cách mọi người dân Việt Nam tập hợp cho mình sức mạnh để đi đến đích. Một người bạn thân của ông Petrov, cựu chuyên gia bệ phóng tên lửa nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Soviet đã công tác ở Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik, kể lại rằng người Việt Nam rất sáng dạ, những điều mà pháo thủ Liên Xô phải học mất 6 tháng thì chiến sỹ Việt Nam chỉ mất 3 tháng để thành thạo, để tự chủ không cần đến chuyên gia giúp đỡ nữa. Đó là vì họ được thúc đẩy bằng mục tiêu một Việt Nam thống nhất, Nam Bắc về chung một nhà, gia đình được đoàn tụ, quê hương được thanh bình.

Theo ông Petrov, trong cuộc chiến vì độc lập, tự do Việt Nam đã tập hợp được tất cả sức mạnh cần thiết cho chiến thắng: sự lãnh đạo tài tình của Đảng, thiên tài của lãnh tụ, chiến lược ngoại giao khôn khéo, những nhà đàm phán tài ba, đoàn kết toàn dân, quân đội giỏi và sự ủng hộ của quốc tế. Và những đổi thay không thể nhận ra của đất nước cho đến nay hoàn toàn hợp lý khi nhân dân Việt Nam đã biết tạo ra sức mạnh như vậy.

50 năm thống nhất đất nước: Hélène Luc với tình yêu dành cho 50 năm thống nhất đất nước: Hélène Luc với tình yêu dành cho "Tổ quốc thứ hai"
Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam

Minh Thái (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhan-chung-quoc-te-nhan-dinh-chien-thang-304-la-thanh-qua-cua-su-hoi-tu-toan-dien-212931.html

In bài viết