10:34 | 22/04/2025
Ngày 21/4, hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) dự kiến sẽ giao lô chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến Ascend 910C cho khách hàng trong nước từ tháng 5 tới. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực thay thế chip H20 của Nvidia - vốn đang bị Mỹ siết chặt xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ascend 910C là bản nâng cấp của 910B, kết hợp hai bộ xử lý thành một thông qua kỹ thuật tích hợp tiên tiến, cho hiệu suất tương đương chip H100 của Nvidia, với sức mạnh tính toán và dung lượng bộ nhớ gấp đôi. Dù chưa tạo đột phá công nghệ nhưng sản phẩm được đánh giá là có cải tiến về mặt kiến trúc và có khả năng hỗ trợ nâng cao cho các khối lượng công việc AI đa dạng.
Ông Paul Triolo, chuyên gia tại công ty tư vấn Albright Stonebridge Group, nhận định lệnh hạn chế xuất khẩu dòng chip H20 của Bộ Thương mại Mỹ đang tạo cơ hội để Huawei trở thành nhà cung cấp bộ phận xử lý đồ họa (GPU) hàng đầu tại Trung Quốc. Bên cạnh Huawei, các công ty nội địa như Moore Threads hay Iluvatar CoreX cũng đang gia tăng năng lực cạnh tranh.
![]() |
Huawei đang nỗ lực thay thế chip H20 của Nvidia bằng chip tiên tiến Ascend 910C. (Ảnh: Huawei Central) |
Không chỉ công nghệ, ngành năng lượng Trung Quốc cũng đang có bước đi chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Cũng trong ngày 21/4, Reuters đưa tin Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký hợp đồng mua 500.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)/năm trong 5 năm với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE, bắt đầu từ năm 2026. Đây là hợp đồng LNG thứ ba ADNOC ký với các đối tác Trung Quốc trong một tuần qua, giữa lúc LNG từ Mỹ đang bị Trung Quốc áp thuế cao. Trong tháng 3/2025, Trung Quốc không nhập khẩu bất kỳ lô LNG nào từ Mỹ, theo dữ liệu từ Kpler và LSEG.
Giáo sư Kinh tế Lawrence Lau tại Đại học Trung Quốc Hong Kong (CUHK) nhận định trên trang China-US Focus rằng, tác động tiêu cực trực tiếp từ thuế quan có thể khiến GDP Trung Quốc giảm 1,2% trong năm 2025. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn lại cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần giảm phụ thuộc vào xuất xuất khẩu, đặc biệt là với Mỹ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc chỉ còn chiếm 19,2% GDP trong quý I/2025, so với 35,5% năm 2006. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong GDP của Trung Quốc cũng giảm từ mức đỉnh 7,5% năm 2006 xuống còn 2,9% vào năm 2024. Trong khi đó, hàm lượng giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ ngày càng tăng, đạt 0,71 vào năm 2023 so với 0,56 vào năm 2010.
Đáng chú ý, Mỹ gần đây đã miễn trừ thuế quan cho một số mặt hàng điện tử quan trọng như điện thoại di động, máy tính xách tay và chất bán dẫn (ước tính khoảng 100 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu), giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy vậy, tính bền vững của biện pháp này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2025 và mức trung bình tăng trưởng của các địa phương là 5,26%. Trước thách thức từ chính sách thuế quan và môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động, các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế nội địa, qua đó có thể đóng góp khoảng 0,5% vào tăng trưởng GDP. Với kịch bản này, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 4,5% trong năm 2025 - một con số tương đối tích cực trong bối cảnh bất ổn hiện nay.
Thực tế cho thấy, với quy mô nền kinh tế lớn và chuỗi cung ứng nội địa tương đối hoàn chỉnh, Trung Quốc có khả năng chống chịu tốt trước những cú sốc bên ngoài. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, đồng thời đẩy mạnh các sáng kiến tự chủ công nghệ và thay thế nhập khẩu, tiểu biểu như những nỗ lực của DeepSeek và Huawei. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ là những công cụ quan trọng để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu và tận dụng tối đa năng lực sản xuất dư thừa.
Về dài hạn, dù sự "tách rời" kinh tế ở một mức độ nhất định là khó tránh khỏi và có thể gây ra những tổn thất nhất định cho cả hai bên, nhưng nó cũng có thể mở ra một kỷ nguyên mới với sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới trước các biến động địa chính trị, dịch bệnh hay thiên tai, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Dù mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến thuế quan vẫn còn là một ẩn số, và có thể liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác ngoài thương mại, Trung Quốc có lẽ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu kiên định theo đuổi các chính sách kinh tế độc lập của mình. Tự lực cánh sinh và đổi mới sáng tạo nên là kim chỉ nam, nhưng không đồng nghĩa với việc khép cửa với thế giới. Duy trì sự cởi mở trong kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ vẫn là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững.
Giáo sư Lau lưu ý, dù khó có thể kỳ vọng cuộc chiến thuế quan giữa các cường quốc sẽ sớm kết thúc, nhưng khả năng leo thang thành xung đột quân sự trực tiếp vẫn ở mức rất thấp. Lịch sử từng cho thấy, ngay cả trong những giai đoạn đối đầu căng thẳng, các cường quốc vẫn có thể tránh được chiến tranh nóng. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, dù đang trải qua những thử thách, vẫn là yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định.
Phan Anh (tổng hợp)