Tin tức quốc tế sáng 18/4: Tổng thống Trump lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc

08:31 | 18/04/2025

Tổng thống Donald Trump lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc; Mỹ và Ukraine ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản; Nhật Bản thặng dư thương mại 63 tỷ USD với Mỹ giữa lúc căng thẳng thuế quan… là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 18/4.
ASEAN và bài toán thuế quan Mỹ: Ứng phó linh hoạt trong thế trận toàn cầu
Biên giới và thuế quan - Niềm tự hào của tổng thống Donald Trump trong 100 ngày đầu cầm quyền

Ông Trump lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Ngày 18/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, dù không đưa ra chi tiết cụ thể hay kế hoạch đàm phán rõ ràng.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/4/2025. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/4/2025. (Ảnh: Reuters)

"Ồ, chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu có gọi điện cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận rất tốt với Trung Quốc".

Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây "áp lực cực độ" lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất về việc ai sẽ là bên bắt đầu các cuộc đàm phán đó.

Trong khi ông Trump tạm thời nới lỏng mức thuế quan cao với hàng chục đối tác thương mại, mức thuế mới áp với hàng hóa Trung Quốc vẫn giữ nguyên, nâng tổng mức thuế lên 145%.

Mỹ và Ukraine ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản

Ngày 18/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 17/4, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết Kiev và Washington đã ký một biên bản ghi nhớ như một bước đầu tiên hướng tới việc ký kết một thỏa thuận về phát triển tài nguyên khoáng sản tại Ukraine, một thỏa thuận được thúc đẩy bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Chúng tôi vui mừng thông báo về việc ký kết bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ, mở đường cho Hiệp định đối tác kinh tế và thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Ukraine", bà Yulia Svyrydenko viết trên mạng xã hội.

Vào cuối tuần trước, một phái đoàn Ukraine đã đến Washington để tiến hành các cuộc đàm phán sau khi chính quyền Tổng thống Trump đề xuất một thỏa thuận mới được nhận định là quy mô mở rộng hơn. Thỏa thuận khung ban đầu từng được cả Mỹ và Ukraine thống nhất nhưng chưa từng bao giờ được hai bên ký kết.

Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết: "Chúng tôi có một thỏa thuận về khoáng sản, tôi đoán là sẽ được ký vào thứ Năm (24/4)".

Thời gian qua, Tổng thống Trump đã thúc đẩy một thỏa thuận cho phép Mỹ được tiếp cận ưu tiên với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quan trọng của Ukraine như một sự "đền đáp" cho nguồn viện trợ quân sự mà Washington đã cung cấp cho Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.

Ông Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, gợi ý khả năng sa thải

Ngày 18/4, AP (Mỹ) đưa tin: Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất và tuyên bố: “Nếu tôi muốn ông ta ra đi, ông ta sẽ ra khỏi đó rất nhanh, tin tôi đi", dù việc này có thể dẫn đến tranh cãi pháp lý về tính độc lập của Fed.

Trước đó, ông Trump đăng trên mạng xã hội rằng "Việc sa thải Powell không thể diễn ra đủ nhanh. Quá trễ, đáng lẽ phải hạ lãi suất giống như ECB từ lâu rồi, lẽ ra ông ấy phải hạ ngay bây giờ".

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/11/2017. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Nhà Trắng ngày 2/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Powell, người được ông Trump bổ nhiệm năm 2017 và được Tổng thống Biden tái bổ nhiệm vào 2022, tuyên bố Fed "không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị" và chỉ có thể bị bãi nhiệm với lý do chính đáng. Ông cũng cảnh báo các mức thuế quan mới của Trump - bao gồm 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu và 145% với hàng Trung Quốc - có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Dù lạm phát đã giảm từ đỉnh 9,1% năm 2022 xuống còn 2,4% tháng trước, Fed vẫn giữ lãi suất ổn định để theo dõi tác động của chính sách thuế mới. Ông Trump cho rằng lạm phát "về cơ bản không còn" và đổ lỗi cho Powell vì duy trì lãi suất cao, khiến chi phí vay mượn tăng. Trong khi đó, các chuyên gia Phố Wall cảnh báo chính sách của Trump có thể dẫn đến suy thoái và tăng gánh nặng lạm phát lên người tiêu dùng Mỹ.

Một nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy thuế quan có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại khoảng 4.900 USD do chi phí tăng. Dù vậy, trong chiến dịch tranh cử 2024, Trump vẫn tuyên bố sẽ cho phép Powell tại vị đến hết nhiệm kỳ 2026.

Ông Trump tuyên bố có thể hoàn tất đàm phán thương mại trong vòng một tháng

Ngày 18/4, AP (Mỹ) đưa tin: Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại liên quan đến thuế quan "trong ba hoặc bốn tuần tới", dù trước đó cùng ngày ông nói rằng mình "không vội" đạt được thỏa thuận.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục sau lễ ký các sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đánh bắt cá thương mại của Mỹ ở Thái Bình Dương, ông Trump cho rằng tiến trình đàm phán có thể diễn ra nhanh chóng, song cũng thừa nhận “một ngày chỉ có từng ấy giờ” nên tiến độ bị giới hạn.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang gấp rút cử phái đoàn tới Washington nhằm đối thoại sau khi Trump công bố loạt thuế quan mới.

Nhật Bản thặng dư thương mại 63 tỷ USD với Mỹ

Theo AP (Mỹ), ngày 17/4 Bộ Tài chính Nhật Bản công bố số liệu tạm thời cho thấy nước này thặng dư thương mại 9 nghìn tỷ yên (63 tỷ USD) với Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3, dù thâm hụt thương mại toàn cầu lên tới 5,2 nghìn tỷ yên (37 tỷ USD), năm thâm hụt thứ tư liên tiếp.

Thặng dư với Mỹ trở thành vấn đề nhạy cảm khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế 24% với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Sau phản ứng tiêu cực từ thị trường, ông tạm hoãn một phần thuế nhập khẩu trong 90 ngày, nhưng vẫn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%.

Nhật Bản hiện chịu mức thuế cơ bản 10%, cùng các mức thuế cao hơn (25%) đối với ô tô, linh kiện ô tô, thép và nhôm - các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Các nhà đàm phán Nhật Bản đang có mặt tại Washington để đối thoại về vấn đề này. Một số chuyên gia dự đoán Tokyo có thể nhượng bộ, chẳng hạn như tăng nhập khẩu gạo Mỹ - mặt hàng nhạy cảm trong chính sách nông nghiệp Nhật.

Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 5,9% trong năm, nhập khẩu tăng 4,7%, một phần do đồng yên yếu. Trong tháng 3, Nhật Bản ghi nhận thặng dư 544 tỷ yên (4 tỷ USD), với xuất khẩu tăng gần 4% – tháng tăng thứ sáu liên tiếp. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 3%, trong khi sang các nước châu Á tăng 5,5%.

Chuyên gia Min Joo Kang từ Ngân hàng ING nhận định: “Điều này có thể do sự chuyển hướng xuất khẩu trong khu vực để tránh xung đột thuế quan với Mỹ”.

Tổng thống Trump khẳng định chính sách thuế quan sẽ mang lại lợi ích lâu dài Tổng thống Trump khẳng định chính sách thuế quan sẽ mang lại lợi ích lâu dài
Quyết định hoãn áp thuế là “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump? Quyết định hoãn áp thuế là “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump?

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tin-tuc-quoc-te-sang-184-tong-thong-trump-lac-quan-ve-dam-phan-thuong-mai-voi-trung-quoc-212721.html

In bài viết