17:20 | 08/04/2025
Theo WHO, số liệu mới công bố cho thấy số phụ nữ tử vong trong khi mang thai hoặc sinh con ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Ước tính số ca tử vong đã giảm gần một nửa trong những thập kỷ gần đây, từ 88 phụ nữ tử vong trên 100.000 trẻ sinh vào năm 2000, xuống còn 48 ca vào năm 2023. Trẻ sơ sinh tại Việt Nam có cơ hội sống sót trong bốn tuần đầu đời cao hơn. Năm 2000, cứ 1.000 trẻ sinh sống thì có 15 trẻ tử vong; đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm một phần ba, xuống còn 10 ca tử vong.
Tiến sỹ Angela Pratt cho biết, sự tiến bộ này là nhờ hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, nhờ công tác tiêm chủng và những cải thiện về dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh. Cùng với đó là sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ, sự hướng dẫn của Bộ Y tế, chuyên môn và sự tận tâm của nhân viên y tế ở mọi cấp, sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác và sự hỗ trợ từ các đối tác.
![]() |
WHO ghi nhận nỗ lực ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa) |
Trong những năm gần đây, WHO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai các chính sách quốc gia và hướng dẫn kỹ thuật về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; đánh giá chất lượng chăm sóc và tư vấn các chiến lược cải thiện liên tục và hỗ trợ thực hiện chăm sóc thiết yếu sớm cho trẻ sơ sinh - một gói các can thiệp đơn giản, chi phí hiệu quả, giúp cứu sống nhiều trẻ sơ sinh.
“Mang thai và sinh nở đáng lẽ phải là khoảng thời gian của niềm vui, nhưng đối với quá nhiều gia đình, đó lại là kết thúc không mong muốn. Sinh mạng của mỗi bà mẹ và mỗi trẻ sơ sinh đều quý giá. Vì vậy, chúng ta phải làm mọi thứ có thể để thu hẹp những khoảng cách còn tồn tại trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh”, Tiến sỹ Angela Pratt nói.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tử vong ở Việt Nam cao hơn so với mức chung khu vực Tây Thái Bình Dương với trung bình 35 bà mẹ tử vong trên 100.000 ca sinh. Đồng thời còn sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa phụ nữ và trẻ em sống ở khu vực thành thị và vùng sâu vùng xa - nơi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có chất lượng.
Theo Tiến sỹ Angela Pratt, để thu hẹp khoảng cách, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc có chất lượng cho tất cả bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa và khó khăn. Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng chăm sóc bằng cách hỗ trợ đào tạo liên tục và nâng cao kỹ năng cho nhân viên y tế và thiết lập các cơ chế giám sát chất lượng; đảm bảo việc tiếp cận không gián đoạn với nước sạch, vệ sinh, xà phòng, khăn lau hoặc máy sấy tay dùng một lần và vật tư làm sạch, cũng như các loại thuốc và vật tư thiết yếu…
WHO cũng khuyến cáo phụ nữ nên đi khám với chuyên gia y tế ngay khi biết mình có thai. Các buổi khám này giúp theo dõi sức khỏe của mẹ, sự phát triển của thai nhi và phát hiện các biến chứng có thể xảy ra. Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tránh rượu bia và khói thuốc thụ động, tiêm phòng theo khuyến cáo, kiểm soát mọi tình trạng sức khỏe hiện có và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có bất kỳ lo ngại nào.
![]() Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt một nền tảng mới cung cấp thuốc điều trị ung thư miễn phí cho hàng nghìn trẻ em sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu Australia và New Zealand đã phát triển một phương pháp điều trị mới cho bệnh sarcoma ở trẻ em bằng cách sử dụng các tế bào miễn dịch được thiết kế đặc biệt. |
![]() 6 quốc gia châu Âu đã kêu gọi tăng cường sự tham gia tích cực của khu vực vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khả năng Mỹ rút lui khỏi tổ chức này. |
Nguyệt Anh (t/h)