Học giả Anh: Việt Nam có lợi thế để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực

15:18 | 03/04/2025

Theo Tiến sĩ Simon Best - chuyên gia cao cấp tại Đại học Middlesex (Anh), với nền tảng xã hội năng động, lực lượng lao động trẻ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và định hướng chính sách rõ ràng như Nghị quyết 57-NQ/TW, Việt Nam có thể vươn lên trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
Bộ Khoa học và Công nghệ lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Tiến sỹ Simon Best, Đại học Middlesex (Anh). (Ảnh Hữu Tiến/TTXVN)
Tiến sỹ Simon Best, Đại học Middlesex (Anh). (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại London, Tiến sĩ Simon Best đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Việt Nam thể hiện qua Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông nhận định, đây là dấu hiệu tích cực thể hiện Việt Nam không chỉ sẵn sàng tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Best phân tích: Việt Nam có những điều kiện đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam không bị ràng buộc bởi những hệ thống truyền thống cồng kềnh, Việt Nam, nhờ đó có thể linh hoạt chọn hướng đi phù hợp và nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ.

Tiến sĩ Best nhấn mạnh rằng, so với nhiều quốc gia phát triển như Anh, Việt Nam có lợi thế về tốc độ, sự năng động và tư duy đổi mới không bị đóng khung. Điều này sẽ giúp Việt Nam không chỉ "đuổi kịp" mà còn "bứt lên" trong một số lĩnh vực công nghệ chủ chốt, nếu có chiến lược đào tạo và ứng dụng hiệu quả.

Từ góc nhìn giáo dục - nền tảng cốt lõi cho sự phát triển đổi mới sáng tạo, Tiến sĩ Best lưu ý rằng nhiều quốc gia phát triển đang gặp khó trong việc điều chỉnh hệ thống đào tạo để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Ngay tại Anh, nhiều chương trình đại học, đặc biệt trong các ngành STEM, vẫn chưa cập nhật nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo, học máy, tự động hóa - những yếu tố đang làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế toàn cầu.

Ông cho rằng Việt Nam cần tận dụng thời điểm thuận lợi hiện nay để nâng cấp toàn diện hệ thống giáo dục, tích hợp các nội dung đào tạo về công nghệ số, kỹ năng mềm, tư duy phản biện và tinh thần khởi nghiệp ngay từ bậc đại học. Đặc biệt cần thúc đẩy mô hình đào tạo liên ngành - nơi sinh viên các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác, trao đổi để biến ý tưởng thành sản phẩm có giá trị thực tiễn.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại học Middlesex, Tiến sĩ Best cho biết mô hình đào tạo đổi mới sáng tạo ở đây giúp sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và kinh doanh hợp tác phát triển các dự án khởi nghiệp, biến những ý tưởng thành sản phẩm thương mại. Một sinh viên ngành kỹ thuật từng giành được khoản tài trợ hơn 100.000 bảng Anh để hiện thực hóa sản phẩm từ chương trình này cho thấy tiềm năng lớn của mô hình đào tạo tích hợp.

Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng các mô hình tương tự và kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức các chương trình thực tập, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Quan trọng hơn, cần xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp địa phương để doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng chia sẻ công nghệ, kết nối nguồn lực và chuyển giao kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới như AI, học máy hay tự động hóa.

Tiến sĩ Best đề xuất Việt Nam tham khảo mô hình hợp tác công - tư của Liên minh châu Âu như chương trình Erasmus Plus để phát triển dự án giáo dục ứng dụng. Theo đó doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ cùng hợp tác để xây dựng các chương trình giải quyết vấn đề thực tiễn, với sự tài trợ từ nhà nước và sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra liên kết bền chặt giữa giáo dục - doanh nghiệp - thị trường.

Tiến sĩ Best đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí thức Việt Nam ở nước ngoài, coi đây là nguồn tài nguyên trí tuệ quý giá cần được kết nối và phát huy. Theo ông, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng vai trò cầu nối hiệu quả, khuyến khích kiều bào tham gia các chương trình đào tạo, cố vấn, đầu tư hoặc chuyển giao công nghệ, qua đó làm giàu thêm cho hệ sinh thái đổi mới trong nước.

Ông khẳng định việc gửi sinh viên, nghiên cứu sinh, kỹ sư và doanh nhân trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập, giao lưu quốc tế là chiến lược đầu tư lâu dài hạn hiệu quả. Họ không chỉ mang về kiến thức chuyên môn mà còn trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, khả năng tương tác đa văn hóa - những yếu tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 289/QĐ-BKHCN thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Ban Chỉ đạo).
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị Tổng Bí thư Tô Lâm: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, báo cáo Chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, góp phần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Tú Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hoc-gia-anh-viet-nam-co-loi-the-de-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-trong-khu-vuc-212133.html

In bài viết