20:51 | 26/03/2025
Hai bên thống nhất thoả thuận hợp tác phát triển, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ giao lưu văn hoá, thể thao, giáo dục, đổi mới và sáng tạo trong tương lai với các nội dung như: thiết lập chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu, biểu diễn giữa Hệ phái Nghĩa Dũng Karate-do Việt Nam với Nhật Bản; tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo về thể lực, dinh dưỡng, chăm sóc y tế thể thao; giới thiệu quảng bá các trang thiết bị thể thao giữa các bên nhằm phục vụ tốt cho môn sinh, tổ chức các hoạt động thể thao phòng trào, trại hè... Các hoạt động nhằm lan toả những nét đẹp văn hoá của hai nước, đồng thời thúc đẩy và củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
![]() |
Lễ ký kết hợp tác giữa Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) và Hệ phái Nghĩa Dũng Karate-do Việt Nam. |
Phát biểu tại buổi lễ, Sư trưởng hệ phái Nghĩa Dũng Karate-do Việt Nam, ông Nguyễn Dũng Chinh cho biết: "Hệ phái Nghĩa Dũng karate-do hiện đang có tổng 64 phân đường, bao gồm 53 phân đường trong nước Việt Nam và 11 phân đường tại nước ngoài với hàng nghìn môn sinh đang theo học. Mặc dù hệ phái Nghĩa Dũng Karate-do Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản nhưng khác với các hệ phái Karate-do truyền thống, Nghĩa Dũng Karate-do theo khuynh hướng duy trì truyền thống, kết hợp tinh hoa của Karate quốc tế hiện đại. Coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khoẻ và tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Tuy chương trình đào tạo có nội dung thi đấu nhưng không vì mục đích tranh giành huy chương mà coi thi đấu là phương thức để giao lưu, học hỏi...".
![]() |
Hai bên đã đi đến thống nhất thoả thuận hợp tác phát triển, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ giao lưu văn hoá, thể thao, giáo dục, đổi mới và sáng tạo trong tương lai. |
Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch FAVIJA cho hay: "Tôi rất bất ngờ khi thấy số lượng học viên tham gia các CLB Nghĩa Dũng Karate-do tại Nhật Bản ngày càng đông. Trong đó, không chỉ có kiều bào Việt Nam ta đang sinh sống tại Nhật mà còn có cả người Nhật ở các thế hệ khác nhau. Thành phần tham gia cũng rất phong phú. Có cả các trẻ em thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt tại Nhật. Việc tham gia sinh hoạt tại các CLB này không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khoẻ mà còn trở thành một địa điểm giao lưu, học hỏi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Các em nhỏ được học và giao tiếp với nhau bằng Tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Các học viên giống như đang sinh hoạt chung trong một ngôi trường mà cũng như chung một mái nhà vậy!"
Phạm Lý