Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

10:50 | 14/03/2025

Chiều ngày 13/2/2025 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại, đánh dấu bước đi mới nhất trong chính sách thương mại nhằm "tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia" của Mỹ.
Trump đón Thủ tướng Nhật tại Nhà Trắng: Cân bằng thương mại và tăng cường hợp tác
Tổng thống Trump thu hồi quyền miễn trừ an ninh và tiếp cận thông tin mật của ông Biden

Đối với Ấn Độ, cuộc gặp này mang tính sống còn để tránh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách thuế quan mới. Dù có mối quan hệ thân thiết với ông Modi trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tuyên bố áp thuế quan 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, gây tác động lớn tới Ấn Độ - quốc gia mà ông Trump từng gọi là "vua thuế quan".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 13/2. (Nguồn: X/@Narendra Modi)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 13/2. (Nguồn: X/@Narendra Modi)

Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp, Thủ tướng Modi đã áp dụng chiến lược ngoại giao thực dụng. Theo tiết lộ từ một quan chức Ấn Độ với Reuters, New Delhi đã chuẩn bị kỹ lưỡng những cam kết được mô tả như "món quà" dành cho ông Trump. Tại cuộc gặp, ông Modi khéo léo bày tỏ: "Tôi vô cùng trân trọng và học được từ Tổng thống Trump việc ông ấy luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Cũng giống ông ấy, tôi cũng luôn đặt lợi ích quốc gia của Ấn Độ lên trên hết."

Trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo đã công bố nhiều thỏa thuận quan trọng. Đáng chú ý nhất là cam kết của Ấn Độ về việc tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Mỹ. "Họ sẽ mua rất nhiều dầu mỏ và khí đốt của chúng tôi," ông Trump tuyên bố. "Chúng tôi sẽ mở ra một số thỏa thuận thương mại tuyệt vời cho Ấn Độ và Mỹ."

Mỹ cũng sẽ tăng cường bán vũ khí cho Ấn Độ từ năm 2025, trong đó có tiêm kích F-35. Hai bên thống nhất hợp tác tạo ra "một trong những tuyến thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử", kéo dài từ "Ấn Độ đến Israel, Italy và Mỹ", bao gồm cảng biển, đường sắt và cáp ngầm.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, thương mại song phương Ấn Độ-Mỹ đạt 118,2 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2024. Là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, Mỹ là một trong số ít đối tác mà nước này có thặng dư thương mại, với mức 36,8 tỷ USD trong năm ngoái. Hàng hóa Mỹ mà Ấn Độ nhập khẩu nhiều nhất gồm khoáng sản và dầu mỏ với kim ngạch 1,18 tỷ USD, theo sau là lò phản ứng hạt nhân và nồi hơi với 330 triệu USD.

Với thỏa thuận mới, hai nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030 - con số đầy tham vọng nhưng phản ánh tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế.

Ngoài thương mại và quốc phòng, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao. Thủ tướng Modi chia sẻ trên mạng xã hội X về cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz: "Có tiềm năng hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực như AI, chất bán dẫn, không gian và nhiều lĩnh vực khác."

Về năng lượng, Modi nhấn mạnh: "Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ấn Độ, chúng tôi sẽ tập trung vào thương mại dầu khí. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng cũng sẽ tăng lên trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân."

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến vấn đề nhập cư. Ấn Độ sẵn sàng tiếp nhận lại công dân cư trú bất hợp pháp ở Mỹ, nhưng Modi cũng lưu ý rằng nhiều người đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Để phục vụ tốt hơn cộng đồng người Ấn tại Mỹ, Modi thông báo kế hoạch mở lãnh sự quán mới tại Los Angeles và Boston.

Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã có quan hệ thân thiết với ông Modi và nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi thăm Ấn Độ năm 2020. Chiến lược "nối lại tình thân" của ông Modi đã mang lại kết quả tích cực, giúp Ấn Độ tránh những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Cuộc gặp đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. Thông qua ngoại giao khôn khéo và các cam kết cụ thể, Ấn Độ đã thành công bảo vệ lợi ích kinh tế trước chính sách thuế quan của Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới trong thương mại, quốc phòng, năng lượng và công nghệ cao.

Trump áp thuế quan Trump áp thuế quan "mạnh tay" với Trung Quốc, Canada và Mexico
Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế quan đối với Canada và Mexico Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế quan đối với Canada và Mexico

Ngọc Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tong-thong-my-donald-trump-tiep-don-thu-tuong-an-do-narendra-modi-211288.html

In bài viết