10:24 | 26/01/2025
Thưởng Tết tăng 13%
Theo báo cáo nhanh ngày 23/1 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương bình quân năm 2024 của người lao động trong toàn quốc ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023, trong đó: công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Về tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% mức thưởng dịp so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
![]() |
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng quà cho người lao động (Ảnh: H.N). |
Được biết từ cuối năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu, công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình trả lương, trả thưởng cho công nhân, người lao động.
Cụ thể, các cơ quan đơn vị được yêu cầu công khai phương án trả lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày. Trên cơ sở đó, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành đã chủ động ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, yêu cầu các công đoàn cơ sở giám sát, đề nghị chủ sử dụng lao động công khai phương án lương, thưởng Tết trước kỳ nghỉ Tết, ít nhất 30 ngày.
Nhiều công đoàn cơ sở đề nghị người sử dụng lao động thông tin sớm và đầy đủ để người lao động biết rõ về kế hoạch, thời điểm trả lương, nâng lương, trả thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, như: Tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn Tết...); đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động.
Xây dựng kế hoạch chăm lo Tết
Ngay từ đầu quý 4/2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo tết tới đoàn viên và người lao động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để đảm bảo tính tổng thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho ĐV, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” và nhiều văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai các hoạt động, trong đó tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như; tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng”; Chương trình “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025”; Chương trình “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025”; tham gia tích cực Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến do Tổng Liên đoàn tổ chức qua trang Website: chotet.congdoan.vn.
Bên cạnh đó, đồng hành với Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động tham mưu với cấp uỷ, chuyên môn đồng cấp thực hiện các biện pháp ổn định tình hình quan hệ lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động tại địa phương, đơn vị; chỉ đạo các cấp công đoàn bố trí nguồn lực, tổ chức có hiệu quả, thiết thực các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV, NLĐ; thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động vào dịp Tết.
Giảm tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước Tết Nguyên đán 2025 (số liệu tính tháng 12/2024 và tháng 01/2025), cả nước xảy ra 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh, thành phố, giảm 8 cuộc so với dịp trước Tết Nguyên đán năm 2024, xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI (Trung Quốc, Hàn Quốc 6/7 cuộc). Các cuộc ngừng việc tập thể giảm cả về tính chất và quy mô. Ngay khi xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn cấp huyện, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Ban quản lý khu công nghiệp, các cơ quan chức năng cấp huyện trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết. Đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua quá trình đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động, tập thể người lao động với sự hỗ trợ, hướng dẫn, chứng kiến của các cơ quan chức năng, hầu hết các yêu cầu của người lao động đã được người sử dụng lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần, sau đó tập thể người lao động đã trở lại làm việc bình thường. |
Phan Minh