13:03 | 16/02/2025
Buổi lễ có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành. Đặc biệt, sự kiện còn có sự góp mặt của ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới, các thị trưởng từ Cộng hòa Uzbekistan, cùng đông đảo nghệ nhân, doanh nghiệp và du khách.
![]() |
Chương trình nghệ thuật chào mừng (Ảnh: T.L). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh tầm quan trọng của các làng nghề trong nền văn hóa Hà Nội. Ông khẳng định, Hà Nội không chỉ là trung tâm văn hóa lớn của cả nước mà còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống có giá trị lịch sử lâu đời. Nhờ sự khéo léo của các nghệ nhân, những sản phẩm thủ công tinh xảo đã góp phần đưa nghề truyền thống vươn xa trên thị trường quốc tế.
Nhận thức được tiềm năng này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công. Thành phố cũng đã có quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn 2030, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm hơn 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Trong đó, làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là biểu tượng của nghề thủ công Việt Nam mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa. Với sự công nhận này, hai làng nghề đã chính thức gia nhập mạng lưới 68 làng nghề thuộc 28 quốc gia trên thế giới.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới trao chứng nhận làng nghề "Gồm sứ Bát Tràng" và "Dệt lụa Vạn Phúc" là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo Thế giới (Ảnh: T.L). |
Phát biểu tại sự kiện, ông Saad al-Qaddumi đánh giá cao nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề thủ công của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, sản phẩm của Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là kết tinh từ nghề nghiệp của người lao động mà còn là biểu tượng của văn hóa và sáng tạo. Trong hơn 40 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào việc khôi phục các ngành nghề truyền thống, tạo cơ hội phát triển cho các nghệ nhân, đặc biệt trong đó là phụ nữ.
Việc hai làng nghề được vinh danh là minh chứng rõ ràng cho sự bền bỉ của cộng đồng làng nghề. Ông Saad al-Qaddumi cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc quảng bá nghề thủ công ra thế giới. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ, nghệ nhân và doanh nghiệp để xây dựng một cộng đồng thủ công toàn cầu bền vững.
Nhân dịp này, thành phố Hà Nội cũng tổ chức sự kiện trưng bày, trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ với nhiều không gian đặc sắc như khu vực giới thiệu lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, gian hàng của các nghệ nhân quốc tế, không gian văn hóa trà và ẩm thực. Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, nhiều chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới cũng được tổ chức. Sự kiện kéo dài từ ngày 14-16/2.
Sự kiện “Gốm sứ Bát Tràng” và “Dệt lụa Vạn Phúc” chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo Thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn khẳng định vị thế của làng nghề Việt Nam trên bản đồ thủ công quốc tế. Đây cũng là động lực để Hà Nội tiếp tục phát triển và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến một tương lai bền vững cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Phan Minh