Số hóa “lời đất mẹ” để giảng dạy

06:36 | 30/01/2025

Tổ chức lớp trực tuyến, xây dựng ứng dụng học tiếng Việt, sản xuất video ngắn trên YouTube, TikTok, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI)... là những sáng kiến đang "ươm mầm" và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Những “sứ giả” của Việt Nam ở New Caledonia
Ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt ở xứ sở kim chi

Nhiều cách dạy

"Thưa ông, con đi học", "Thưa ba, nay ba có đi làm không?", "Con nhớ ông bà nhiều lắm!"... Đó là những câu giao tiếp đơn giản nhưng đậm chất Việt, thể hiện sự lễ phép và giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là cách mà ứng dụng ABC Tiếng Việt trên điện thoại hướng dẫn trẻ em kiều bào học nói tiếng mẹ đẻ.

Ứng dụng này do anh Nguyễn Anh Kiệt, CEO Công ty Kan-tek có trụ sở tại Hoa Kỳ, phát triển. Là người Việt xa xứ, anh mong muốn các con của mình không chỉ biết nói mà còn hiểu và tự hào về văn hóa Việt. Từng phải bỏ ra gần 200 USD mỗi tháng cho con tham gia lớp học tiếng Việt ngắn hạn trước khi về thăm quê hương, anh nhận thấy cần có một giải pháp tối ưu hơn cho việc học.

ứng dụng ABC Tiếng Việt dành cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: KT)
Ứng dụng ABC Tiếng Việt dành cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: KT)

Sau hơn một năm nghiên cứu, phát triển cùng nhóm kỹ sư phần mềm tại New Jersey, ABC Tiếng Việt được cấp phép lưu hành ở Hoa Kỳ, mang sứ mệnh kết nối ngôn ngữ và văn hóa Việt. Ứng dụng cung cấp các bài học giao tiếp đơn giản, kết hợp tính năng phát âm, ghi âm và điều chỉnh giọng nói, đồng thời lồng ghép các giá trị văn hóa, phong tục đặc trưng.

“Chúng tôi lồng ghép các từ ngữ lễ nghi như "dạ", "thưa", "vâng ạ" vào các bài học để trẻ không chỉ học tiếng mà còn hiểu và trân trọng văn hóa Việt”, anh Kiệt cho biết. Tính đến cuối năm 2024, ứng dụng đã ghi nhận hơn 10.000 lượt tải xuống trên nền tảng Google Play.

Tại Nhật Bản, cô Phạm Phi Hải Yến, giáo viên tại Trường cao đẳng tổng hợp về trẻ em thành phố Kobe (tỉnh Hyogo) mở lớp học trực tuyến “Líu lo tiếng Việt” từ năm 2021. Cô chia học sinh thành nhóm theo trình độ và kết hợp dạy ngôn ngữ với các bài học văn hóa, lịch sử để tạo hứng thú cho học sinh.

Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Với hệ thống khóa học tiên tiến, từ bậc sơ cấp đến trung cấp, kênh này đã giúp kiều bào ở gần 20 quốc gia tiếp cận tiếng Việt một cách bài bản. Giáo trình được thiết kế theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc, đi kèm với video và mô hình học tương tác, giúp người học duy trì kết nối với văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, các nền tảng như Duolingo, Monkey Junior… cũng góp phần mở rộng cơ hội học tập. Đặc biệt, phương pháp “trò chơi hóa” của Duolingo tạo ra sự hấp dẫn, giữ chân người học.

Dùng mạng xã hội và AI

Annie, một cô gái gốc Việt sống tại Úc, với kênh YouTube “Learn Vietnamese With Annie” (tạm dịch: Học tiếng Việt cùng Annie) thu hút gần 40.000 người đăng ký. Những bài học giao tiếp gắn với tình huống thực tế của cô không chỉ giúp giới trẻ gốc Việt tiếp cận ngôn ngữ mẹ đẻ dễ dàng hơn mà còn thu hút cả người nước ngoài yêu thích văn hóa Việt.

Số hóa “lời đất mẹ” để giảng dạy
Kênh TikTok "Điệu hổ Li Sơn" của hai vợ chồng Liliya và Bùi Sơn thu hút hơn 330.000 lượt thích. (Ảnh chụp màn hình: Phan Anh)

Liliya Kholodova mang hai dòng máu Nga - Việt. Với tình yêu dành cho văn hóa Việt Nam, cô “khởi nghiệp” dạy tiếng Việt cho chồng mình - anh Bùi Sơn - một người gốc Việt ở Nga. Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn với ngữ pháp và phát âm tiếng Việt, nhưng nhờ sự kiên nhẫn của vợ, anh Sơn không chỉ cải thiện khả năng giao tiếp mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng qua kênh TikTok “Điệu hổ Li Sơn”. Kênh này có hơn 330.000 lượt thích và 8.000 người theo dõi, lan tỏa tình yêu tiếng Việt qua những video hài hước và gần gũi.

Sự xuất hiện của AI cũng đang mở ra những bước tiến mới trong việc giảng dạy tiếng Việt. Các chatbot hỗ trợ học ngôn ngữ, phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói hay lớp học thực tế ảo giúp người học không chỉ tiếp cận tiếng Việt mà còn trải nghiệm các di sản văn hóa ngay trên màn hình.

Việc bảo tồn tiếng Việt qua công nghệ số vẫn gặp nhiều thách thức, từ chi phí tiếp cận, sự thiếu ổn định của internet đến môi trường sống đa văn hóa có thể làm lu mờ tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ cộng đồng người Việt trên toàn cầu, tiếng Việt sẽ tiếp tục vươn xa.

Chung tay Chung tay "ươm mầm" tiếng Việt khắp năm châu
Sinh viên Thái thi nói tiếng Việt Sinh viên Thái thi nói tiếng Việt

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/so-hoa-loi-dat-me-de-giang-day-209691.html

In bài viết