Thị trường để thủng mốc 1.250 điểm

16:08 | 06/01/2025

Sau khi gãy mất xu hướng tăng dài hạn ở phiên thứ Sáu tuần trước, thị trường còn nhận thêm sức ép trong phiên chiều nay khiến mốc 1.250 điểm không giữ được.
Chứng khoán Guotai Junan dự kiến trích 30% lợi nhuận năm 2024 để trả cổ tức
Chứng khoán KIS thay Chủ tịch trong ngày cuối cùng của năm 2024
Thị trường để thủng mốc 1.250 điểm

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần ghi nhận sự hồi phục khá mạnh mẽ của các chỉ số KOSPI (+1,91%), TWSE (+2,79%). Trong khi đó, các chỉ số NIKKEI 225 (-1,47%), NIFTY 50 (-1,31%) đóng cửa giảm điểm.

Sau một phiên giảm hơn 15 điểm, chỉ số VN-Index tiếp tục gặp áp lực bán ra. Chỉ số đã cầm cự quanh tham chiếu cho đến trước 14h và ghi nhận sự tháo chạy của nhà đầu tư trong những phút cuối.

Chất xúc tác

Mặc dù chỉ số DXY đã rời khỏi mốc 109 điểm nhưng lo ngại về sức ép lên tỷ giá vẫn khó có thể nguội đi. Giá bán USD trên thị trường tự do hiện đang neo ở 25.800 VND/USD.

Thị trường để thủng mốc 1.250 điểm

Khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ.

Tuy nhiên, sau 3 phiên bán ròng, khối ngoại lại trở lại mua ròng hơn 110 tỷ đồng trên HOSE với các mã STB (+83,4 tỷ đồng), VTP (+48 tỷ đồng) được ưu tiên giải ngân.

Thanh khoản của HOSE đã được tăng cường khi thị trường ghi nhận sức ép bán ra của nhà đầu tư. Quy mô khớp lệnh của HOSE đạt 515,11 triệu đơn vị, qua đó có phiên thứ 2 liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên.

Được biết trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 4.956,21 tỷ đồng ra thị trường bằng kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 73.986,12 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 53.920 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần ở mức 3,91% và 4,33%.

Vận động thị trường

Ngoài yếu tố tỷ giá, thị trường còn đón thông tin GDP Việt Nam tăng trưởng 7,09% trong năm 2024. Tuy nhiên, phản ứng là không rõ ràng, thị trường đã giao dịch cầm chừng trong cả phiên sáng và cho đến trước 13h30 của phiên chiều.

Sau đó, các cổ phiếu lớn trong khoảng 14h đã gia tăng sức ép lên thị trường chung. Chốt phiên, VN30 có 17/30 mã giảm, trong đó MSN (-3,6%), GVR (-3%), MWG (-2,7%), BVH (-2,5%), SAB (-2,5%), HPG (-2,1%), POW (-2,1%) giảm trên 2%.

Những vận động này đã dẫn đến những áp lực của nhóm cổ phiếu Midcap và Penny trong giai đoạn cuối phiên. Một loạt các các cổ phiếu giảm sàn như YEG, CSM, NHA, GIL, PAC, DC4 do nhà đầu tư muốn hạ tỷ trọng một cách quyết liệt.

Nhóm Chứng khoán ghi nhận VND (-3,2%) rơi xuống đáy 22 tháng trong khi VDS (-5,8%), BSI (-3,2%), FTS (-2%) cũng giảm chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhóm Bất động sản cũng có hàng loạt mã giảm trên 2% như DXG (-2%), DIG (-2,1%), DXS (-2,2%), HHS (-2,2%), DPG (-3,9%), PDR (-4,2%), NTL (-4,4%), SCR (-4,5%)…

Thị trường chỉ được vớt vát niềm tin từ vận động đỡ giá của một số cổ phiếu Bluechips như VCB (+1%), BID (+1,57%), FPT (+0,2%) hay trường hợp cá biệt của VTP (+6,93%) đóng cửa ở mức giá cao nhất thời đại.

Nhìn chung, thị trường vẫn đang nhạy cảm với các thông tin kém tích cực thay vì có sự khởi sắc trong tâm lý. Chỉ số VN-Index chốt phiên giảm 8,24 điểm xuống 1.246,45 điểm (-0,66%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 565,15 triệu đơn vị, tương đương 13.698 tỷ đồng.

Còn HNX-Index giảm 2,71 điểm xuống 222,94 điểm. Thanh khoản sàn đạt 54,67 triệu đơn vị, tương đương 1.007 tỷ đồng.

Còn UPCoM-Index giảm 0,72 điểm xuống 93,62 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 800 tỷ đồng.

Chứng khoán ACBS đã được UBCK chấp thuận cho đợt tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng Chứng khoán ACBS đã được UBCK chấp thuận cho đợt tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng
Những nhân tố nội đang khuấy động ngành Chứng khoán Những nhân tố nội đang khuấy động ngành Chứng khoán

Mai Hương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thi-truong-de-thung-moc-1250-diem-209269.html

In bài viết