Ông Phạm Như Ánh: Chất lượng dịch vụ chính là thế mạnh cạnh tranh của MB

10:03 | 17/04/2024

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, để tìm một ngành khó hơn ngành ngân hàng trong việc trụ vững, chứ chưa nói đến phát triển, thực sự là việc không dễ dàng. Vậy CEO của một ngân hàng như MB có suy nghĩ thế nào về các khía cạnh liên quan trực tiếp như chính sách điều hành, chương trình hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp…Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

-Thưa ông, nhìn chung về hoạt động tín dụng hiện nay, ông đánh giá thế nào về mức lãi suất bình quân đang được đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp?

-Tôi nghĩ hiện nay là hợp lý rồi. Vừa qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc hạ mặt bằng lãi suất thì đến nay cơ bản chúng ta đã có được lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Các ngân hàng bây giờ không cần đốc thúc cho vay nữa, vì đó là mục tiêu số 1 của ngân hàng rồi. Vấn đề còn lại là các ngân hàng hoạt động thế nào thôi.

Ông Phạm Như Ánh: Chất lượng dịch vụ chính là thế mạnh cạnh tranh của MB
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội Phạm Như Ánh.

-Có thể hiểu là vấn đề của việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng giờ đây không còn nằm ở lãi suất, thưa ông?

-Đúng vậy, hiện nay biên lợi nhuận của ngân hàng đã rất mỏng rồi, vì thế các ngân hàng cần cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ. Đây là yếu tố cốt lõi làm nên lợi thế của từng ngân hàng. Nói rộng ra thì trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có vay vốn của ngân hàng hay không phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này.

-Nói đến việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, thưa ông, gần đây rất nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng nên tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng, quan điểm của ông về việc này thế nào?

-Theo tôi thì không nên nói như vậy, trên thực tế nói như vậy là đang tạo ra một hình ảnh không tốt về các ngân hàng.

-Vì sao?

-Tất cả các ngân hàng, trong đó có MB đều đang rất nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đều cạnh tranh quyết liệt để có khách hàng, vậy sao lại phải nói là tạo điều kiện? Tạo điều kiện tốt nhất có thể cho khách hàng là việc ngân hàng đương nhiên phải làm, bởi nếu không làm thì ngân hàng sẽ lĩnh hậu quả trước tiên. Chính vì thế không nên nói là các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp! Hơn nữa, cá nhân tôi còn cho rằng nói vậy thì tạo cảm giác như doanh nghiệp là “cửa dưới”, một điều rất không nên trong khi mục tiêu của mối quan hệ này là win-win.

-Vừa qua dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau về các chương trình tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao về nội dung này?

-Nhìn lại thực tế thời gian qua, có lẽ chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại là doanh nghiệp có cần hỗ trợ tín dụng hay không? Đây là vấn đề quan trọng, cần trả lời thật chính xác, bởi nếu trả lời chính xác thì mới hiểu đúng doanh nghiệp hiện đang cần gì rồi từ đó hỗ trợ mới đúng nhu cầu. Có những ngành vấn đề không phải ở tín dụng, ví dụ như bất động sản thì vấn đề thuộc về pháp lý, nếu tháo được vướng mắc ở điểm này mọi thứ sẽ tự khai thông. Hoặc có những ngành khác thì chi phí lãi vay chỉ chiếm 1 tỷ lệ khá nhỏ trong giá thành, vì vậy theo tôi cần cân nhắc ảnh hưởng của việc hỗ trợ tín dụng với từng doanh nghiệp, từng ngành cụ thể. Hơn nữa, chúng ta hay nói hỗ trợ doanh nghiệp đi vay, nhưng theo tôi cần hỗ trợ cả doanh nghiệp không đi vay, và khi tiếp cận toàn diện như vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề trên diện rộng. Nói tóm lại, giờ đây sức khoẻ của tổng thể nền kinh tế là quan trọng, khi những vấn đề về cơ chế nói chung được xử lý ổn thoả thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển và nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng.

-Xin hỏi một câu khá tế nhị, ông nhận xét thế nào về hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước?

-Tôi thấy Ngân hàng Nhà nước làm quá tốt, chúng ta cứ nhìn vào lạm phát và các yếu tố quan trọng khác như tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) giữ lãi suất cao như vậy, thì mới thấy để có được sự ổn định như ngày hôm nay là một kết quả rất đáng ghi nhận.

-Ông có thể cho biết kết quả hoạt động của MB trong quý 1 năm này?

-Nhìn chung hoạt động của MB trong 3 tháng đầu năm là tích cực, dư nợ có tăng chút so với cuối năm 2023.

-Năm 2024 này, MB bước sang tuổi 30 và ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra những kỳ vọng rất ấn tượng. Tính khả thi của những mục tiêu này thế nào, thưa ông?

-Năm nay chúng tôi đề ra các mục tiêu cụ thể là lợi nhuận trước thuế 30.000 tỷ đồng, đạt 30 triệu khách hàng và nằm trong Top 3 chất lượng hiệu quả. Đây là những con số có cơ sở để đạt được, cho dù năm 2024 này có rất nhiều thách thức.

-Nói một cách khách quan nhất, thưa ông, là ngân hàng của quân đội thì MB có lợi thế hơn các ngân hàng khác hay không?

-Tôi cũng xin nói rất chân thành lợi thế của MB chính là có đội ngũ lãnh đạo từ ban đầu là các sỹ quan cao cấp của quân đội. Từ đây MB có được văn hoá hoạt động là thượng tôn pháp luật cùng tinh thần cống hiến. Đây là những giá trị văn hoá đặc biệt, định hướng ngân hàng đến những chuẩn mực cốt lõi và lâu dài.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2023 tổng tài sản tăng 29%, tín dụng tăng hơn 28,8%, đạt 615 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế; lợi nhuận toàn tập đoàn đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng. Năm vừa rồi MB đạt 26,5 triệu khách hàng, tăng gấp 8 lần so với năm 2017 và là ngân hàng có số lượng khách hàng lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm 2023, MB đã điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần với mức giảm từ 2% đến 4% để hỗ trợ khách hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ong-pham-nhu-anh-chat-luong-dich-vu-chinh-la-the-manh-canh-tranh-cua-mb-198953.html

In bài viết