“Trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn”.
“Nền tảng” triển khai các khâu đột phá
Đây là ý kiến của ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 14/12, dưới hình thức trực tuyến tại 10 điểm cầu trên toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2023-2028 và gợi mở một số giải pháp: “Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cần đa dạng, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với các phương thức, hình thức truyền thống, nhất là đi sâu, đi sát, cùng làm việc, sinh hoạt, chia sẻ, vận động đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động”.
 |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân phát biểu tại Tọa đàm. |
“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023-2028” tiếp tục được xác định là một chuyên đề quan trọng để triển khai các khâu đột phá của nhiệm kỳ”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh.
Tại cuộc toạ đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đã đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, với kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, khoa học tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề đặt ra với công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị các đại biểu quan tâm và đóng góp ý cho Dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”, trọng tâm vào mục tiêu tổng quát và 4 nhóm chỉ tiêu, nội dung truyền thông và các nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Không để “trống” trên truyền thông internet
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, cuộc toạ đàm do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức về chiến lược truyền thông ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là kịp thời và cần thiết.
Bởi trong bối cảnh mạng xã hội và thông tin bùng nổ hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, tiếp cận, truyền tải thông tin, cũng như tiếp cận thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hơn 11 triệu đoàn viên.
Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý Công đoàn Việt Nam cần tránh để “trống” trên mặt trận truyền thông internet. Bởi truyền thông trên internet là một trong những mặt trận chính nhằm thu hút, tập hợp được đoàn viên, người lao động.
Còn theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam - công tác truyền thông Công đoàn cần chú trọng tới sự tương tác với người lao động. Tổ chức Công đoàn cần đầu tư xây dựng ứng dụng để thông tin tuyên truyền đến người lao động, giúp người lao động có điều kiện tiếp cận thông tin ở các thời gian, địa điểm khác nhau.
Đồng tình với qua điểm trên, ông Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School, cho rằng: Công đoàn Việt Nam cần ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông. Bên cạnh đó cần quan tâm đào tạo, tập huấn nghiệp vụ truyền thông Công đoàn cho cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở; lồng ghép nội dung cần tuyên truyền với những nội dung mà người lao động quan tâm.
Còn theo PGS.TS Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - gợi ý: Công đoàn Việt Nam cần xác định đối tượng, nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của từng đối tượng để có sản phẩm truyền thông phù hợp; đồng thời cần liên tục đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền cho phù hợp với mỗi hoạt động, mỗi đối tượng.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác cũng thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề đặt ra với công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới; góp ý cho Dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028”. Trong đó, nổi bật là bổ sung các giải pháp như: đẩy mạnh truyền thông đồng bộ ở tất cả các cấp công đoàn; làm rõ hơn đối tượng truyền thông; cần có thiết chế, nguồn lực, chuyên viên phụ trách truyền thông để đẩy mạnh truyền thông tại công đoàn cơ sở; thêm các thông tin chỉ dẫn, hướng dẫn tại các ứng dụng trên mạng xã hội của công đoàn. |