Những mối tình “xuyên biên giới” Việt Nam - Campuchia

15:59 | 11/12/2023

Dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống… nhưng tình cảm của những cặp vợ chồng xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn bền chặt, hạnh phúc là minh chứng rõ nét cho tình yêu và sự hòa hợp giữa hai dân tộc.
Giao lưu văn hóa Việt Nam - Campuchia tại Đồng Tháp
Thể thao kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia

Chuyện tình hai bờ biên giới

Một chiều thu tại quán cà phê Chăn Thon (tổ dân phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), vợ chồng anh Phạm Trọng Việt và chị Xvai Chăn Thon (người Campuchia) đang tất bật chuẩn bị những ly cà phê phục vụ du khách. Người xay cà phê, người thêm sữa, hai vợ chồng phối hợp nhịp nhàng như một thói quen đã hình thành suốt mấy chục năm.

Khi được hỏi về chuyện tình của mình, anh Việt cho biết, năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh ghi danh vào đội quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu. Tại đây, anh vô tình gặp cô thôn nữ Xvai Chăn Thon (huyện Sandal, tỉnh Kampong Thom, Campuchia). Tình yêu của anh lính tình nguyện Việt Nam với cô giáo mầm non Campuchia cứ thế bắt đầu cho đến năm 1987, anh Việt hoàn thành nhiệm vụ và phải trở về nước.

Chỉ với tờ giấy ghi địa chỉ anh Việt để lại, từ biên giới Tây Ninh, chị Chăn Thon tìm về được căn nhà của anh Việt trong sự bất ngờ, sửng sốt của chính người yêu và gia đình. Từ đó, chị Chăn Thon ở lại, làm vợ của anh Việt, học nói tiếng Việt, học văn hoá Việt Nam để trở thành người Việt.

vợ chồng anh Phạm Trọng Việt và chị Xvai Chăn Thon. (Ảnh: Phong Linh)
Vợ chồng anh Phạm Trọng Việt và chị Xvai Chăn Thon. (Ảnh: Phong Linh)

Không chỉ tại Việt Nam mà ở phía bên kia biên giới cũng có không ít những mối tình gắn kết người dân Việt Nam - Campuchia. Anh Nguyễn Văn Hải (Trà Vinh) có duyên gặp chị Chan Sreymom trong một chuyến du lịch tại Phnom Penh (Campuchia) vào năm 2010. Cuộc gặp đó là nơi bắt đầu của chuyện tình yêu xa kéo dài gần 5 năm cho đến khi anh Hải sang Campuchia và kết hôn cùng chị Sreymom vào cuối năm 2015.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tính đến năm 2023, có khoảng 100.000 cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng là người Campuchia đang sinh sống tại Việt Nam. Còn theo thống kê của Bộ Nội vụ Campuchia, hiện có khoảng 150.000 cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng là người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia. Hơn 250.000 cặp vợ chồng đó là minh chứng rõ nét cho tình yêu và sự hòa hợp giữa hai dân tộc.

Vượt qua những rào cản

Phát biểu tại “Hội thảo chuyên đề về công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2023”, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài là một hiện tượng xã hội bình thường, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế. Pháp luật Việt Nam như: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Hộ tịch năm 2014… luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cặp vợ chồng khác quốc tịch kết hôn với nhau.

“Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nào cũng có những bất đồng, chưa nói tới những cuộc hôn nhân ở hai đất nước. Nhiều vấn đề có thể phát sinh từ sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật…”, ông Nguyễn Doãn Tú nói.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vũ Phương Dung)

Với chị Chăn Thon, trong những ngày đầu đến Việt Nam, rào cản lớn nhất là khác biệt về ngôn ngữ. Quá trình học tiếng Việt không hề dễ dàng. Anh Việt phải dạy chị từ bảng chữ cái đến cách ghép chữ, đánh vần… Ban ngày làm việc, tối về học tiếng là chuỗi ngày kéo dài đằng đẵng khiến chị đôi lúc cảm thấy chán nản. Nhưng nhờ có sự kiên nhẫn và lời động viên từ chồng, chị đã tiếp tục kiên trì, cố gắng học tập để giờ đây, chị Chăn Thon có thể giao tiếp tiếng Việt chẳng khác người bản xứ là bao.

Ẩm thực và cách ăn uống của người Việt cũng đã từng khiến chị Chăn Thon phải cố gắng thích nghi. Chị kể, người Việt Nam khi ăn uống hầu hết đều sử dụng đũa, còn người Campuchia thường ăn cơm bằng tay. Thêm vào đó, gia đình anh Việt thường sử dụng nước mắm để ăn kèm còn chị vốn chỉ quen ăn mắm ruốc, mắm bò hóc đặc trưng của người Campuchia. Sau hơn 3 thập kỷ chung sống, cả chị và gia đình chồng đều phải từng chút thay đổi để tìm ra cách chung sống, sinh hoạt hòa hợp nhất.

Còn với anh Hải, khó khăn lớn nhất có lẽ đến từ việc thích nghi với các hoạt động thuộc Hindu giáo của gia đình chị Sreymom. “Thời gian đầu, do chưa biết hết những điều kiêng kỵ, những tập tục, ngày lễ quan trọng của đạo Hindu nên tôi thường cảm thấy lạc lõng khi không thể tham gia vào các hoạt động của gia đình. Phải mất hơn một năm tôi mới dần hiểu và hòa nhập được với cuộc sống tại Campuchia”, anh Hải nói.

Có thể nói, cuộc hôn nhân giữa những con người ở hai bên biên giới gặp phải muôn vàn rào cản nhưng sự bao dung, nhường nhịn chính là sợi dây gắn kết để hôn nhân bền vững. Đến nay, nhiều cặp vợ chồng Việt - Cam có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, trở thành cầu nối kết nối hai bên gia đình nội ngoại nói riêng và kết nối nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung.

Thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại Campuchia Thăm hỏi, động viên bà con gốc Việt tại Campuchia
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia nhưng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tình cảm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả
Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun đề nghị hai bên tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tăng cường quan hệ chặt chẽ, mở rộng hợp tác hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương trên các lĩnh vực.

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-moi-tinh-xuyen-bien-gioi-viet-nam-campuchia-194210.html

In bài viết