Đề xuất tăng ngày nghỉ dịp Quốc khánh lên 4 ngày có lợi cho người lao động

14:04 | 03/12/2023

Theo đề xuất của đoàn viên, người lao động tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, việc điều chỉnh tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh sẽ tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng và là nguyện vọng thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Người lao động sắp có thêm một ngày nghỉ lễ vào 5/9 hoặc 28/6
Chính thức 'chốt' 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ Quốc khánh 2022

Trao đổi với báo chí vào sáng 3/12, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam - đã giải thích rõ hơn về đề xuất tăng số ngày nghỉ Lễ Quốc Khánh từ 2 thành 4 ngày.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nói về đề xuất tăng ngày nghỉ dịp Quốc Khánh.

Theo đó, tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng ngày 2/12, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước 8 đề xuất. Trong đó, đề xuất nghiên cứu tăng ngày tăng lên 4 ngày nghỉ trong dịp Quốc khánh thay vì 2 ngày như quy định hiện hành đã tạo ra sự quan tâm lớn của dư luận.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Ngay từ khi góp ý xây dựng Bộ Luật Lao động 2019, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ thông tin về số ngày nghỉ lễ tết của các nước Đông Nam Á vào khoảng 15-16 ngày/năm, trong khi số ngày nghỉ của Việt Nam ở thời điểm đó chỉ 11 ngày. Từ đó tiếp tục đề nghị tăng số ngày nghỉ”.

Liên quan tới đề xuất thêm ngày nghỉ của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lý giải về kiến nghị thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lý giải về kiến nghị thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh.

Sau khi Bộ Luật Lao động 2019 được thông qua, số ngày nghỉ lễ tết trong năm đã tăng lên 12 ngày. Ngày được tăng thêm là ngày liền kề trước hoặc sau ngày nghỉ Quốc khánh. Như vậy, dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 2 ngày.

Sau 4 năm kiên trì với mục tiêu, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ. Cụ thể, qua tổng hợp ý kiến của đoàn viên và người lao động tại Đại hội Công đoàn lần thứ 13, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 2 ngày vào dịp nghỉ lễ dịp Quốc khánh, tức là dịp nghỉ lễ Quốc khánh sẽ kéo dài 4 ngày.

Liên quan tới ý kiến cho rằng nếu nghỉ nhiều sẽ làm giảm năng suất lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng con người chỉ quyết định một phần năng suất, còn lại cần doanh nghiệp đầu tư máy móc, khoa học công nghệ, đổi mới cách thức quản lý.

Nếu được chấp thuận, kỳ nghỉ dịp Quốc Khánh sẽ kéo dài đến hết ngày 5/9, tức là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Trao đổi thêm nội dung liên quan tới đề xuất, ông Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng trong lần gặp gỡ lao động khu công nghiệp, một nữ công nhân bật khóc khi cho biết nhiều năm qua chưa được đưa con nhỏ đi khai giảng vì bận làm việc trong dây chuyền trong nhà máy.

“Vì xin nghỉ của công nhân làm việc theo dây chuyền rất khó thay ca hoặc đổi chỗ vì có thể khiến cả dây chuyền phải sắp xếp lại. Đặc biệt, điều này càng khó với lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Số ngày nghỉ lễ tết của người lao động hiện là 12 ngày/năm.
Số ngày nghỉ lễ tết của người lao động hiện là 12 ngày/năm.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, người công nhân làm ca kíp hoặc trong dây chuyền, nếu ngày khai giảng không vào thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc ngày nghỉ thì họ khó có cơ hội đưa con tới trường trong ngày đó.

Đứng về góc độ tổng thể, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, khi cuộc sống của người lao động càng tốt hơn, thu nhập ngày càng cao hơn thì việc tăng số ngày nghỉ cũng là cần thiết.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đơn cử câu chuyện ngày nghỉ của công nhân Trung Quốc: “Nhìn sang nhiều nước như Trung Quốc cho người lao động nghỉ Quốc khánh cả tuần. Đây cũng là một thông lệ để chúng ta tham khảo”.

Đề xuất sớm nghiên cứu giảm thời gian làm việc bình thường

Cũng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp xuất của đoàn viên, người lao động về việc sớm nghiên cứu đề xuất giảm thời gian làm việc bình thường.

Căn cứ của đề xuất dựa trên nội dung của Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14). Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Việc điều chỉnh sẽ hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc trong khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần). Qua đó tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

"Ngày lao động Việt Nam 2023" tại Hàn Quốc
Ngày 10/12/2023, tại Trường Đại học Khoa học và Kĩ thuật Gyeonggi, Hàn Quốc diễn ra "Ngày lao động Việt Nam 2023".
Ông Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ông Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã bầu ông Nguyễn Đình Khang giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và bầu 5 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII, gồm: ông Phan Văn Anh, ông Ngọ Duy Hiểu, bà Thái Thu Xương, ông Huỳnh Thanh Xuân và ông Nguyễn Xuân Hùng.

Hoàng Mạnh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/de-xuat-tang-ngay-nghi-dip-quoc-khanh-len-4-ngay-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-193956.html

In bài viết