Chuyến đi hiểu quá khứ, vun đắp tương lai Việt - Lào

18:30 | 18/11/2023

Hành trình về nguồn và đến với Việt Nam của đoàn giáo viên và học sinh gốc Việt và Lào của Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du đã để lại cảm xúc sâu lắng cho mỗi thành viên trong đoàn. Có thể nói đây là chuyến đi để cùng nhau thắp sáng tương lai, xây dựng mối quan hệ Việt – Lào mãi mãi xanh tươi.
Hội đàm thường niên giữa Công an huyện Meuangmay (Phongsaly, Lào) và Công an huyện Điện Biên
Điện Biên và 6 tỉnh Bắc Lào tăng cương hợp tác xúc tiến thương mại biên giới

Tự hào khi được đến Việt Nam

Giờ đây, mỗi khi học những bài giảng trên lớp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam, Su Phăn Sả (người Lào), học sinh lớp 9, Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du (Lào) lại hăng hái giơ tay phát biểu bài. Su Phăn Sả kể cho các bạn cùng lớp, các thầy cô về thân thế sự nghiệp, con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Phủ Chủ tịch, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Hùng tỉnh Phú Thọ … Ngoài ra, em còn kể cho các bạn nghe về những món ăn đặc sản của Việt Nam như bún chả, phở, nem cùng những thắng cảnh đẹp ở Việt Nam. Trong lời kể ấy toát lên niềm tự hào hãnh diện

Được biết, Su Phăn Sả là một trong những học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 1.000 học sinh đang theo học tại trường đã cùng với 37 thành viên trong đoàn giáo viên và học sinh Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du gồm (cả người Lào và người gốc Việt) được sang thăm Việt Nam theo lời mời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 8/2023.

“Em đã được nghe kể rất nhiều về Việt Nam, về Bác Hồ, nhất là qua bài học trong nhà trường. Nhưng khi được đặt chân đến Việt Nam, được đến thăm quê hương của Bác, được vào lăng viếng Bác, thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, em rất vui xen lẫn tự hào, xúc động. Trong hành trình gần 1 tuần, em được tìm hiểu thêm về Bác Hồ và đặc biệt là tình cảm của mỗi người dân Việt Nam các bạn khi đến thăm quê Bác, biết được lịch sử văn hóa Việt Nam cũng như một Việt Nam năng động, hiện đại đến như thế nào. Vì thế khi về nước em đã kể lại cho các bạn của mình nghe những gì em đã được trải nghiệm, là động lực để các bạn học thật tốt để có cơ hội sang Việt Nam, học tập”, Su Phăn Sả chia sẻ.

Chuyến đi hiểu quá khứ, vun đắp tương lai Việt - Lào
Đoàn giáo viên và học sinh Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du vào lăng viếng Bác Hồ. Ảnh: Hương Điệp

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du cho rằng: đây là chuyến thăm ý nghĩa, bổ ích cho các em học sinh của trường, tạo động lực cho các em học tập và phấn đấu để thời gian tới có nhiều hơn nữa các em được sang thăm Việt Nam.

Cũng theo cô Thanh Hương, qua chuyến về thăm đất nước, con người Việt Nam lần này, đoàn không chỉ thực hiện các hoạt động tham quan đơn thuần mà chính là sự bổ sung kiến thức về văn hóa, lịch sử, truyền thống Việt Nam cho các em. Từ chuyến thăm này sẽ giúp mỗi người hiểu hơn về địa danh, văn hóa và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam và sẽ giúp các em học sinh thêm yêu quê hương, đất nước Việt Nam. Từ đó, mỗi người khi trở về sẽ là một đại sứ văn hóa lan tỏa về những danh lam, thắng cảnh, lan tỏa về lịch sử đất nước Việt Nam tới nước bạn Lào.

Chuyến đi hiểu quá khứ, vun đắp tương lai Việt - Lào
Học sinh Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du giao lưu với học sinh tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hương Điệp

Hơn cả một chuyến đi

Ông Lê Văn Mùi – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vientiane, Trưởng Ban Quản lý Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du cho biết: trong những ngày ở quê hương Việt Nam, đoàn giáo viên và học sinh nhà trường đã được thăm quan nhiều nơi, cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và biết thêm lịch sử văn hóa của dân tộc. Ông chia sẻ, sự ra đời và phát triển của Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du hiện nay là kết quả của tình yêu đất nước của nhiều thế hệ người Việt Nam ở Lào với mong muốn con em không quên nguồn cội. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của chính quyền, nhân dân Lào anh em cùng với các cơ quan hữu quan trong nước, trong đó có Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Mùi mong muốn, người Việt Nam tại Lào nói chung, các thầy cô giáo Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du nói riêng, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Ủy ban; đặc biệt, mong muốn Ủy ban tiếp tục tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh của nhà trường có nhiều hơn nữa những chuyến thăm Việt Nam.

Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy mong các em tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cuộc sống của mình thêm tốt đẹp hơn, sớm đạt được thành công và trở thành người có ích cho xã hội.

“Mỗi em sẽ là hạt nhân tương lai kết nối tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt và mong rằng các thầy, cô và các em sẽ có nhiều cơ hội về Việt Nam, về với cội nguồn trong thời gian tới”, Phó Chủ Hoàng Công Thủy chia sẻ.

Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du

Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du tiền thân là hai trường tiểu học Nguyễn Du I và Nguyễn Du II dành cho con em Việt kiều tại Thủ đô Vientiane. Học sinh của nhà trường vừa được học chương trình phổ thông của Lào, vừa được học tiếng Việt để luôn nhớ đến cội nguồn mình là con cháu Việt Nam. Hiện tại, số lượng cán bộ, giáo viên của trường có 62 người (nữ 41), trường có 1.070 HS (nữ 498 em), con em người Việt chiếm khoảng 30%. Số còn lại là học sinh người Lào.

Trải qua hơn 15 năm xây dựng tại địa điểm mới, trường ngày càng phát triển và trưởng thành về mọi mặt. Năm học 2015-2016 Trường vinh dự được Bộ Giáo dục hai nước chọn làm Trường thí điểm dạy song ngữ Việt – Lào từ lớp 1 đến lớp 12 để từ đây nhân rộng mô hình đào tạo này trên khắp đất nước Lào để cho thế hệ trẻ của Lào hiểu sâu sắc thêm truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.

Phật giáo kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia Phật giáo kết nối tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia
Kịch nói kết nối tình dân Việt - Lào Kịch nói kết nối tình dân Việt - Lào

Phạm Lý

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-di-hieu-qua-khu-vun-dap-tuong-lai-viet-lao-193346.html

In bài viết