Bộ Công Thương luôn quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT

09:43 | 08/11/2023

Thương mại điện tử Việt Nam hiện đang phát triển đến cấp độ nào, và trong quá trình này đã bộc lộ những hạn chế gì cần được đặc biệt lưu ý, nhất là với công tác quản lý nhà nước. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xoay quanh nội dung trên.

-Thưa bà, trong phát biểu tại hội thảo về quản lý và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) mới đây tại Quy Nhơn, bà có nhấn mạnh khía cạnh trong thực tế TMĐT đã bộc lộ nhiều vấn đề như hàng giả hàng gian; phát triển manh mún và thiếu tính liên kết giữa các vùng; vi phạm quyền lợi người tiêu dùng..v.v..Nếu so sánh, thì đâu trong những bất cập này là mối lo ngại lớn nhất đối với Cục?

​-TMĐT Việt Nam thời gian qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hữu hiệu và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì nhiều vấn đề cũng xuất hiện như hàng giả, hàng gian; vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; phát triển manh mún và thiếu tính liên kết giữa các vùng v.v… Trong đó, vấn đề đáng lo ngại nhất là nạn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm QSHTT, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, thậm chí là bán các sản phẩm cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Các hoạt động này ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thương mại điện tử và lòng tin của người tiêu dùng.

​Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khác phổ biến trong TMĐT như: Lừa đảo trúng thưởng, tặng quà có giá trị cao, khuyến mại lớn nhằm đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản của người dân; quảng cáo, rao bán hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng thông qua hình thức livestream; Lừa đảo liên quan đến tiền ảo, giao dịch tài chính, chứng khoán quốc tế,…Các hành vi này chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, youtube,… đặc biệt là các MXH của nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

-Có một số hạn chế được nêu tồn tại dai dẳng đã lâu, ví dụ về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Thưa bà, vì sao không thể giải quyết được căn bản những vấn đề này?

-​Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là nội dung luôn được Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến, Bộ Công Thương đã tham mưu và trình Quốc Hội, Chính phủ ban hành một số Luật, quy định, chính sách liên quan tới công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT. Cụ thể như:

​Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương luôn quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số

​Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng đã bổ sung các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Cụ thể như: tăng cường trách nhiệm của sàn TMĐT trong bảo vệ người tiêu dùng; trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa tới người tiêu dùng; quy định sàn phải tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn TMĐT tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương.

​Ngoài ra, đã có các chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong TMĐT được quy định cụ thể tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

​Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức vì:

​Thứ nhất, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời; tạo nhiều gian hàng bán trên nhiều Sàn TMĐT khác nhau, v.v… do vậy, khâu xác minh đối tượng vi phạm, kho hàng hết sức khó khăn đặc biệt là các đối tượng sử dụng các địa điểm chung cư, ngõ hẻm sâu để kinh doanh và giao hàng cho bên vận chuyển của các Sàn ở những địa điểm khá chung chung như chung cư X, ngõ/hẻm Y…

​Thứ hai, các gian hàng và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian rất ngắn, và vì thế khó phát hiện và xử lý. Hoặc các đối tượng bán hàng qua các mạng xã hội không có hiện diện ở Việt Nam như facebook, youtube…

Thứ ba, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế vì thích mua hàng giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng.

Thứ tư, trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Thứ năm, công tác phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn hạn chế. Trước hết là phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong xử lý hàng gian, hàng giả trong TMĐT như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, KHCN, Y tế. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối với các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Các chủ sở hữu không muốn công khai cách nhận biết hàng thật - hàng giả do lo ngại các đối tượng làm hàng giả. Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp của các chủ sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin về người bán hàng có dấu hiệu vi phạm trên các sàn TMĐT (thông tin người bán, các địa chỉ kho hàng/nhận hàng, số lượng đơn hàng đã bán thành công trên sàn, các gian hàng liên quan tới người bán…).

-Một trong những giải pháp then chốt để xử lý tồn tại được bà đưa ra tại hội thảo là phải nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý, vậy cụ thể là cần chú trọng vào những khía cạnh nào và năng lực nào?

-Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được thực hiện để xử lý các tồn tại trong TMĐT, trong đó có một số giải pháp chủ yếu như:

- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (ví dụ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT; ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động TMĐT quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP);

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT: Tổ chức 2 Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”: 15 đại diện doanh nghiệp lớn tham gia (2019 và 2020); Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật: trên 2000 cán bộ là lực lượng QLTT, Công an, cán bộ QLNN ở địa phương, v.v…

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Ví dụ năm 2021, đã xử lý gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), xử phạt trên 20 tỷ đồng. Năm 2022, kiểm tra 770 vụ việc, xử lý gần 440 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa thu giữ gần 11 tỷ đồng.

- Công tác kiểm tra, rà soát các website/ứng dụng TMĐT: Năm 2021, đã yêu cầu các Sàn TMĐT gỡ bỏ hoặc khóa trên 7.000 gian hàng với trên 18.700 sản phẩm. Năm 2022, Yêu cầu các Sàn TMĐT gỡ bỏ hoặc khóa 1.600 gian hàng với hơn 6.000 sản phẩm vi phạm.

- Đưa ra giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, cụ thể: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Trong đó, chú trọng một số nhóm nội dung sau:

1. Hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể: trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung:

- Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP về TMĐT: Điều chỉnh các quy định mới trong Luật Giao dịch điện tử, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Phân cấp, phân quyền quản lý, tăng cường trách nhiệm người bán,…

- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách tổ chức thực thi một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.

- Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; Phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Ví dụ XDCSDL dùng chung cho các cơ quan như QLTT, CA, Tài chính (Thuế, Hải Quan),…

3. Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT;

4. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.

-Trên bình diện chính sách, Cục có kiến nghị ưu tiên xây dựng và ban hành sớm những chính sách cụ thể nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý TMĐT trong thời gian tới, thưa bà?

​-Tháng 6 năm 2023, Quốc hội thông qua hai bộ luật có tính chất nền tảng cho hoạt động TMĐT là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), hai bộ luật này có những quy định mới điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh trên môi trường không gian mạng. Nhằm kịp thời hướng dẫn thực thị các quy định này, Cục TMĐT và KTS đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài bộ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành các Luật nói trên; trong đó, tập trung vào những quy định liên quan đến tăng cường trách nhiệm của các chủ nền tảng số và chủ nền tảng số trung gian.

​Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp luật về TMĐT, Cục TMĐT và KTS xác định việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TMĐT và chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu này giữa các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan là cần thiết khi TMĐT là sự giao thoa của nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liêu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Cục đã tham mưu và đề xuất lãnh đạo bộ xây dựng, ban hành Quyết định số 2232/QĐ-BCT ngày 23 tháng 8 năm 2023 ban hành kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ với nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với TMĐT.

Trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin theo quy định quản lý nhà nước về TMĐT đối với các chủ thể của hoạt động TMĐT; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT phục vụ công tác quản lý thuế, hải quan và các công tác quản lý nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ. Bộ Công Thương cùng phối hợp trao đổi thông tin với Bộ Tài chính để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động TMĐT không kê khai, nộp thuế.

-Trân trọng cảm ơn bà!

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bo-cong-thuong-luon-quan-tam-den-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-tmdt-192979.html

In bài viết