Kinh doanh rau hữu cơ ở Việt Nam: Khi nào thôi bế tắc?

11:25 | 29/07/2023

Trong nhóm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được quan tâm hiện nay thì nổi bật lên là rau hữu cơ. Nông phẩm này không chỉ an toàn, cung cấp nhiều dưỡng chất, mà việc sản xuất rau hữu cơ còn góp phần bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Lợi ích thì đã rõ, nhưng vì sao việc phát triển rau hữu cơ tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức?

Trang trại rau hữu cơ Thiên Sinh Farm (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những trang trại rau hữu cơ đầu tiên và uy tín tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Thắng, chủ của Thiên Sinh Farm cho biết mỗi ngày trang trại xuất đi từ 600 đến 700 kg rau củ, phục vụ chủ yếu cho khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, một số minimart và nhà hàng cao cấp.

Chỉ cần nghe điểm danh khách hàng là những đối tượng như vậy thì cũng đủ thấy đầu ra của cơ sở trồng rau này “xịn sò” thế nào. Tất nhiên tiền nào của ấy, nếu nông phẩm không phải là rau hữu cơ thì sẽ không xuất hiện những nhóm khách hàng như ở trên. Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Công ty CP SANSHIN Việt Nam, Phụ trách Quản lý Dự án Farm to Kitchen chuyên phân phối rau hữu cơ tại Hà Nội, cũng cho biết: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người Nhật, và gần đây thì nhóm khách Việt Nam đã tăng lên”. Cũng như khách hàng của ông Thắng, những người mua quen thuộc của bà Hiếu có 2 điểm giống nhau là có điều kiện về kinh tế và sẵn sàng mua hàng với giá cao để đổi lại sự an toàn cho sức khoẻ.

Kinh doanh rau hữu cơ ở Việt Nam: Khi nào thôi bế tắc?
Với điều kiện thị trường hiện tại, đầu tư sản xuất rau hữu cơ không phải là quyết định dễ dàng.

Trước một thị trường có sức mua cao là vậy, trước thị phần còn dư địa nhiều như vậy…nhưng vì sao rau hữu cơ vẫn mãi chưa thật sự phát triển được, vẫn bị đánh giá là mang tính tự phát, có quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự phát triển ổn định, bền vững…trong khi về bản chất canh tác hữu cơ là một phương thức phát triển nông nghiệp bền vững?

Những thách thức không dễ vượt qua

Hình dung một cách đơn giản rau hữu cơ được hình thành nhờ các yếu tố hoàn toàn tự nhiên. Không chỉ từ chất lượng nguồn nước, đất, không khí phải đạt tiêu chuẩn, mà vật tư, công nghệ đầu vào trong sản xuất cũng phải đạt yêu cầu nông nghiệp hữu cơ.

Rau hữu cơ là sản phẩm không được phép dùng hóa chất ở bất kì công đoạn sản xuất nào (trong khi các mô hình sản xuất khác vẫn có thể dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ, chất bảo quản, phụ gia v.v. .). Sau cùng, khi thu hoạch thành phẩm thì rau hữu cơ phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức chứng nhận để được bán trên thị trường.

Đó là nói về yêu cầu, và tất nhiên để đáp ứng yêu cầu này thì việc đầu tư cơ sở vật chất ban đầu của các trang trại hữu cơ là không nhỏ. Đó là chưa kể nếu là trang trại cần phải chuyển đổi từ mô hình không hữu cơ sang hữu cơ thì thời gian chuyển đổi có thể được tính từ nhiều tháng cho tới hàng năm (tùy vào sản phẩm là gì).

Do vậy, sản phẩm đương nhiên có giá thành khá cao so với rau không hữu cơ, vì thế khó tiêu thụ đại trà. Vẫn bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Công ty CP SANSHIN Việt Nam cho biết: “Nhìn vào thực tế, ở Việt Nam nhà nào cũng cần ăn rau hằng ngày thì 10 nhà chắc chỉ 1 nhà chọn ăn rau hữu cơ thường xuyên”.

Kinh doanh rau hữu cơ ở Việt Nam: Khi nào thôi bế tắc?
Ông Nguyễn Quốc Thắng, chủ Thiên Sinh Farm chia sẻ về việc tận dụng nước whey lên men vi sinh (thùng màu trắng) từ nhà máy phô mai gần đó để dùng làm thức ăn cho bò trong trang trại.

Chưa dừng lại ở đó, một đặc thù của rau hữu cơ là mùa nào thức nấy, nên đối với nhóm khách hàng lớn như các nhà hàng, siêu thị luôn cần nguồn cung ổn định của mỗi mặt hàng thì rau hữu cơ không phải là lựa chọn phù hợp ở cả phương diện nguồn cung và giá thành. Đó là chưa kể đến việc “treo đầu dê, bán thịt chó” đã xuất hiện ở một số nơi khi rau được lấy từ nguồn trôi nổi những vẫn dán mác hữu cơ để kiếm lời.

Trước chừng ấy những đòi hỏi đặc thù, quả là không dễ dàng cho những ai đang cân nhắc việc đầu tư kinh doanh sản phẩm này!

Lối ra nào cho rau hữu cơ?

Cùng với Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (được phê duyệt vào tháng 6/2020), thì hiện đã có Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 về Nông nghiệp hữu cơ. Văn bản pháp lý này quy định tương đối chi tiết các yếu tố hình thành sản phẩm hữu cơ và quan trọng nhất là bao gồm cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông phẩm hữu cơ, kể cả chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cũng như hộ gia đình. Phần còn lại là thực thi thế nào cho hiệu quả!

Theo nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp ở tầm vĩ mô là cần có quy hoạch vùng cho sản xuất hữu cơ. Do đặc thù sản phẩm, nên vùng càng có hệ sinh thái đa dạng, trong sạch, phì nhiêu, rộng lớn thì càng phù hợp cho nuôi trồng sản phẩm hữu cơ. Tùy vào từng vùng với điều kiện thổ nhưỡng đặc thù và điều kiện khí hậu ở từng giai đoạn trong năm mà lựa chọn sản phẩm rau hữu cơ phù hợp để canh tác.

Bên cạnh đó là những chính sách chi tiết hoá việc hỗ trợ về nguồn vốn, hỗ trợ về pháp lý, phát triển và mở rộng thị trường để khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư, các hộ gia đình, hợp tác xã… tham gia. Còn về đầu ra, với một sản phẩm chưa thật sự phổ biến như rau hữu cơ thì cần sự hiện diện của Nhà nước với việc làm cụ thể là có thể trợ giá trong điều kiện nhất định để qua đó đa số người tiêu dùng được trải nghiệm và dần hiểu những giá trị của nó.

Hiện nay, mặc dù các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được nhiều địa phương phối hợp cùng các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất như Bến Tre (dừa hữu cơ), Ninh Thuận (nho, táo hữu cơ), Lâm Đồng, Hòa Bình, Sơn La (rau hữu cơ…) v.v., nhưng do những hạn chế trong quy hoạch, cơ chế khuyến khích kinh doanh và hoạt động kiểm tra, giám sát… nên tất cả vẫn chỉ có vậy, và nếu so sánh thì khá nhỏ bé với các hình thức khác.

Thực tế trên không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng cứ để sự không đáng ngạc nhiên này kéo dài thì quả thực là lo ngại. Những lợi ích của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được nói đến nhiều, bên cạnh tác dụng cho sức khoẻ con người thì các trang trại hữu cơ không chỉ tạo ra hệ thống thực, động vật đa dạng, mà còn cải tạo đất đai màu mỡ hơn, giúp hấp thụ lượng các-bon cao hơn, phát thải khí nhà kính thấp hơn.. Nhưng tất cả những điều trên sẽ chỉ nằm trên giấy nếu thiếu những hành động quyết liệt, cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Công ty CP SANSHIN Việt Nam chia sẻ: “Trong lần đi cùng kỹ sư nông nghiệp của JICA khảo sát các vùng trồng rau ở khu vực xung quanh Hà Nội, một bác nông dân ở Hà Nam nói với tôi là nếu trồng rau an toàn cần mua thêm bạt phủ để chống cỏ, phải trồng cây xung quanh khu vực rau an toàn để che chắn thuốc trừ sâu từ xung quanh bay vào…ít nhất lúc đầu giá rau sẽ tăng lên 12.000đ đến 14.000đ/kg thì không ai mua cho tôi. Còn nếu trồng thông thường, dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học thì giá 10.000đ/kg cứ mang ra chợ là bán được”.

Cái giá phải trả cho độ vênh 4000đ/kg rau này là khá đắt. Nhưng không lẽ lại trách người nông dân với nỗi lo cơm áo thường trực hàng ngày?

TS. Nguyễn Nga Huyền

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kinh-doanh-rau-huu-co-o-viet-nam-khi-nao-thoi-be-tac-189388.html

In bài viết