BSR cần hỗ trợ về cơ chế để đẩy nhanh việc mở rộng nhà máy

09:56 | 01/06/2023

Dù những bất ổn trên thị trường xăng dầu nội địa trong thời gian vừa qua đã tạm thời lắng xuống, tuy nhiên với nhiều người, đặc biệt là trong giới sản xuất, kinh doanh mặt hàng này thì vẫn chưa hết những âu lo. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cần điều chỉnh để làm sao trong tương lai câu chuyện về an ninh năng lượng được đảm bảo ổn định ở mức cao nhất có thể.

-Thưa ông, hiện nay dự thảo Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Công thương hoàn tất và gửi lấy ý kiến các bộ liên quan. Từ góc độ của mình, ông thấy có những nội dung nào cần được đặc biệt lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho những nhà sản xuất như BSR?

-Thị trường phân phối, kinh doanh xăng dầu nội địa trong gần 10 năm qua được vận hành trên cơ sở các quy định chính tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021. Thời gian qua thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, an ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo.

BSR cần hỗ trợ về cơ chế để đẩy nhanh việc mở rộng nhà máy
Phó Tổng giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng

Năm 2021, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP được ra đời trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động, môi trường kinh doanh xăng dầu cũng có nhiều thay đổi... do vậy, các bất cập, lỗi thời trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP, ví dụ như các quy định về thương nhân kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, công thức giá cơ sở, công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu…đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế trong giai đoạn vừa qua.

Trong vòng 2 năm qua, khi thị trường năng lượng, các vấn đề địa chính trị và kinh tế thế giới thường xuyên thay đổi và diễn biến khó lường, việc kinh doanh xăng dầu theo các quy định tại các Nghị định nói trên, đã và đang gặp phải một số tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xăng dầu nội địa. Mục tiêu ổn định thị trường kèm theo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là hết sức quan trọng cần được tăng cường củng cố, do đó, việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP vào thời điểm này là thực sự cần thiết. Từ góc độ là một nhà sản xuất, chúng tôi đề xuất một số điểm cơ bản cần quan tâm như sau:

*Một là quy định về giá và điều hành giá xăng dầu: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng nên cần được vận hành đúng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Vì vậy Giá bán xăng dầu của đơn vị sản xuất trong nước cần được ghi nhận theo thực tế, đúng thị trường nhằm đảm bảo phản ánh các chi phí theo thực tế phát sinh đối với từng doanh nghiệp, từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường cũng như đảm bảo quyền tự chủ, cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, tuân thủ các hiệp định về thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia.

*Hai là quy định về dự trữ sản phẩm xăng dầu tại các Nhà máy lọc dầu: Trong suốt 15 năm qua, với vai trò là đơn vị sản xuất, Nhà máy đã thực hiện đồng thời vai trò dự trữ và phân phối, đảm bảo nguồn cung xăng dầu thông qua việc dự trữ dầu thô, nguyên liệu, sản phẩm trung gian, để sản xuất và cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa. Song tại nhiều thời điểm, Nhà máy cũng đối diện với tồn kho nguyên liệu và sản phẩm rất cao do nhu cầu thấp hoặc thời tiết xấu, đồng thời có lúc tồn kho sản phẩm rất thấp khi nhu cầu tăng đột biến. Vì vậy với quy định dự trữ sản phẩm xăng dầu bắt buộc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất như hiện nay có thể gây khó khăn và rủi ro trong vận hành và tồn chứa, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến xấu cũng như trong giai đoạn thời tiết bất lợi. Với nhà sản xuất, việc đảm bảo tồn kho nguyên liệu theo định mức thiết kế để đảm bảo duy trì sản xuất là cần thiết và được linh hoạt theo thời điểm, dự trữ sản phẩm được thực hiện bởi các đơn vị lưu thông.

-Thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có thời điểm đã rơi vào khủng hoảng, tình hình căng thẳng đến mức trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải khẳng định Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Từ bài học này, theo ông để tránh gặp phải sự cố tương tự trong tương lai thì vai trò của những đơn vị sản xuất trong nước như BSR cần được nhìn nhận thế nào và có cơ chế gì tương thích song hành?

-Nhà máy lọc dầu Dung Quất bắt đầu hoạt động từ năm 2008 với vai trò đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước. Trong suốt 15 năm qua, Nhà máy đã sản xuất và xuất bán vào thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, trong đó có khoảng 77 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước.

Với vị trí kết nối giữa phần thượng nguồn khai thác và phần hạ nguồn phân phối, tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp dầu khí trong chuỗi giá trị, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR luôn nhận thấy vai trò và trách nhiệm to lớn của mình, đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, và đã thực hiện tốt trong nhiều năm qua.

Thời gian gần đây, đặc biệt giai đoạn từ năm 2020 trở lại đây thị trường liên tiếp gặp rất nhiều khó khăn, khủng hoảng do ảnh hưởng dịch bệnh cũng như căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực. Giá dầu thô và xăng dầu biến động phức tạp với biên độ lớn, thị trường trong nước có giai đoạn rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Để góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, nhiên liệu đáp ứng nhu cầu trong nước, Nhà máy lọc dầu đã vận hành với mức công suất cao và liên tục ở mức trên 112%. Đây là công suất cao nhất của nhà máy kể từ khi vận hành tới nay. Để thực hiện nhiệm vụ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng phải tăng tương ứng với công suất nhà máy. BSR đã nỗ lực bổ sung thêm nguồn dầu thô cũng như nguyên liệu trung gian để có thể tăng công suất vận hành Nhà máy trong giai đoạn này.

Với dự báo sắp tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, để đảm bảo thực hiện tốt vai trò của mình, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần được áp dụng một số các chính sách sau:

*Một là đảm bảo tối đa nguồn cung dầu thô trong nước dài hạn: mặc dù BSR đã ký được các hợp đồng dài hạn đối với dầu thô Bạch Hổ, Đại Hùng, tuy nhiên, sản lượng dầu thô dài hạn và ổn định chỉ chiếm khoảng 36%, 64%, còn lại BSR phải tự thu xếp thông qua đấu thầu. Do đó, nguồn cung dầu thô cho Nhà máy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với diễn biến bất ổn của thị trường trong thời gian qua khi các nguồn cung bên ngoài khủng hoảng, hạn chế.

*Hai là giảm mức thuế nhập khẩu nguyên liệu trung gian: Theo lộ trình giảm thuế tại các Hiệp định thương mại tự do, sang năm 2024 thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng dầu đã được điều chỉnh về mức thấp nhất là 0%. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế nhập khẩu hiện nay đối với các nguyên liệu trung gian đã làm hạn chế cơ hội để đưa các nguyên liệu này vào phối trộn tại Nhà máy (trong khi nguồn dầu thô nhập khẩu của Nhà máy có mức thuế nhập khẩu là 0%). Nhằm đa dạng hóa và bổ sung thêm nguồn nguyên liệu gia tăng sản xuất, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, mức thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu phối trộn cho NMLD Dung Quất nên được xem xét điều chỉnh giảm nhằm linh hoạt khả năng sản xuất xăng dầu của Nhà máy.

*Ba là hỗ trợ cơ chế chính sách để sớm thực hiện nâng cấp mở rộng Nhà máy: Hiện tại công ty đang trong giai đoạn gấp rút triển khai nâng cấp mở rộng nhà máy trên cơ sở chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Việc hoàn thành nâng cấp mở rộng nhà máy sẽ cho phép các sản phẩm xăng dầu của BSR đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg. Điều này là yếu tố quan trọng sống còn, quyết định tính cạnh tranh cũng như sự tồn tại của sản phẩm xăng dầu Dung Quất trên thị trường nội địa trong thời gian tới. Do đó, BSR rất cần sự hỗ trợ về cơ chế từ các cấp chính quyền đối với việc thực hiện dự án.

-Để đảm bảo sự ổn định và an ninh năng lượng, bên cạnh những chính sách dài hạn thì theo ông, một số cơ chế liên quan trực tiếp đến BSR như thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp cần điều chỉnh thế nào để hạn chế những tác động có thể gây bất lợi cho nhà sản xuất xăng dầu trong nước?

-Bên cạnh các ý kiến về cơ chế chính sách như nói trên, một số cơ chế thuế và quy định xuất nhập khẩu liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần được xem xét nhằm hỗ trợ tăng tính cạnh tranh và linh hoạt trong sản xuất kinh doanh như:

*Chính sách thuế GTGT đối với xuất khẩu sản phẩm, bán thành phẩm: Sản phẩm lọc dầu của BSR khi xuất khẩu vẫn không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, do đó, phần thuế GTGT tăng không được khấu trừ này đang được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này không những làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh mà còn làm giảm đi lợi thế cạnh tranh cũng như bất lợi cho BSR trong quá trình kinh doanh sản phẩm, đặc biệt giai đoạn thị trường gặp khó khăn.

*Chính sách xuất khẩu sản phẩm/nguyên liệu khi thị trường khó khăn: Hiện tại, BSR không phải là thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu dầu thô. Do đó, BSR không thể bán lại các lô dầu thô đã mua từ nước ngoài đã/chưa nhập khẩu vào Việt Nam.

Khi thị trường có biến động lớn, nhu cầu trong nước suy giảm, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tồn kho, giảm sức ép cho thị trường nội địa, có nhiều trường hợp BSR buộc phải giảm bớt lượng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên với quy định trên, BSR chưa thể thực hiện được. Điều này không chỉ tạo sức ép cho thị trường nội địa mà còn gia tăng nhiều chi phí trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

*Chính sách nhập khẩu sản phẩm/mua sản phẩm của Nhà máy/cơ sở sản xuất khác để pha chế/chế biến: Việc nhập khẩu/mua của sản phẩm xăng dầu từ các cơ sở sản xuất khác trong và ngoài nước sẽ giúp Nhà máy chủ động và linh hoạt hơn trong công tác vận hành, đảm bảo cơ cấu sản lượng và chất lượng giao cho khách hàng theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, theo các quy định hiện tại, BSR chưa thể thực hiện việc nhập khẩu trực tiếp/hoặc mua từ Nhà máy khác (như NSRP) các thành phẩm xăng dầu để phục vụ cho việc tối ưu sản xuất, pha chế kinh doanh xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Việt Nam tuy là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô về để chế biến tại hai nhà máy lọc dầu ở Dung Quất và Nghi Sơn cũng như phải nhập khẩu xăng dầu từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, khủng hoảng về nguồn cung, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với năng lượng toàn cầu.

Với vai trò là đơn vị chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, BSR đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và đảm bảo nguồn cung năng lượng, đặc biệt là nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, chủ động thích ứng với sự thay đổi và biến động vĩ mô bằng cách không ngừng tối ưu các quy trình hoạt động và linh hoạt trong kinh doanh. Tuy nhiên, với thị trường biến động ngày càng khó lường và khốc liệt như hiện nay, các đơn vị sản xuất như BSR cần nhiều công cụ để có thể chủ động ứng phó. Do đó, việc điều chỉnh các chính sách như đề xuất nói trên là hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bsr-can-ho-tro-ve-co-che-de-day-nhanh-viec-mo-rong-nha-may-186672.html

In bài viết