Nét đẹp trang phục dân tộc Nùng An

08:00 | 07/05/2023

Cũng như các trang phục dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) mang nét giản dị, mộc mạc, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ tấm vải chàm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm nên. Trải qua bao biến đổi của thời gian với những thăng trầm của cuộc sống, trang phục dân tộc Nùng An vẫn mang những nét đẹp riêng và giữ được giá trị truyền thống độc đáo.
Nét đẹp trong lao động, sản xuất Nét đẹp trong lao động, sản xuất
Độc đáo nghề chạm bạc dân tộc Nùng U Độc đáo nghề chạm bạc dân tộc Nùng U
Nét đẹp trang phục dân tộc Nùng An - Báo Cao Bằng điện tử
Trang phục dân tộc Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Trang phục nam Nùng An được cắt may đơn giản nhưng vẫn tạo sự phóng khoáng, khỏe khoắn. Trang phục nam gồm, áo, quần, khăn đội đầu, có đi giầy và tất, trong ngày cưới có thêm khăn mặt và ô che đầu.

Áo nam được cắt theo kiểu áo 5 thân, cổ tròn, dài chấm ngang hông, có 5 khuy bằng vải, cài bằng cúc bạc hoặc đồng, 2 cúc ở cổ áo, 2 cúc bên sườn, 1 cúc ở bụng dưới, áo rộng vừa phải và ngắn, được xẻ tà hai bên, góc đỉnh tà có đính chỉ màu đỏ hoặc xanh. Quần nam may theo kiểu chân quê, ống quần rộng từ 23 - 30 cm, cạp quần rộng khoảng 15 cm, được làm bằng vải trắng, tùy theo dáng người mặc, những người mẹ, người vợ sẽ cắt khâu sao cho phù hợp.

Khăn cuốn trên đầu hay còn gọi là khăn xếp, được làm từ vải chàm tự dệt, chiều dài khoảng hai sải tay, khổ rộng 40 cm, được gấp nhỏ lại khoảng 8 cm, đuôi khăn được khâu chỉ xanh, chỉ đỏ làm điểm nhấn tô thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.

Trang phục nữ Nùng An cũng mang sắc chàm là chủ đạo, gồm áo, quần, khăn quấn trên đầu, khăn quấn ngang eo. Áo nữ được cắt may cầu kỳ hơn, áo dài gần đến đầu gối theo kiểu 5 thân, cổ đứng thấp, tà xẻ cao, gồm có 4 khuy cài, 2 khuy cài cổ áo, 2 khuy cài bên sườn. Quần cũng giống như kiểu quần nam, được may theo kiểu chân quê, cạp lá tọa may bằng vải xanh nhạt, độ doãng của đũng lớn, ống quần rộng thuận tiện cho việc lao động.

Khăn quấn trên hông (hay khăn quấn qua eo) được làm bằng vải chàm, chiều rộng 40 cm, dài hai sải tay, thắt lưng ai thì được đo bằng chính tay của người đó. Chiếc khăn được xếp lại khoảng 5 cm rồi quấn quanh eo để rủ 2 đuôi dây thắt ở đằng sau. Đuôi thắt có thêu chỉ đỏ hoặc xanh làm tôn lên dáng thướt tha, dịu dàng của người con gái Nùng An.

Bộ khăn đội đầu của nữ gồm ba lớp, trong cùng là khăn quấn tóc, được làm bằng vải mỏng màu xanh cô ban hoặc xanh lơ, tiếp theo là khăn xếp được làm bằng vải chàm được quấn đè lên khăn quấn tóc, vừa để giữ cho khăn quấn tóc chắc thêm, vừa tạo nét đẹp cho người phụ nữ. Ngoài cùng là khăn đội ngoài cũng được làm bằng vải chàm được điểm thêm một bông hoa chìm để tô thêm sự khác biệt với các nhóm Nùng khác, vừa bảo vệ tóc khỏi dính bụi bẩn trong lúc đi làm. Đối với cô dâu có thêm kim gắn chỉ đỏ chỉ xanh trên khăn.

Phụ kiện đi kèm với bộ trang phục phụ nữ Nùng An trong ngày lễ chính là bộ trang sức gồm xà tích, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai được làm từ bạc trắng và sợi dây màu đỏ có hoa văn buộc trên vòng cổ thả sau lưng tạo điểm nhấn về màu sắc trên nền màu chàm tô thêm vẻ đẹp trên trang phục của phụ nữ Nùng An.

Trong lao động sản xuất hằng ngày, trang phục phụ nữ Nùng An có thêm tạp dề (tiếng Nùng An gọi là pọc), được quấn ở phía trước dài từ hông đến mắt cá chân, buộc lên khăn quấn eo để bảo vệ cho quần áo khỏi bẩn, đồng thời lúc đi làm tiện đựng những sản phẩm từ nông nghiệp làm ra.

Đối với trang phục trẻ em Nùng An, khi những đứa trẻ được 2 - 3 tuổi, các bà mẹ sẽ cắt thêu quần áo đơn giản, trang phục bé trai, bé gái giống như trang phục người lớn. Mũ bé trai được thêu hình hoa tròn giống bông hoa lê, chóp mũ là núm hình cầu nhồi bằng bông, mũ bé gái thêu các bông hoa dài, chóp mũ là một miếng vải dầy hình tròn có thêu hoa văn. Màu chỉ thêu chủ yếu là màu đỏ, xanh, vàng, trắng với các họa tiết hoa của núi rừng thêu trên nền vải chàm làm nổi bật lên chiếc mũ thật tinh xảo, bắt mắt.

Ngoài những bộ quần áo, mũ đội trẻ em, bằng sự khéo léo, sáng tạo của mình, những người phụ nữ Nùng An còn tạo ra các sản phẩm như túi thổ cẩm, địu trẻ con, hoa văn trên mặt chăn... các sản phẩm tạo ra không chỉ thể hiện sự khéo léo, thẩm mỹ còn tạo nên giá trị về kinh tế. Trong những năm gần đây, các sản phẩm trên địa bàn xã Phúc Sen đang phát triển mạnh và được bán ra thị trường góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, văn hóa trang phục của người Nùng An cũng có sự biến chuyển, bên cạnh việc giữ gìn và sử dụng bộ trang phục truyền thống, người Nùng An cũng đã chuyển sang mặc những bộ quần áo may sẵn, tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày, tuy nhiên người Nùng An vẫn thường xuyên sử dụng bộ trang phục truyền thống của mình trong sinh hoạt, trong đám cưới, các dịp lễ hội...; mùi thơm của vải chàm đã gắn bó với người dân Phúc Sen từ lâu đời và họ luôn tự hào về bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc Nùng An của mình.

Nhân dân xã Phúc Sen luôn có truyền thống đoàn kết, cần cù chịu khó và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Cùng với việc lưu giữ những phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa đặc sắc của cha ông để lại..., nét đẹp trong trang phục truyền thống sẽ mãi là sản phẩm tinh thần, cũng như hồn cốt được người Nùng An Phúc Sen gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Tôn vinh nét đẹp cố đô tại lễ hội khinh khí cầu quốc tế 2023 Tôn vinh nét đẹp cố đô tại lễ hội khinh khí cầu quốc tế 2023
Từ ngày 12/4-20/4, tại sân Hàm Nghi, đường 23 Tháng 8, thành phố Huế sẽ diễn ra lễ hội hinh khí cầu quốc tế 2023 với chủ đề “Nét đẹp Cố đô”.
Sóc Trăng: Bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng: Bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer
Chiều 12/4, Hội thi văn nghệ các trường Phổ thông Dân tộc nội trú lần thứ 3 năm 2023 đã bế mạc. Đây là cuộc thi thiết thực chào mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, qua đó góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo baocaobang.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/net-dep-trang-phuc-dan-toc-nung-an-185563.html

In bài viết