Cẩm nang du lịch Đền Hùng

12:24 | 29/04/2023

Trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023, hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng và tham quan. Sau đây là một số lưu ý với du khách khi đến thăm Đền Hùng.
Chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 Chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023
Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2023 được tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ; đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên. Mọi công tác chuẩn bị đang được triển khai đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày khai hội.
Nhiều sự kiện đặc sắc tại Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa, du lịch đất Tổ Nhiều sự kiện đặc sắc tại Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa, du lịch đất Tổ
Sáng 13/4, Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hoá-du lịch đất Tổ, cùng các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá Việt Nam.

1. Di chuyển

Đền Hùng cách trung tâm Hà Nội khoảng 90km nên du khách có thể di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như xe máy, oto để di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, các bến xe đều có những tuyến xe đi tới các huyện của Phú Thọ, khách du lịch có thể thoải mái lựa chọn nhà xe phù hợp với lịch trình của mình.

Quần thể du lịch Đền Hùng bao gồm các loại vé như sau:

  • Vé vào bảo tàng 15.000/khách
  • Vé đi xe điện 50.000/khách
  • Vé lên các ngôi đền 10.000/khách

2. Các điểm tham quan nổi tiếng

Cổng đền

Cổng đền là điểm bắt đầu của chuyến hành hương về thăm vùng đất Tổ, nơi đất gốc phát tích của dân tộc Việt Nam.

Cổng được trang trí theo lối kiến trúc mái vòm, trên nóc có trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Cổng gồm 2 tầng, cao 8,5m rộng 4,5m. Chính giữa cổng đền trên cao là bức đại tự gồm 4 chữ Hán: Cao sơn cảnh hành (Núi cao đường lớn).

Đền Hạ

Đền được xây dựng từ thế kỷ 17 đến 18, trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. Đền Hà có 2 tòa, phía trước là nhà tiền tế và tòa phía sau là hậu cung. Hậu cung là nơi đặt thờ các long ngai bài vị thờ thần núi, thờ các vua Hùng và công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa.

Tương truyền Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Vì gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ nên về đền Hạ người dân thường cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp về đường con cái và gia đình, việc sinh nở được vẹn toàn vì quan niệm Mẫu là người bảo trợ cho mẹ tròn con vuông.

Đền Hạ
Đền Hạ.

Giếng cổ

Ngay phía sau đền Hạ là giếng Cổ (giếng Rồng). Tương truyền đây là nơi mẹ Âu cơ đã lấy nước tắm cho các con.

Chùa Thiên Quang

Tên chùa có nghĩa là ánh sáng từ trên trời chiếu rọi. Tương truyền nơi đây khi Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, tại vị trí của chùa có luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18-19, thời nhà Trần. Chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại thừa. Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng.

Chùa được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc gồm 2 gian thiêu hương, 5 gian tiền đường, 3 gian tam bảo và nhà Tổ. Mái chùa lợp ngói mũi, các tòa theo kiểu cột trụ. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng, trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.

Trước cửa chùa có cây vạn tuế ba ngọn khoảng 800 tuổi. Ba ngọn tỏa ra 3 hướng tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung- Nam. Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi tại gốc cây vạn tuế đó để nghe đồng chí Thanh Quảng, Chánh văn phòng Quân ủy TW và Song Hà, Chính ủy đại đoàn quân tiên phong báo cáo tình hình cũng như kế hoạch tiếp quản Hà Nội.

Đền Trung

Sau khi bước qua 159 bậc đá, du khách đến đền Trung nằm lưng chừng núi. Đền Trung có tên chữ là "Hùng Vương tổ miếu" hay miếu thờ tổ vua Hùng. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng thường cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước.

Vào đời Hùng Vương thứ 6, đây cũng là nơi diễn ra cuộc thi tìm người tài để trị vì đất nước. Hoàng tử út Lang Liêu chiến thắng nhờ làm ra món bánh chưng, bánh giày tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Vua Hùng khen bánh ngon, ý hay nên đã truyền ngôi. Lang Liêu thành Hùng Vương thứ 7. Đền có quy mô lớn, hoành tráng, gồm nhiều hạng mục kiến trúc như miếu thờ Đức Ông, nhà Mẫu, nhà thờ Phật …

Đền Trung
Đền Trung.

Đền Thượng

Từ đền Trung, đi khoảng 100 bậc sẽ đến đền Thượng, nằm ở vị trí cao nhất trên núi. Đền có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền, đây là nơi vua Hùng thường lên để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ.

Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).

Đền Thượng
Đền Thượng.

Cột đá thề

Nằm bên trái đền Thượng là cột đá thề. Qua năm tháng, cột đá bị vùi lấp và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phục dụng, để con cháu hiểu được lời thề của tổ tiên. Tương truyền vào đời Hùng Vương thứ 18, vua Hùng không có con nối dõi đã nghe theo lời khuyên của con rể Tản Viên, truyền ngôi cho người cháu họ là Thục Phán. Thục Phán đã cho dựng cột đá, chỉ tay lên trời thề rằng: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Thục Phán sau khi lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc, dời đô vào Cổ Loa.

Lăng Hùng Vương

Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6, với lời căn dặn rằng: "Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu". Mộ được xây dựng ở thế đầu đội sơn chân đạp thủy. Lăng Hùng vương tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu": dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.

Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Cửa chính của lăng có hai câu đối chữ Nôm nói lên lòng thành kính tri ân của con cháu đối với tổ tiên: "Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về đất Tổ. - Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mồ ông".

Lăng Hùng Vương
Lăng Hùng Vương.

Đền Giếng

Đi xuống khoảng 600 bậc theo hướng Đông Nam là đền Giếng (hay còn gọi là Ngọc Tỉnh) - nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai vị đã có công trị thủy, dạy dân cách trồng lúa nước nên được nhân dân tôn kính lập đền thờ muôn đời. Câu chuyện tình giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh khát vọng về tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Còn Ngọc Hoa - Sơn Tinh phản ánh về công cuộc trị thủy cũng như để lại một phong tục văn hóa của người Việt: thách cưới.

Cẩm nang du lịch đền Hùng
Cổng vào Đền Giếng.

Đền nằm dưới chân núi. Trên mái đắp tứ linh: long, lân, quy, phụng. Chính giữa tiền sảnh là 3 bức đại tự "Ẩm thủy tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn), "Nam quốc anh hoàng", "Sơn thủy kim ngọc" (ý nói núi sông quý báu như vàng ngọc). Đền có 3 gian thiết kế theo kiểu chữ “công” bao gồm 3 gian hậu cung, 3 gian tiền bái, 2 nhà oản và 1 chuôi vồ.

Đền Tổ mẫu Âu Cơ

Đền được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng.

Đền tổ mẫu Âu Cơ
Đền Tổ mẫu Âu Cơ.

Nếu du khách muốn trải nghiệm thêm ở Phú Thọ thì có thể tham khảo thêm một vài địa điểm ngoài đền Hùng như đồi chè Long Cốc, khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch khoáng nóng Thanh Thủy...

3. Các hoạt động chính dịp giỗ Tổ Hùng Vương 2023

Năm nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào 29/4 Dương lịch. Lễ giỗ Tổ và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 được tổ chức từ ngày 20 đến 29/4, với nhiều hoạt động vui chơi chào đón du khách.

Phần lễ (tại khu Di tích Lịch sử đền Hùng)

Ngày 20 đến 29/4: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Ngày 25/4: Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ.

Ngày 29/4 (từ 8h): Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.

Phần hội

20h ngày 21/4: Khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa Du lịch đất Tổ 2023 tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì.

19h30-22h ngày 22-24/4: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi tại quảng trường Hùng Vương.

Ngày 23/4: Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì.

Ngày 24 đến 30/4: hát Xoan, dân ca Phú Thọ tại sân Trung tâm lễ hội, khu Di tích lịch sử đền Hùng và tổ chức Hội trại Văn hóa tại khu núi Phú Bùng.

Ngày 25 đến 29/4: Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ tại Khu dịch vụ ngã 5 Đền Giếng - khu DTLS đền Hùng.

Ngày 20 đến 29/4: Trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương tại bảo tàng, thuộc khu di tích lịch sử.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Giỗ Tổ còn tổ chức các hoạt động khác như trình diễn hát Xoan phục vụ khách du lịch tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô (20-29/4), chương trình âm nhạc đường phố, trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục "Non sông gấm vóc" (22/4) tại công viên Văn Lang, hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh giày (ngày 27/4) tại khu di tích lịch sử.

4. Ẩm thực

Bánh tai Phú Thọ

Bánh tai Phú Thọ có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ. Bánh có hình thù giống cái tai, là thứ bánh gạo tẻ, nhân thịt lợn, dễ làm bởi quy trình không mấy phức tạp, dụng cụ không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng làm được.

Bánh tai vừa lấy ra còn hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không, từ từ ăn mới thấm hết cái đặc điểm và mùi vị của bánh: cảm giác dẻo mát, giòn, bùi, ngọt, béo, thơm hòa quyện trong từng miếng.

Bánh tai
Bánh tai.

Bánh sắn

Đây là loại bánh dân dã, không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn mang hương vị béo ngậy. Bánh sắn nhân ngọt thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng,…Còn bánh sắn nhân mặn thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ hay nhân trứng kiến.

Bánh sắn
Bánh sắn.

Thịt chua

Đây là món ăn đặc trưng của người Mường Phú Thọ. Để chế biến món thịt chua, người làng Phú Hà (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) chỉ lấy thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạch từ loại lợn lửng. Do được chăn thả tự nhiên và nuôi lớn hoàn toàn bởi những sản vật của núi rừng như củ quả, rau, măng, nên thịt lợn lửng rất chắc, thơm ngon và ngọt thịt. Giống lợn này nuôi một năm chỉ đạt tới 15 - 17 kg.

Sau khi thịt đã được chọn cẩn thận, làm sạch thì tiến hành lọc hết gân và đem nướng trên chảo gang hoặc than hồng. Thịt được nướng cho chín se, sau đó ép bỏ nước rồi pha khổ nhỏ, thái mỏng ướp với nước mắm, bột ngọt, thính.

Thịt chua.
Thịt chua.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là mảnh đất địa linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước – Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có 4 điểm tham quan chính: đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trên núi Sim, đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, bảo tàng Hùng Vương và đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng).
Độc đáo Lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng Độc đáo Lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng
Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2023, ngày 7/4 (tức ngày mùng 7/3 năm Quý Mão) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Lễ rước kiệu của 7 xã, thị trấn vùng ven Khu di tích gồm xã Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Hy Cương và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì) và xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã diễn ra trang trọng, thành kính.
Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vào dịp này, mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Hồng Vân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cam-nang-du-lich-den-hung-185323.html

In bài viết