Chuyên gia đánh giá về tín dụng châu Âu sau sụp đổ của nhiều "ông lớn" ngân hàng

11:26 | 28/03/2023

Tín dụng doanh nghiệp tại châu Âu sụt mạnh từ trước loạt bê bối trong ngành ngân hàng.
Các ngân hàng tại châu Âu đã hạn chế tín dụng cho doanh nghiệp từ tháng trước, trước cả khi vụ việc sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Credit Suisse bị thâu tóm diễn ra gây sốc thị trường tài chính toàn cầu, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Nỗi sợ về “sức khỏe” của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ khiến cho điều kiện tín dụng bị thắt chặt nhiều hơn nữa trong những tháng tới.

Hạn mức tín dụng mà các ngân hàng cắt giảm với doanh nghiệp khu vực đồng tiền chung châu Âu ước tính thu hẹp khoảng 3 tỷ euro trong tháng 2/2023. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ chững lại còn 4,9% từ mức 5,3% của tháng 1/2023, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố vào ngày thứ Hai. Tín dụng dành cho các hộ gia đình đồng thời giảm.

Đáng chú ý, việc siết chặt tín dụng diễn ra trong bối cảnh ở thời điểm đó nhiều ngân hàng châu Âu đang kiếm được lợi nhuận từ tín dụng cao hơn so với những năm trước trong bối cảnh lãi suất thấp.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng việc tín dụng suy giảm sẽ có thể trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới do những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng vì vậy trở nên thận trọng hơn. Các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vì vậy phát huy tác dụng mạnh hơn nữa.

“Hiện tại người ta chưa thấy rõ tác động từ các đợt nâng lãi suất lên nền kinh tế, nhiều biến động trong thời gian gần đây sẽ còn gây tổn hại đến hoạt động kinh tế nhiều hơn nữa”, ông Bert Colijn, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING, nói.

Từ tháng 7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không ngừng nâng lãi suất chủ chốt nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát giá cả tiêu dùng tăng cao sau khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang vào năm ngoái. ECB tin rằng những động thái trên phát huy tác dụng thông qua việc siết chặt các điều kiện tín dụng, ví như nâng lãi suất cho vay áp dụng với doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Căng thẳng trong hệ thống ngân hàng đã gây tổn hại đến một trong những định chế tài chính lớn nhất của châu Âu khi mà giới chức quản lý ngành ngân hàng Thụy Sỹ đã phải định hướng ngân hàng UBS thâu tóm ngân hàng Credit Suisse AG. Từ trước vụ thâu tóm này, bản thân Credit Suisse cũng đã suy yếu bởi quá nhiều vụ bê bối nội bộ cũng như thua thiệt trong đầu tư.

Tuy nhiên giá cổ phiếu đã giảm, chi phí cho vay tăng lên tại nhiều ngân hàng châu Âu tính từ vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank tại Mỹ vào tháng này.

Vào phiên ngày thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu ngân hàng Deutsche Bank giảm rất sâu, chi phí bảo hiểm ngăn khả năng vỡ nợ của ngân hàng tăng lên, thực tế này khiến cho nhiều người lo sợ về khả năng tình trạng mất niềm tin của nhà đầu tư sau vụ việc SVB và việc Credit Suisse bị tiếp quản khẩn cấp đang lây lan sang các thị trường khác.

Sang đến ngày thứ Hai, tình trạng giao dịch của các cổ phiếu đang bình ổn trở lại. Tính đến đầu phiên chiều trên thị trường Frankfurt - Đức, khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng hơn 5% còn giá các cổ phiếu tăng ổn định.

“Rõ ràng rằng rủi ro với ổn định tài chính đã tăng lên. Sự dịch chuyển nhanh chóng từ quá trình lãi suất thấp sang lãi suất cao rõ ràng tạo ra nhiều yếu tố căng thẳng và gây tổn thương”, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phân tích.

Đương đầu với rủi ro tiền gửi bị rút ra, điều mà cả ngân hàng SVB hay Credit Suisse đều phải đối mặt, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ phải trả cho người tiết kiệm mức lãi suất cao hơn, vì thế cũng sẽ phải tính chi phí cao hơn với các khoản vay. Số liệu công bố vào ngày thứ Hai cho thấy các hộ gia đình và doanh nghiệp rút tiền ra khỏi các ngân hàng tại Mỹ rút tiền ra đến tháng thứ 2 liên tiếp để tìm kiếm lợi suất cao hơn.

“Họ đầu tư một phần tiền vào trái phiếu do các ngân hàng phát hành, chính vì vậy việc họ rút tiền ra không nhất thiết cho thấy họ đang mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng”, ông Jack Allen-Reynolds, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, phân tích.

Một số nhà hoạch định chính sách kinh tế thuộc ECB đang cảnh báo rằng sự suy giảm của tín dụng ngân hàng lần này mạnh hơn so với những chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ trước đây, chính vì vậy tác động từ chính sách tiền tệ siết chặt của ngân hàng trung ương lên nền kinh tế càng trở nên rõ ràng hơn.

Đức Minh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-gia-danh-gia-ve-tin-dung-chau-au-sau-sup-do-cua-nhieu-ong-lon-ngan-hang-183896.html

In bài viết