Việt Nam-Ấn Độ: Phát huy thành quả, khai phá tiềm năng, hướng tới tương lai

09:31 | 07/01/2023

Qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, được sự vun đắp của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có những bước phát triển hết sức tốt đẹp trên cơ sở sự gắn kết, gần gũi về giá trị văn hóa, văn minh giữa hai dân tộc và sự tương đồng về lợi ích chiến lược.
Việt Nam-Indonesia: Thắm tình hữu nghị, hướng tới tương lai Việt Nam-Indonesia: Thắm tình hữu nghị, hướng tới tương lai
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Indonesia trước thềm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia thành công tốt đẹp, khẳng định mối quan hệ song phương ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng, hiệu quả, tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, đáp ứng thiết thực lợi ích nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
“Việt Nhật đồng hành, hướng tới tương lai - vươn tầm thế giới” “Việt Nhật đồng hành, hướng tới tương lai - vươn tầm thế giới”
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng khi hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp đầu năm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada đã gửi lời chúc mừng năm mới. Tạp chí Thời Đại xin dẫn lại bài viết "Lời mở đầu của Đại sứ Yamada".
Việt Nam-Ấn Độ: Phát huy thành quả 50 năm quan hệ, khai phá tiềm năng, hướng tới tương lai
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến du lịch Việt Nam-Ấn Độ, ngày 14/12/2022. (Ảnh: Lan Anh)

Quan hệ chính trị-ngoại giao-an ninh-quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ được xây dựng và phát triển qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đạt nhiều bước tiến quan trọng, nhất là kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Hiện nay, Ấn Độ nằm trong số ba nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ này.

Trong những năm qua, Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm viếng lẫn nhau. Ấn Độ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (2/2020), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (12/2021). Việt Nam đón Thủ tướng Ấn Độ N. Modi (9/2016 – thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện), Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018), Phó Tổng thống Venkaiah Naidu thăm, dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (5/2019). Ngay cả khi đại dịch Covid-19 cản trở các hoạt động trực tiếp, hai bên vẫn tìm cách duy trì các kênh đối thoại cấp cao để định hướng quan hệ. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Narendra Modi (12/2020), thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và con người; Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ (7/2021).

Trong năm 2022, các hoạt động đối thoại, gặp gỡ trực tiếp được khôi phục. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng N. Modi (4/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng thống Jagdeep Dhankhar tại Phnompenh (11/2022); Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm Ấn Độ (6/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ (AISFMM) và có các hoạt động song phương (6/2022). Về phía Ấn Độ, Chủ tịch Hạ viện Om Birla (4/2022) và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thăm Việt Nam (6/2022). Hai bên thường xuyên gặp, trao đổi cấp cao bên lề các diễn đàn quốc tế lớn, tiến hành Tham vấn chính trị lần thứ 12 và Đối thoại chiến lược lần thứ 9 (tại Hà Nội, 5/2022).

Các chuyến thăm và hoạt động đối ngoại cấp cao đã góp phần quan trọng thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Tin cậy chiến lược không ngừng được củng cố. Lãnh đạo Ấn Độ luôn khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông và đối tác chủ chốt trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, bày tỏ mong muốn hai bên hợp tác tốt để thực hiện thành công Tuyên bố chung Tầm nhìn chung về Hòa bình, thịnh vượng và người dân do Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông qua vào tháng 12/2020.

Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang phát huy hiệu quả trong xác định các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực. Hai nước tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ trong năm 2021 khi cùng giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Điều đặc biệt là, Ấn Độ có hệ thống chính trị đa đảng, đa dạng về khuynh hướng chính trị - tư tưởng, nhưng các đảng đều ủng hộ và coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Quan hệ giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền đang có những bước phát triển quan trọng. Năm 2022, lần đầu tiên hai Đảng đã tiến hành cuộc hội đàm theo hình thức trực tuyến, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai đảng. Đồng thời, Đảng ta tiếp tục duy trì quan hệ thân tình với Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ (Marxist) (CPI-M), Đảng Quốc đại, đảng Khối Tiến lên toàn Ấn. Các hoạt động đối ngoại kênh đảng góp phần quan trọng tạo hậu thuẫn, nền tảng vững chắc về tư tưởng cho quan hệ đối ngoại nhà nước.

Việt Nam-Ấn Độ: Phát huy thành quả 50 năm quan hệ, khai phá tiềm năng, hướng tới tương lai
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải trao Điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) Doraisamy Raja, ngày 11/11/2022. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

Hợp tác quốc phòng tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai bên đã hoàn thành các hạng mục của gói tín dụng quốc phòng 100 triệu USD, đạt được nhiều tiến triển trong thúc đẩy gói tín dụng 500 triệu USD, hợp tác ngày càng chặt chẽ trong các hoạt động diễn tập chung, gìn giữ hòa bình, huấn luyện và đào tạo sĩ quan, nâng cao năng lực hàng hải.

Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư có sự phát triển vượt bậc. Thương mại song phương đã tăng vọt từ mức 200 triệu USD vào đầu những năm 2000 lên mức 13,2 tỷ USD năm 2021 và 13,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022, tiến gần tới mục tiêu 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đề ra. Các hoạt động thúc đẩy, xúc tiến thương mại, giao thương được tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường kết nối hàng hoá, thị trường, doanh nghiệp.

Kết nối hàng không và hàng hải được tăng cường. Năm 2019, lần đầu tiên giữa hai nước đã thiết lập đường bay thẳng, được giới doanh nghiệp và nhân dân hai nước đón nhận rất tích cực. Đến nay, các hãng hàng không đã kết nối nhiều điểm đến của hai nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc với Delhi, Mumbai, Kolkata và Ahmedabad. Sau đại dịch Covid-19, các đường bay thẳng đã và đang tạo ra làn sóng du khách và doanh nghiệp qua lại giữa hai nước. Tháng 7/2022, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khai trương một tuyến đường biển kết nối miền Trung Việt Nam với thành phố Kolkata, mở ra triển vọng và cơ hội mới về lưu thông hàng hóa trực tiếp giữa hai nước.

Một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như công nghệ thông tin, dược phẩm, xử lý rác thải. Tập đoàn HCL - một trong năm công ty IT lớn nhất của Ấn Độ, đã đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 650 triệu USD. Bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 3/2020, HCL theo đuổi mục tiêu đưa chi nhánh tại Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo, xây dựng phần mềm lớn nhất của Ấn Độ tại Đông Nam Á, hướng đến phát triển đội ngũ hơn 15 nghìn kỹ sư trong 6-10 năm tới. Tỷ phú Gautam Adani – tỷ phú hàng đầu Ấn Độ và thế giới dự kiến dành 10 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam trong thập kỷ tới, mở đầu với dự án phát triển cảng Liên Chiểu. Đa số nhà đầu tư Ấn Độ làm ăn tại Việt Nam thành công. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Việt Nam-Ấn Độ: Phát huy thành quả 50 năm quan hệ, khai phá tiềm năng, hướng tới tương lai
Đại sứ Nguyễn Thanh Hải và các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt Nam lần thứ hai tại New Delhi với chủ đề “Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tới năm 2030”, ngày 21/12/2022. (Nguồn: TTXVN)

Giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, giáo dục - đào tạo mở rộng ấn tượng. Ấn Độ là điểm đến ngày càng hấp dẫn về du lịch tâm linh, du lịch di sản và du lịch thắng cảnh đối với du khách Việt. Từ sau dịch, số du khách Việt Nam đến Ấn Độ rất đông. Ngày càng có nhiều người dân Ấn Độ quan tâm tới các địa điểm du lịch Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến từ Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước đến Việt Nam.

Hai nước đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đáng chú ý là, hoạt động hợp tác vốn theo chiều hướng Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam nay đã được mở rộng hai chiều với việc lứa sinh viên Ấn Độ đầu tiên đã tới Thành phố Hồ Chí Minh nhập học ngành y khoa vào tháng 4/2022. Đây là sản phẩm dịch vụ xuất khẩu tại chỗ chưa từng được khai phá, và có nhiều tiềm năng.

Với mối liên hệ văn hóa hàng ngàn năm giữa nhân dân hai nước, hoạt động giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa hai nước đã và đang diễn ra rất sôi động. Trong tư tưởng và tình cảm của người dân Ấn Độ, hình ảnh Việt Nam gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến giành độc lập của Việt Nam, rất đông người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình bày tỏ ủng hộ cuộc đấu tranh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Khẩu hiệu “Tên tôi, tên anh, tên chúng ta là Việt Nam”, “Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ” đã được hô vang trên các phố phường Ấn Độ và ngày nay vẫn được các bạn bè Ấn Độ nhắc tới.

Hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ là điểm nhấn nổi bật trong hoạt động ngoại giao văn hóa. Hiện ở thành phố Kolkata có Tượng Bác được đặt trang trọng trong công viên và một đại lộ mang tên Bác. Tại New Delhi có một đại lộ rất lớn được mang tên Bác. Góc Việt Nam – Hồ Chí Minh đã được mở ở Thư viện quốc gia và Thư viện trung tâm của Ấn Độ. Năm 2022, hai nước khánh thành Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại thủ đô New Delhi. Tượng Mahatma Gandhi cũng chuẩn bị được đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là sự vinh danh các Anh hùng giải phóng dân tộc của hai nước mà còn là biểu tượng cho các giá trị văn hóa, nhân văn của nhân loại, minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, bền vững lâu dài giữa hai nước.

* * *

Ấn Độ đang trên đà vươn lên trở thành cường quốc và nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2022 đánh dấu cột mốc Ấn Độ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và khả năng sẽ tiếp tục vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong 5-6 năm tới. Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu là nước công nghiệp hóa hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn ra những thay đổi sâu sắc, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác, chia sẻ nhiều tương đồng trong mục tiêu phát triển và lợi ích chiến lược.

Thừa hưởng những thành quả của hơn 50 năm quan hệ ngoại giao do nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định cam kết và nỗ lực để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Ấn Độ; thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng; tăng cường hợp tác khoa học và giáo dục, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đưa quan hệ Việt Nam – Pakistan phát triển tương xứng với tiềm năng Đưa quan hệ Việt Nam – Pakistan phát triển tương xứng với tiềm năng
Du lịch Việt trở lại ấn tượng, tìm kiếm những đột phá Du lịch Việt trở lại ấn tượng, tìm kiếm những đột phá

Theo Báo Thế giới & Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-an-do-phat-huy-thanh-qua-khai-pha-tiem-nang-huong-toi-tuong-lai-180867.html

In bài viết